(QNO) – Hơn 5ha rừng ngập mặn ở xã Tam Giang (Núi Thành) chết khô chậm được phục hồi, cùng với đó là tình trạng rác thải sinh hoạt bủa vây xung quanh khiến môi trường ngày càng ô nhiễm, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân.
Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều diện tích rừng ngập mặn nguyên sinh trải dài từ thôn Đông Xuân đến thôn Đông Bình (xã Tam Giang) đang chết dần. Hàng nghìn cây đước, mắm, bần có tuổi đời hơn 100 năm tuổi chỉ còn là thân củi khô.
Lượng lớn rác thải sinh hoạt từ ngoài biển theo thủy triều tấp vào phủ đầy gốc và thân cây, gây bốc mùi hôi thối. Trục đường trải dài theo cánh rừng là nơi cư trú của hàng trăm hộ dân địa phương. Họ sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt thủy sản dưới tán rừng.
Bà Võ Thị Luật (79 tuổi, thôn Đông Bình) cho biết, sinh ra và lớn lên bà đã thấy nhiều cây mắm, bần mọc tự nhiên trong khu rừng. Khu rừng ngập mặn là bãi đẻ của nhiều loài cá, tôm. Khoảng 3 năm trở lại đây, do ảnh hưởng bão, môi trường nước bị ô nhiễm khiến rừng ngập mặn chết khô. Cũng từ đó, tôm cá cũng ít dần, ảnh hưởng sinh kế của ngư dân.
“Trước đây, tôi mưu sinh bằng nghề bắt cá, tôm, cua ở khu rừng này, mỗi ngày thu nhập đem lại khoảng 400-500 nghìn đồng, còn hiện nay chỉ kiếm được dưới 100 nghìn đồng. Nghề đánh bắt bấp bênh, nhiều ngư dân bán ghe thuyền chuyển đổi nghề” - bà Luật chia sẻ.
[VIDEO] - Người dân thôn Đông Bình bức xúc với tình trạng ô nhiễm môi trường:
Hơn nửa đời người gắn bó với nghề sông nước, ông Phạm Trúc (80 tuổi, thôn Đông Bình) không khỏi xót xa khi chứng kiến rừng ngập mặn ngày càng nghèo đi. Ông Trúc cho hay, cơn bão số 9/2020 đổ vào khiến cây cối bị hư hại rồi khô chết và từ đó cả cánh rừng chỉ còn bãi đất hoang tàn. Cách đây 2 năm, chính quyền địa phương đã trồng mới cây đước, mắm nhưng tỷ lệ cây sống không cao. Năm 2023, đơn vị thi công hút đất cát ở sông cũng làm cây chết.
“Tôi có ghe nhỏ và mưu sinh bằng nghề đánh bắt thủy sản gần bờ. Từ khi rừng chết, nhà nước triển khai dự án nạo vét, nghề sông nước của tôi cũng bị ảnh hưởng đáng kể.
Khi lên bờ, địa phương chỉ hỗ trợ tôi 2 triệu đồng để tìm sinh kế mới nhưng chẳng thấm vào đâu. Nhiều cuộc họp chúng tôi kiến nghị chính quyền có phương án hỗ trợ sinh kế lâu dài cho người dân nhưng đâu lại vào đó” – ông Trúc thở dài.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt – Trưởng thôn Đông Bình cho biết: “Hiện nay, toàn thôn có hơn 300 hộ dân, phần lớn đều làm nghề đánh bắt thủy sản gần bờ. Những năm gần đây, cây xanh ở rừng ngập mặn bị chết không rõ nguyên nhân khiến lượng hải sản đánh bắt được cũng giảm đáng kể, nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng vì ô nhiễm nguồn nước. Thêm vào đó, việc nạo vét khơi thông dòng chảy ở ngoài sông khiến bà con lo lắng vì lâu dài các loài cá, tôm, cua cũng cạn kiệt vì thiếu môi trường sống".
[VIDEO] - Ông Nguyễn Ngọc Vinh - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang kiến nghị các cấp chính quyền, ngành chức năng quan tâm trồng lại rừng ngập mặn đã bị thiệt hại:
Còn ông Nguyễn Ngọc Vinh – Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang cho biết, năm 2020 - 2021, sau sự cố thời tiết cực đoan đã làm chết hơn 5ha rừng ngập mặn.
“Những năm qua, chính quyền xã cũng có định hướng trồng cây nhưng kinh phí hạn hẹp, nên mong muốn UBND tỉnh, các ngành chức năng có kế hoạch lâu dài, trồng bổ sung rừng ngập mặn” – ông Vinh đề xuất.