(QNO) - Hàng nghìn đám cháy đang tàn phá rừng Amazon - “lá phổi xanh” của trái đất, khiến các bang ở miền Bắc Brazil bị ảnh hưởng nặng nề.
Rừng Amazon đang bốc cháy dữ dội nhất trong vòng hơn 10 năm qua tại Brazil. Tổng thống nước này Jair Bolsonaro thừa nhận chính phủ của ông không đủ khả năng để dập tắt các đám cháy khổng lồ như thế.
Rừng nhiệt đới hay rừng mưa Amazon bao bọc toàn bộ lưu vực con sông Amazon ở Nam Mỹ với diện tích khoảng 5,5 triệu kilomet vuông, tức chiếm một nửa diện tích rừng nhiệt đới trên toàn thế giới. Đây cũng là khu dự trữ sinh quyển với nhiều loài động vật quý hiếm và các loại tài nguyên, nhất là nguồn tài nguyên sinh vật.
Rừng Amazon nằm trên lãnh thổ của 9 quốc gia gồm Brazil, Bolivia (chiếm tới 60% diện tích rừng), Ecuador, Venezuela, Colombia, Surinam, Peru, Guyana và Guiana thuộc lãnh thổ Pháp.
Các nhà khoa học ước tính, mỗi năm rừng Amazon có khả năng hấp thụ khoảng 66 tỷ tấn khí CO2, tức là gấp 3 lần lượng phát thải của trái đất trong một năm. Vì vậy, rừng Amazon được ví như chiếc máy điều hòa khổng lồ của bầu khí hậu toàn trái đất hay nguồn cung cấp ô xy cho nhân loại.
Tuy nhiên, khả năng rừng nhiệt đới này hút khí thải các bon đang giảm dần do biến đổi khí hậu, nạn phá rừng, cháy rừng… Thậm chí, việc cháy rừng nghiêm trọng tại Amazon đang phát ra một lượng lớn khói và khói thải CO2 được lưu trữ trong một thời gian dài có thể thúc đẩy biến đổi khí hậu toàn cầu và gây ra tác hại vĩnh viễn cho hệ sinh thái, đa dạng sinh học của khu vực.
Quan sát vệ tinh của Viện Nghiên cứu không gian vũ trụ quốc gia Brazil (Inpe) cho thấy, từ đầu năm đến nay có tổng cộng 75.336 vụ cháy rừng Amazon đã được phát hiện, tăng 85% so với năm 2018, trong đó tăng thêm 6.852 vụ cháy được phát hiện so với mùa cháy rừng do hạn hán năm 2016.
Mùa khô thường được cho là nguyên nhân gây ra các vụ cháy rừng ở Amazon, nhưng điều đó không hoàn toàn chính xác. Hiện tại ở khu vực này không bị hạn hán nghiêm trọng để đổ lỗi gây ra các đám cháy đang diễn ra. Thay vào đó, con người được xem là thủ phạm, dù vô tình hay cố ý.
Đặc biệt, kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Jair Bolsonaro nhiều lần nói rằng Brazil nên mở cửa rừng Amazon vì các lợi ích kinh tế, cho phép các công ty khai thác khoáng sản, gỗ, phát triển nông nghiệp. Mới đây, Tổng thống Bolsonaro đổ lỗi đợt cháy rừng lần này là do các tổ chức phi chính phủ tại Brazil, nhưng ngay sau đó lại thừa nhận các hoạt động nông nghiệp bất hợp pháp có thể là nguyên nhân.