Rừng Trường Sơn còn cá thể mang lớn

TRẦN HỮU 24/05/2018 13:44

Các chuyên gia bảo tồn động vật hoang dã quốc tế lại tiếp tục ghi nhận sự tồn lại của loài mang lớn - một cá thể cực kỳ quý hiếm gần bằng như động vật sao la.

Một con mang lớn được bẫy ảnh chụp lại. Ảnh: Tư liệu
Một con mang lớn được bẫy ảnh chụp lại. Ảnh: Tư liệu

Bẫy ảnh đã sao chụp lại sự hiện diện của loài mang lớn tại rừng Trường Sơn mới đây đã mở ra một viễn cảnh tươi sáng về sự hội tụ của các loài đặc hữu cực kỳ quý hiếm ở núi rừng Quảng Nam. Ông Phan Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm tỉnh chia sẻ: “Đó là một tin tuyệt vời. Hình ảnh cho thấy hai cá thể mang lớn đều đang trong độ tuổi trưởng thành và sinh sản. Những hình ảnh chụp được là minh chứng cho sự tồn tại của mang lớn, đồng thời cho chúng ta hy vọng về một quần thể có khả năng sinh sản của loài thú quý hiếm này”.

Còn nhớ, vào tháng 11.2017, lần đầu tiên hai cá thể mang lớn đã được máy bẫy ảnh ghi nhận tại rừng Trường Sơn trong một hoạt động điều tra và đánh giá đa dạng sinh học khu vực do Quỹ Bảo tồn thiên nhiên quốc tế WWF - Việt Nam, Viện Nghiên cứu vườn thú và động vật hoang dã Leibniz (IZW) phối hợp cùng cơ quan chức năng của tỉnh thực hiện. Đây là hoạt động nằm trong dự án Giám sát đa dạng sinh học do Cơ quan Phát triển hợp tác Hoa Kỳ (USAID) hỗ trợ. Theo WWF - Việt Nam, mang lớn là một trong những loài thú quý hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng xếp hạng cao nhất tại khu vực Đông Nam Á. Kể từ năm 2000 đến nay, loài này mới chỉ được ghi nhận thông qua máy bẫy ảnh tại ba khu rừng của Việt Nam. Lần ghi nhận này tại Quảng Nam - bao gồm một cá thể đực và một cá thể cái - đã mang lại một niềm hy vọng lớn cho sự tồn tại của loài mang lớn đang ở bên bờ tuyệt chủng.

Mang lớn được các nhà khoa học biết đến từ năm 1994 và chỉ được tìm thấy trong dãy núi Trường Sơn, nơi giáp ranh giữa Lào và Việt Nam. Tình trạng săn bắt trái phép đã khiến cho quần thể của loài này bị suy giảm nghiêm trọng. Năm 2016, do số lượng quần thể bị suy giảm quá mức, chủ yếu do đặt bẫy, trạng trái của loài mang lớn đã được chuyển từ bị đe dọa thành bị đe dọa nghiêm trọng trong Sách đỏ của IUCN về các loài bị đe dọa. Các khu rừng của miền Trung Việt Nam đang phải đối mặt với nạn đặt bẫy phổ biến và tinh vi. Với những nỗ lực tuần tra rừng, từ năm 2011 - 2017, các cán bộ kiểm lâm và các Đội tuần tra rừng của WWF - Việt Nam đã tháo dỡ được hơn 100.000 bẫy thú đặt trong hai Khu bảo tồn Sao la tại Thừa Thiên Huế và Quảng Nam.

Hiện nay, Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, lẫn Khu bảo tồn Sao la đang cụ thể hóa các kế hoạch bảo vệ cả vùng đệm lẫn vùng lõi, đặc biệt chú trọng quan sát, theo dõi loài mang lớn, sao la, các động vật hoang dã khác trong tự nhiên. Trong khi đó, nhận thấy loài này đang phải đối mặt với rất nhiều mối nguy, chính phủ và các tổ chức quốc tế đặt ra kế hoạch nhân giống loài này cũng như loài sao la trong điều kiện nuôi nhốt bán hoang dã. Sao la, một loài thú móng guốc đặc hữu, cũng mới chỉ được phát hiện từ thế kỷ trước, thậm chí còn hiếm hơn mang lớn và có thể đang tiến dần tới sự tuyệt chủng. Các đội nghiên cứu của WWF - Việt Nam và IZW đang mở rộng khu vực khảo sát đa dạng sinh học bằng máy bẫy ảnh, trong đó bao gồm những nơi có tiềm năng đa dạng sinh học tại tỉnh Thừa Thiên Huế và phía bắc của Quảng Nam. Các nhóm hy vọng sẽ thu được nhiều kết quả khả quan hơn nữa.

Theo ông Từ Văn Khánh - Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cùng với mang lớn, qua các đợt giám sát đa dạng sinh học do tổ chức USAID tài trợ, máy bẫy ảnh cũng ghi nhận 64 loài động vật khác, trong đó có nhiều loài ưu tiên bảo tồn như cầy vằn, gấu ngựa, thỏ vằn và tê tê… Ông Nguyễn Văn Thành - trưởng nhóm hiện trường điều tra đa dạng sinh học thuộc WWF - Việt Nam nói: “Việc tìm thấy các loài đẹp và quý hiếm này cho chúng ta hy vọng lớn hơn về đa dạng sinh học của Việt Nam.

Mặc dù quần thể các loài thú và chim sống trên mặt đất đang bị suy giảm do nạn đặt bẫy, nhưng kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy Quảng Nam vẫn là một nơi có tầm quan trọng toàn cầu về đa dạng sinh học.”  Còn ông Benjamin Rawson - Giám đốc Bảo tồn và phát triển chương trình của WWF - Việt Nam khẳng định, Việt Nam không có loài mang lớn trong môi trường nuôi nhốt. Vì thế nếu loài này mất đi trong tự nhiên sẽ biến mất vĩnh viễn. Ông Từ Văn Khánh thông tin thêm, các chuyên gia bảo tồn, nhà khoa học đang cố gắng bằng mọi cách để bảo vệ nghiêm ngặt loài thú này. Để làm được điều đó, phải nâng cao nhận thức cho cộng đồng, giới thợ săn là cấm bẫy loài thú này, cùng lúc thiết lập được các quần thể trong nuôi nhốt.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Rừng Trường Sơn còn cá thể mang lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO