Chỉ lơi lỏng đôi chút trong quản lý bảo vệ là để xảy ra phá rừng. Như mới đây Quảng Nam có thêm tai tiếng vì vụ phá rừng phòng hộ Đông Giang, tại khu vực rừng thuộc khoảnh 5, tiểu khu 65 (thôn Ga Doong, xã Tư). Quy mô vụ việc không lớn lắm nhưng cũng đủ khiến nỗi suy tư về việc bảo vệ rừng thế nào cho hiệu quả lại dậy lên.
Từ Quảng Nam nhìn ra cả nước, thấy không thiếu lực lượng chức năng, như kiểm lâm, ban quản lý, tổ cộng đồng tuần tra… nhưng đây đó rừng vẫn dễ bị xâm hại.
Không thiếu chế tài luật pháp, và đã có nhiều vụ án xử tội phá rừng rất nặng, nhưng lâm tặc vẫn hoành hành khi khoảng hở quản lý bảo vệ xuất hiện.
Không thiếu quy hoạch, khoanh vùng cấm phá rừng, nhưng có dự án “núp lùm” dưới cái mác du lịch sinh thái nghỉ dưỡng mà can thiệp thô bạo vào cảnh quan thiên nhiên.
Những vụ việc thực tế đó cho thấy một nghịch lý tồn tại trong việc ứng xử với rừng ở xứ ta là “kẻ trồng người phá”. Vậy phải làm sao? Dĩ nhiên một mặt phải bịt kín những kẽ hở trong quản lý bảo vệ rừng bằng lực lượng và chế tài luật pháp đủ mạnh, đủ răn đe; mặt khác cần nghĩ đến những mô hình giữ rừng bền vững bằng… văn hóa.
Văn hóa không có tính áp đặt cưỡng chế như luật pháp nhưng lại tạo nên những bờ rào giữ rừng bền vững hơn nhiều, như các mô hình bảo vệ rừng bằng niềm tin tâm linh và lòng nhân ái với thiên nhiên.
Chúng ta có thể tìm thấy trong đó những “lời thề” bảo vệ rừng như dao bằm xuống đất, và không thiếu những câu chuyện sinh động về các cộng đồng người dân tộc thiểu số miền núi ứng xử đầy minh triết với mẹ rừng. Thử nghe lời bái vọng trong lễ cúng thần rừng của người Pu Péo ở Hà Giang để cảm nhận dân tộc này quý rừng và mong rừng che chở biết bao:
Ơ các thần thánh tổ tiên (…)
Thần rừng Bium, rừng Hiêng
Thần rừng Kiên, rừng Kiện
Thần rừng Ruông, rừng Níe
Thần rừng Xạn, rừng Sản
Thần rừng Xân, rừng Xề
Thần núi đá trập trùng…”
(…)
“Đừng cho sét đánh xuống ruộng
Gió, đừng cho nó to
Bão, đừng cho nó lớn.
Mưa, đừng cho nó nhiều.
Nước vào ruộng, nước đủ cho lúa uống
Nắng, đừng cho hạn hán.
Thấy gió về, đẩy gió lên núi.
Thấy mưa nhiều, đuổi nước xuống khe
Thấy bão về thì quạt bão đi”.
(…)
Chính ý thức rất rõ rừng là mẹ, là nguồn nước, là văn hóa nên người Pu Péo thề không xâm hại “rừng thiêng”, họ thành kính cúng thần rừng và nhân đó truyền đời cho con cháu bảo vệ rừng như chính mạng sống của mình.
Không riêng người Pu Péo, người Jarai ở Gia Lai cũng có lễ cúng rừng, người Hà Nhì ở Lai Châu có lễ Gạ Ma Thú để cầu thần rừng chở che, cho nguồn nước và sinh kế… Hay trở lại Quảng Nam cũng thấy nhiều dân tộc thiểu số miền núi giữ lễ cúng rừng như một sinh hoạt văn hóa, đậm màu sắc tín ngưỡng, tâm linh.
Như người Cơ Tu ở Tây Giang, mỗi năm tổ chức lễ tạ ơn rừng, tạ ơn núi, sông, suối, cây cối, hoa màu, tạ ơn thần linh, Giàng. Họ luôn giữ tâm niệm có rừng, có Giàng là có con người và muôn loài động thực vật sinh sống; vì vậy ai muốn lấy thứ gì từ rừng cũng phải xin đấng thần linh, phải họp bàn với dân làng và làm lễ cúng cẩn thận.
Thú vị nữa, người Xê Đăng ở vùng núi Ngọc Linh coi rừng như người mẹ giữ nguồn nước dưỡng nuôi muôn loài, thậm chí giữ rốn cho những đứa con (nên có cả cánh “rừng rốn” thiêng liêng của người làng TuTon được bảo vệ nghiêm ngặt).
Mấy năm nay, việc giữ rừng, trồng và bảo vệ rừng của người Xê Đăng ở Nam Trà My càng có thêm động lực vì rừng chở che cây sâm phát triển, đem lại nguồn lợi lớn cho cộng đồng.
Coi rừng là nguồn sống, là văn hóa, là tín ngưỡng thiêng liêng thì mới có thể giữ rừng, để từ đó “góp một cây là có rừng” để có “một đời người một rừng cây”, và nhiều đời hơn nữa.