Như một phép màu, đồng bào dân tộc thiểu số Xê Đăng, Ca Dong giờ đây biết dựa vào rừng để thoát nghèo. Những góc tối của hủ tục tụt hậu chưa hẳn được đẩy lùi vĩnh viễn nhưng ánh sáng của đổi thay đã bắt đầu lan tỏa trên rẻo cao.
Giấc mơ đổi đời của đồng bào từ những vườn sâm giống như thế này. TRONG ẢNH: Vườn ươm sâm tại xã Trà Linh, Nam Trà My. Ảnh: T.Tân |
Nuôi giấc mơ đổi đời
Sau làn mưa xối xả, ngôi làng thôn 2, xã Trà Nam (Nam Trà My) uốn lượn theo con đường bê tông trở nên bừng sáng. Khác với mường tượng ban đầu về “con đường đau khổ”, từ Tắc Pỏ chạy thông lên tận các khu dân cư. Chủ tịch UBND xã Trà Nam Nguyễn Thành Phương cho hay, dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên đầu tư và đưa vào sử dụng đường bê tông thôn 2 - Trà Nam hơn một năm nay. Và cũng từ đây, 141 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số Xê Đăng có cơ hội mạnh dạn đầu tư tăng gia sản xuất, trồng cây bản địa. Vừa qua, 5 nhóm hộ (126 hộ đồng bào) đã đăng ký, đề nghị chính quyền cấp đất trồng sâm Ngọc Linh với diện tích hơn 44ha. “Chính quyền đang rà soát quỹ đất rừng để giao cho dân trồng sâm Ngọc Linh theo chủ trương của huyện. Trên thực tế, dưới tán rừng không ít bà con đã thoát nghèo nhờ trồng một số cây dược liệu, làm vườn ươm cây giống. Năm nay, riêng tại thôn 2 có 50 hộ thoát nghèo bền vững” - ông Phương nói.
Là một trong những huyện nghèo, Nam Trà My được đầu tư nhiều nguồn lực phát triển kinh tế từ các chương trình 135, 30a... Ngoài ra còn được hưởng một số chính sách như các tỉnh khu vực Tây Nguyên. Thời gian qua, chính quyền địa phương đã khai thác, sử dụng lợi thế tiềm năng đất đai, dịch vụ rừng để người dân làm chủ cuộc sống. Các chủ trương lấy rừng nuôi rừng, lấy rừng nuôi cái ăn cho đồng bào đã nhanh chóng đi vào thực tiễn. Bằng chứng là ở “vương quốc sâm” Trà Linh hôm nay, bà con đã có cuộc sống ấm no, đủ đầy nhờ biết trồng các loại cây thuốc quý dưới tán rừng tự nhiên. Mấy năm nay, ông Hồ Văn Du (đồng bào Xê Đăng sống ở xã Trà Linh) nổi tiếng nhờ kiếm tiền tỷ từ sâm. Vườn sâm trúc, sâm Ngọc Linh của ông Du trải rộng gần 10ha, ước tính giá trị cả chục tỷ đồng nếu thu hoạch nhưng ông vẫn muốn được Nhà nước giao thêm diện tích. “Không phải làm kinh tế 2 - 3 năm là đồng bào có thể thoát nghèo liền được đâu, như tôi đây phải trải qua quá trình gần 30 năm mới xây nhà, sắm sửa xe máy. Cây sâm đã làm cho người dân Trà Linh khá giả hơn các địa phương khác dù nơi đây về mặt địa lý xa xôi nhất huyện” - ông Du nói.
Hai năm (2015 - 2016), xã Trà Linh có ít nhất 50 hộ đồng bào được ngành nông nghiệp huyện Nam Trà My hỗ trợ giống cây dược liệu trồng với diện tích 6ha dưới tán rừng và hầu hết đều đăng ký thoát nghèo. Chính quyền xã Trà Linh cho biết, 5 năm qua, rừng tự nhiên có trồng sâm không bị phá. Người dân đã bảo vệ rừng nghiêm ngặt như cách để “tạ ơn” rừng. Theo báo cáo sơ lược của ngành nông nghiệp địa phương, có hàng trăm hộ đăng ký thoát nghèo được hỗ trợ cây giống dược liệu và phần lớn họ đã thoát nghèo trong những năm qua. Nam Trà My có 600 hộ trồng sâm. Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My nhẩm tính, 1 cây sâm giống mua tại chỗ giá khoảng 20 nghìn đồng, nếu trồng sau 5 năm là có thể thu về gần 1 triệu đồng. Cây sâm không sợ đầu ra vì rất được ưa chuộng trên thị trường. Từ sâm mà người Xê Đăng, Ca Dong luôn nuôi giấc mơ đổi đời…
Xem rừng như gia sản
Giấc mơ biến Nam Trà My trở thành “thủ phủ sâm” của Việt Nam bao giờ mới thành hiện thực? Ông Bửu tự tin cho rằng, có quá nhiều lợi thế cạnh tranh, cơ sở để chính quyền “đặt cược” phần thắng về cây sâm Ngọc Linh. Như năm nay Thủ tướng Chính phủ đồng ý phê duyệt mức đầu tư 9.000 tỷ đồng cho thương hiệu cây sâm ở “nóc nhà” Quảng Nam. Mấu chốt nằm ở chỗ phải biết cách huy động và sử dụng nguồn lực đầu tư. Trước mắt, huyện lấy ngắn nuôi dài bằng việc phát triển các loại dược liệu như đẳng sâm, giảo cổ lam, sâm nước. Đẩy nhanh tiến độ giao đất (thuê đất) cho người dân bản địa và cho doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân thuê dịch vụ rừng để trồng sâm.
