Lâm nghiệp

Rừng ngập mặn Tam Giang chờ tái sinh

HOÀNG ĐẠO - NGUYỄN QUỲNH 01/03/2024 07:51

Chưa rõ nguyên nhân khiến 5ha rừng ngập mặn xã Tam Giang (Núi Thành) chết hàng loạt vào năm 2020. Đến nay, cánh rừng có tác dụng phòng chống biến đổi khí hậu và tạo nguồn lợi thủy sản cho người dân vẫn trơ trọi.

ngap-man-tg-1.jpg
Năm 2020, 5ha rừng ngập mặn xã Tam Giang chết hàng loạt không rõ nguyên nhân. Ảnh: Đ.Q

Mất rừng, mất sinh kế

Theo ghi nhận của chúng tôi, khu rừng ngập mặn nguyên sinh có chiều dài hơn 3km bắt nguồn từ thôn Đông Xuân đến thôn Đông Bình (xã Tam Giang) đang chết dần.

Hàng trăm cây đước, mắm, bần có tuổi đời hơn 100 năm chỉ còn là thân củi khô; những hàng cây mới được chính quyền và người dân trồng tái sinh chỉ sống sót vài chục cây.

Không chỉ vậy, rừng ngập mặn ở xã Tam Giang còn đang hứng chịu lượng lớn rác thải sinh hoạt từ ngoài biển theo thủy triều tấp vào phủ đầy, gây bốc mùi hôi thối.

Trước đây, khu rừng này được người dân địa phương ví như “báu vật” của làng chài vì có khá nhiều cá tôm và các loài nhuyễn thể sinh sống, tạo nguồn sinh kế ổn định.

Tuy nhiên, rừng chết đi khiến lượng cá tôm đánh bắt được cũng giảm đáng kể, thậm chí nhiều người phải bán ghe, thúng lên bờ tìm nghề khác mưu sinh.

Bà Võ Thị Luật (thôn Đông Bình) cho biết, khoảng 3 năm trở lại đây, môi trường nước bị ô nhiễm cùng với khí hậu diễn biến cực đoan khiến cánh rừng ngập mặn chết khô.

Thời gian qua, chính quyền và người dân trồng cây đước nhưng cây không thích nghi với thổ nhưỡng nên tỷ lệ chết khá nhiều. Rừng suy giảm mạnh, tôm cá cũng ít dần, nhiều người dân lâu nay gắn bó nghề sông nước phải tìm việc làm trong các nhà máy, xí nghiệp…

ngap-man-tg-3.jpg
Từ ngày rừng ngập mặn chết, rác thải ngập tràn thì nghề khai thác thủy sản của người dân địa phương thất bát. Ảnh: Đ.Q

“Trước đây, tôi mưu sinh bằng nghề chèo ghe đánh bắt cá, tôm, cua ở khu rừng này, thu nhập đem lại khoảng 400 - 500 nghìn đồng/ngày. Còn hiện nay chỉ kiếm được khoảng 100 nghìn đồng thôi vì chẳng loài thủy sản nào sống nổi trong môi trường ô nhiễm như vậy” - bà Luật nói.

Tương tự, ông Phạm Trúc (80 tuổi, thôn Đông Bình) cho hay, cơn bão số 9 năm 2020 đổ vào khiến cây cối của khu rừng bị khô lá và chết không rõ nguyên nhân. Cách đây 2 năm, chính quyền địa phương có trồng mới một ít cây đước, mắm nhưng không sống được bao nhiêu.

“Từ khi rừng chết, nghề sông nước của tôi cũng thất thu. Rất mong chính quyền tìm cách khôi phục rừng ngập mặn, góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản để chúng tôi mưu sinh” - ông Trúc kiến nghị.

Được biết khi triển khai dự án nạo vét luồng sông Trường Giang, do ảnh hưởng đến sinh kế của người dân từ khai thác thủy sản, những hộ dân có thuyền thúng được hỗ trợ 2-5 triệu đồng để chuyển đổi nghề. Tuy nhiên, số tiền quá ít ỏi và phần lớn họ đều cao tuổi nên tìm kiếm việc làm rất khó khăn.

Chờ đợi tái sinh rừng

UBND xã Tam Giang cho biết, rừng ngập mặn tại địa phương ngoài một số cây nguyên thủy thì năm 1995 chính quyền các cấp đã vận động người dân trồng hơn 27ha.

ngap-man-tg-2.jpg
Người dân chờ đợi nhà nước khôi phục rừng ngập mặn để tạo nguồn lợi thủy sản. Ảnh: Đ.Q

Đến năm 2015, UBND huyện Núi Thành triển khai Dự án trồng phục hồi rừng ngập mặn tại xã Tam Giang với mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn ven sông, bảo vệ các bờ đê, bờ kè khỏi bị xói lở bởi gió bão, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tổng diện tích thực hiện dự án là 27,45ha, trong đó trồng rừng 23,9ha, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung 3,55ha; loài cây trồng rừng và khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung là cây đước, với mật độ trồng 6.666 cây/ha, khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung 2.500 cây/ha.

Ngoài ra, một đề tài khoa học cấp bộ triển khai tiểu phần tại xã Tam Giang đã cùng người dân trồng lại một số diện tích rừng ngập mặn. Nhờ đó, cánh rừng ngập mặn ở địa phương này trải dọc theo tuyến đê qua 4 thôn Đông An, Đông Bình, Đông Xuân và Hòa An. Tuy nhiên, theo thời gian, một số lượng lớn cây không tương thích thổ nhưỡng đã chết dần.

Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Ngọc Vinh thông tin, theo kiểm đếm vào giữa năm 2021, trên địa bàn xã chỉ còn khoảng 25ha rừng ngập mặn, phân bổ chủ yếu ở phía đông và phía tây của xã.

Sau cơn bão số 9 năm 2020, người dân nhận thấy hiện tượng các cây mắm chết hàng loạt nên thông tin với chính quyền. UBND xã đã tổ chức kiểm đếm, thống kê được 5ha cây mắm chết ở phía đông dọc tuyến đê ven sông Trường Giang.

“Chúng tôi đã báo cáo UBND huyện Núi Thành, các phòng ban liên quan về tình hình này. Sau đó, tỉnh, huyện tổ chức các đoàn kiểm tra, đánh giá tình trạng nhưng vẫn chưa rõ kết quả cụ thể ra sao. Và sau 3 năm, trên diện tích 5ha rừng ngập mặn chết đã có dấu hiệu phục hồi với số lượng ít ỏi cây tự nhiên mọc lên.

Hiện nay, nguồn kinh phí địa phương hạn hẹp không thể triển khai dự án trồng tái sinh rừng ngập mặn nên chúng tôi rất mong UBND tỉnh, huyện phân bổ nguồn lực hỗ trợ triển khai trồng lại rừng ngập mặn để tạo nguồn lợi thủy sản, tạo đê mềm chắn sóng bảo vệ” - ông Vinh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Rừng ngập mặn Tam Giang chờ tái sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO