Những cánh rừng hướng đến mục tiêu phủ xanh vùng đất trống đồi trọc đang được chuẩn bị trồng rầm rộ ở vùng núi Quảng Nam, được xem là rừng-sinh-lợi. Nhưng cũng có những cánh rừng đã bị xâm hại hay đang bị đe dọa trong quá trình quy hoạch triển khai dự án thủy điện, trồng cao su… thu hút sự quan tâm lớn của các nhà hoạch định chính sách và cả người dân. Có thể hình dung việc phục hồi các mảng rừng này như một cách trả nợ thiên nhiên.
Câu chuyện về xâm hại rừng vừa nóng lên cùng với hội thảo chuyên đề về “Lưu vực sông Đồng Nai - Tác động của dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A”. Hồi giữa đầu tháng 5.2012, tổ chức Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) cũng mở một hội thảo chủ đề “Phát triển thủy điện bền vững: Các bài học và khuyến nghị” có sự phối hợp của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, mà tâm điểm lúc đó là thủy điện Sông Tranh 2. Lần này, với 2 dự án thủy điện đang thu hút sự quan tâm đặc biệt ở Đồng Nai, nhóm chuyên gia VRN cũng chỉ ra rất nhiều lỗ hổng trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của chủ đầu tư. Ở đây chỉ dẫn ra đây thông tin liên quan đến tác hại của dự án đối với rừng. Khi phản biện về “sinh mệnh” của những cánh rừng khi tích nước, chuyên gia VRN viện dẫn bài học thủy điện Nam Ngum (Lào) khi diện tích rừng xung quanh hồ bị mất cao hơn 20 - 30% so với phần diện tích rừng bị ngập trực tiếp, do cây chết vì rễ bị ngộp nước, thiếu thoáng khí. Còn ở thủy điện Kulakhani (Nepal), có đến 60 - 70% diện tích rừng quanh hồ chết vì lý do này.
70% ở Kulakhani, trong khi với Đồng Nai 6 và 6A thì chủ đầu tư lại khẳng định là không ảnh hưởng. Một sự “lệch pha” về quan điểm, từ đó có thể dẫn đến những bước đi tiếp theo khi triển khai dự án trên thực tế, và đương nhiên rất dễ rơi vào tình huống “sự đã rồi”.
Nhưng đó mới là sự tác động do ngập nước. Còn sự xâm hại trực tiếp bởi bàn tay con người, bởi chất lượng thẩm định quy hoạch yếu kém không lường hết các tác hại… thì còn nguy hiểm hơn. Nhắc lại hội thảo mà VRN mở tại Quảng Nam. Trong số các khuyến nghị đưa ra, VRN liệt kê nhiều yếu tố cần quan tâm như biến đổi khí hậu, kỹ thuật công trình, duy trì và phục hồi rừng đầu nguồn… khi thiết kế, thi công công trình thủy điện. Giờ đây, mục tiêu phục hồi rừng không phải dễ dàng đạt được. Bởi theo các chuyên gia, chưa có dự án thủy điện nào thực hiện đúng cam kết trồng lại rừng với lý do… không có đất. Chính vì thế, đề tài về quy hoạch, điều chỉnh 3 loại rừng cũng được hỏi – đáp khá căng tại Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh tuần trước, với đòi hỏi phải công khai vị trí rừng giàu, rừng nghèo, về trữ lượng thực tế… sao cho rừng đảm bảo không bị lợi dụng.
Diễn biến thời tiết bất thường những tháng cuối năm với mưa ít, hồ chứa cạn kiệt… đã “phụ họa” vào bức tranh chung về môi trường, trong đó có sự biến đổi của tiểu khí hậu vùng do rừng bị xâm hại. Việt Nam đã từng bị xếp vào diện là nước có tỷ lệ phá rừng nguyên sinh đứng thứ hai trên thế giới chỉ sau Nigeria, theo báo cáo của Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (FAO) năm 2005. Vậy nên, không chỉ trân trọng nỗ lực trồng rừng-sinh-lợi của đồng bào miền núi, mà Quảng Nam càng phải đặt mục tiêu tái tạo rừng, chặn đứng nguy cơ lợi dụng xâm hại rừng một cách quyết liệt. Bởi nếu không kịp phục hồi những cánh rừng-trả-nợ, thì “món nợ” biến đổi khí hậu sẽ lớn và khốc liệt gấp nhiều lần trong tương lai gần.
HỒ VI LAO