Cán bộ nông nghiệp nghiên cứu một cây sâm Ngọc Linh tại rừng tự nhiên. Ảnh: T.Tân |
Đồng bào Xê Đăng, Ca Dong đâu chỉ biết dựa vào mỗi cây sâm Ngọc Linh. Những thứ dược liệu khác như sâm nam, sa nhân, sơn tra, đương quy, giảo cổ lam, đinh lăng đang được nhân rộng ở Trà Linh, Trà Cang, Trà Nam. Trồng mạnh nhất là cây sâm nam. Thời điểm này cây sâm nam đã “hái ra tiền”. Một sào thu hoạch 2 - 2,5 tạ sâm tươi/năm. Trên thị trường, bình quân 1kg sâm nam tươi có giá 120 nghìn đồng. Tương ứng 1 sào sâm thu về 24 triệu đồng. Theo ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, trước khi Nhà nước đầu tư, hỗ trợ cây giống, đồng bào đã trồng thành công. Điển hình một số mô hình trồng cây sâm nam có hiệu quả như ở làng TakPang (thôn 3, xã Trà Cang); mô hình làng TakPu (thôn 2, xã Trà Nam) và mô hình làng Mô Chai (thôn 1, xã Trà Linh).
Nhìn xa trông rộng, năm 2016, chính quyền huyện Nam Trà My tăng cường cán bộ về cơ sở đo đạc, phân lô cấp, hoặc cho người dân thuê môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh. Cách làm này sẽ giúp người dân làm chủ môi trường rừng, tránh tình trạng tranh chấp đất rừng về sau và giúp việc bảo vệ rừng tự nhiên có trách nhiệm hơn. Căn cứ vào nhu cầu đăng ký của nhóm hộ, cán bộ đến khảo sát, đo đạc và quyết định quy mô diện tích cấp, hoặc cho thuê. Tại thôn 4 (xã Trà Linh), chỉ có 2 nhóm hộ ở Măng Lang và Xa Rac (gồm 31 hộ dân) nhưng nhu cầu cần đất trồng sâm hơn 100ha. Ngược lại ở nhóm Tak Râng (thôn 4, xã Trà Linh) chỉ có 28 hộ có nhu cầu cấp hơn 24ha. Ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, đến nay tại 3 xã Trà Linh, Trà Nam và Trà Cang có 39 nhóm hộ (654 hộ) đăng ký, có nhu cầu cần hơn 1.133ha đất dưới tán rừng tự nhiên để trồng sâm Ngọc Linh. Trong đó, nhiều nhất xã Trà Linh với nhu cầu hơn 883ha. Tuy vậy, diện tích sẽ tăng lên rất nhiều do hiện nay nhiều hộ đang tiếp tục đăng ký thuê đất rừng mới.
Đồng bào vùng cao, nhất là ở “nóc nhà” Quảng Nam bây giờ không muốn ly hương bởi một điều đơn giản họ đang đeo đuổi giấc mơ thoát nghèo từ chính vườn sâm và các loại cây dược liệu bản địa. Có phải vì thế mà người Xê Đăng, Ca Dong quý rừng như ngôi nhà của chính mình?
Quy hoạch vùng sâm rộng hơn 15.000ha Năm 2015, Đề án Sâm Việt Nam được Chính phủ phê duyệt với tổng kinh phí thực hiện hơn 9.000 tỷ đồng, trong đó có hơn 5.000 tỷ đồng từ sự đầu tư của doanh nghiệp, triển khai trong giai đoạn 2016 - 2030. Đề án này hướng tới mục tiêu phát triển hàng trăm héc ta sâm giống, hàng chục nghìn héc ta trồng sâm dưới tán rừng tự nhiên và phát triển du lịch vùng sâm, xây dựng nhà máy chế biến sâm và cây dược liệu tại chỗ để nâng cao giá trị từ cây sâm… Để đầu tư cho 1ha sâm, chi phí được huyện Nam Trà My ước tính khoảng 3 tỷ đồng và sau 5 năm, mỗi héc ta sâm trưởng thành có thể cho giá trị khoảng 30 tỷ đồng. Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My chia sẻ, để thực hiện đề án, tỉnh đã có quy hoạch vùng sâm rộng hơn 15.000ha, thông qua Nghị quyết 114 chủ yếu hỗ trợ cung cấp giống cho người dân trồng; cho người dân và doanh nghiệp thuê dịch vụ môi trường rừng để trồng sâm. Tỉnh còn có 3 dự án mở đường lên vùng sâm. Lâu nay lên vùng sâm vô cùng gian nan, việc làm đường không chỉ kết nối với vùng sâm mà còn kết nối liên vùng, liên tỉnh. Được sự cho phép của tỉnh, huyện đã cấp dịch vụ môi trường rừng với 600ha rừng thuộc 3 xã Trà Linh, Trà Cang, Trà Nam cho người dân trồng và đã trồng được 250ha. (HOÀNG LIÊN) |
TRẦN HỮU