Rừng Nghi Sơn

VĨNH LỘC 17/01/2014 07:48

Làng Nghi Sơn, xã Quế Hiệp, Quế Sơn nằm ở vùng bán sơn địa, dù đời sống còn nhiều khó khăn, đường sá cách trở nhưng từ bao đời nay, người dân nơi đây vẫn gìn giữ bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, của cha ông.

Từ ngã ba Hương An, theo đường ĐT611, đến xã Quế Hiệp, rẽ phải theo cổng chào thôn Phước Thượng, đi chừng 7 cây số là đến làng Nghi Sơn. Con đường bê tông dẫn vào làng uốn lượn men theo đồi đất, hai bên chỉ thấy hoang vu đồi keo, cây dại và những vạt ruộng lưa thưa. Theo lời các cụ cao niên trong làng, hầu hết người dân nơi đây đều có nguồn gốc từ xứ Thanh - Nghệ theo chân vua Lê Thánh Tông bình Chiêm mở cõi gần 600 năm trước lưu lại khai khẩn đất hoang lập làng lập xóm. Để tưởng nhớ cố hương, họ lấy tên làng cũ Nghi Sơn đặt cho vùng đất mới.

Làng Nghi Sơn đã có lịch sử hơn 600 năm nay vẫn còn lưu giữ những giá trị văn hóa từ thuở lập làng, lập xóm.
Làng Nghi Sơn đã có lịch sử hơn 600 năm nay vẫn còn lưu giữ những giá trị văn hóa từ thuở lập làng, lập xóm.

Từ 12 tộc họ ban đầu, qua bao thăng trầm lịch sử, chiến tranh loạn lạc đến nay đã có 28 tộc họ với 149 hộ, 620 nhân khẩu cùng cư ngụ trên mảnh đất này, hình thành nên xóm Chòi, xóm Giữa, xóm Đá và xóm Đèo. Dù có vị trí cách biệt với bên ngoài, nhưng từ lâu làng Nghi Sơn đã nổi tiếng với tục khai sơn cúng tiền hiền diễn ra vào mùng 8 tháng giêng hàng năm và khu rừng Miếu Cấm rộng 12ha có những cây gỗ to một người ôm không hết.

Theo ông Đinh Hữu Hoàng - Trưởng thôn Nghi Sơn, không ai biết chính xác khu rừng có từ bao giờ, chỉ nghe rằng khi những lưu dân đầu tiên đến định cư trên đã thấy có rừng nguyên sinh này. Nhìn từ trên cao, khu rừng Miếu Cấm có vị trí khá độc đáo khi nằm giữa bốn bề những đồi keo, ruộng lúa và nhà dân. Càng vào sâu trong rừng lối đi càng khó khăn bởi những bụi cây gai và dây leo chằng chịt như giăng lưới qua những thân cây lim, mít nài, sơn, huỷnh, chò… cao sừng sững. Không chỉ vậy, rừng còn là nơi sinh sống của nhiều loài thú như heo rừng, mang, nhím, chồn, trăn… Một khung cảnh hoang sơ đến kỳ lạ như đang đứng giữa đại ngàn Trường Sơn chứ không phải chỉ cách đường làng vài bước chân. “Từ xưa đến nay không ai dám vô rừng chặt cây” - Trưởng thôn Hoàng thầm thì khi đứng giữa rừng. Đã có nhiều giai thoại huyền bí liên quan đến rừng Miếu Cấm về sự trừng phạt khốc liệt của thần rừng đối với những ai dám vào rừng săn thú, đốn cây. Thực hư ra sao chưa rõ nhưng chuyện làng ra hương ước quy định giữ rừng là có thật. “Hương ước ghi rằng, tất cả cư dân trong làng Nghi Sơn từ già đến trẻ phải bảo vệ rừng, nhất là các hệ tôn phái, bậc làm ông làm cha phải dạy dỗ cháu con bảo vệ rừng. Ai vào đốt than đốn củi thì bị phạt tiền, lúa gạo” - ông Hoàng trích dẫn nội dung hương ước của làng. Nhờ đó, ý thức gìn giữ rừng luôn được dân làng xem như trách nhiệm của mình. “Ở đây ai cũng nghĩ rằng con cháu trong làng làm ăn được là do thần rừng phù hộ nên không bao giờ nghĩ đến chuyện vào rừng chặt phá” - ông Hoàng nói. Và chính điều này đã góp phần bảo vệ gìn giữ khu rừng qua hàng trăm năm vẫn còn nguyên vẹn đến hôm nay.

Do cách trở đường sá nên 100% hộ dân nơi đây đều sử dụng nước giếng, dù làng nằm trên địa thế cao 150m so với mực nước biển nhưng giếng nhà nào cũng có mạch nước ngọt chứ không nhiễm phèn như các giếng làng Nghi Trung bên dưới. Con em nơi đây tuy rời làng xuống xã học, giao lưu tiếp xúc với bên ngoài nhưng khi lớn lên vẫn không mất giọng đặc trưng của làng. Nhắc đến chuyện học hành của con em trong thôn, ông Hoàng lại ngậm ngùi vì học sinh đi học vất vả quá. Trước đây trong làng cũng có một trường mẫu giáo và ngôi trường tiểu học 3 phòng nhưng do không đủ số lượng học sinh nên phải đóng cửa, trẻ em trong làng phải xuống xã học, mỗi chiều bố mẹ lại thay phiên nhau xuống đón về, còn học sinh cấp ba phải ra trường huyện. “Khó và khổ vậy mà kỳ thi đại học vừa rồi cả làng có đến 13 cháu đậu đại học, cao đẳng đó” - ông Hoàng tự hào nói.

Hầu hết người dân thôn Nghi Sơn chủ yếu làm nông nghiệp và trồng rừng. Toàn thôn có 917ha đất tự nhiên, ngoài rừng phòng hộ và đầu nguồn chiếm hơn 70ha, còn lại chủ yếu là đất lâm nghiệp và đất ruộng. Tuy nhiên, trong số 37ha đất ruộng, chỉ có 17ha chủ động được nguồn nước, số khác phụ thuộc nước trời nên năng suất thấp, bình quân 40 tạ/ha. “Tuy khó khăn nhưng nhân dân làng Nghi Sơn luôn chăm lo chu đáo những lễ hội dân gian truyền thống cha ông để lại” - ông Hoàng nói. Về Nghi Sơn trong những ngày này, bắt gặp một không khí tất bật chuẩn bị cho lễ khai sơn sẽ diễn ra tại khu rừng Miếu Cấm, nơi có tấm bình phong đang được gấp rút hoàn thành với nguồn kinh phí từ sự đóng góp của các gia đình trong làng.

Dù một số điều “lạ” có thể chưa được giải thích đầy đủ nhưng không thể phủ nhận niềm tin tâm linh, sự ngưỡng vọng tiền nhân đã làm lên chỗ dựa tinh thần vững chắc cho dân làng Nghi Sơn. Để qua bao đời, họ vẫn gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa địa phương, hướng những thế hệ cháu con cùng nhớ về nguồn cội như một truyền thống quý báu của làng qua hơn 600 năm hình thành phát triển.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Rừng Nghi Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO