Nhiều cánh rừng tự nhiên ở huyện Bắc Trà My tiếp tục bị khai thác trái phép; trong khi đó, vụ cháy rừng xảy ra ở xã Mà Cooih (Đông Giang) vừa qua gây thiệt hại lớn, cho thấy tình trạng rừng tự nhiên bị xâm hại vẫn còn dai dẳng, cần siết chặt quản lý bằng những biện pháp hiệu quả hơn.
“Điểm nóng” Bắc Trà My
Lợi dụng các cơ quan chức năng tập trung chống dịch Covid-19, lâm tặc lén lút khai thác gỗ trái phép. Điển hình là vụ phá rừng ở khu vực đầu nguồn sông Nước Oa thuộc hai xã Trà Tân và Trà Giác (Bắc Trà My) bị phát hiện cuối tháng 3.2020. Kiểm tra cho thấy, có hàng chục cây gỗ các loại từ nhóm 2A đến nhóm VI như gõ, chuồn, chò, xoan đào với khối lượng hơn 41m3 bị chặt hạ.
Khởi tố 13 vụ án hình sự liên quan đến phá rừng
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, 6 tháng đầu năm, cơ quan chức năng đã khởi tố 13 vụ án hình sự liên quan đến phá rừng (Phước Sơn 2 vụ, Bắc Trà My 4 vụ, Nam Trà My 1 vụ, Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam 1 vụ, Tiên Phước 3 vụ và Hiệp Đức 2 vụ). Lực lượng kiểm lâm và các cơ quan chức năng khác đã phát hiện, lập biên bản 248 vụ vi phạm liên quan đến quy định quản lý, bảo vệ rừng (tăng 23 vụ so với cùng kỳ năm 2019); tịch thu hơn 200m3 gỗ các loại; diện tích rừng bị thiệt hại 12,7ha. Đáng chú ý, các huyện Bắc Trà My, Hiệp Đức, Nông Sơn nổi cộm về tình trạng khai thác rừng tự nhiên trái phép.
Gần đây nhất là ngày 18.6, Hạt Kiểm lâm Bắc Trà My phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện, Viện Kiểm sát nhân nhân huyện, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện và UBND xã Trà Giác đã phát hiện, kiểm tra hiện trường vụ phá rừng tự nhiên trái phép với diện tích bị xâm hại hơn 5ha xảy ra tại khoảnh 1, tiểu khu 813 thuộc thôn 3 (xã Trà Giác).
Kết quả kiểm tra của ngành chức năng cho thấy, có 2 khu vực rừng tự nhiên ở Trà Giác bị tàn phá. Cụ thể, khu vực 1 diện tích rừng thiệt hại ban đầu xác định là hơn 3,7ha; trong đó rừng tự nhiên có trồng xen cây keo hơn 2,1ha, rừng tự nhiên bị phát mới hơn 1,6ha. Khu vực này thuộc kiểu trạng thái rừng nghèo kiệt và rừng nghèo, được quy hoạch chức năng rừng sản xuất. Khu vực 2 là rừng tự nhiên bị thiệt hại hơn 1,4ha, thuộc kiểu trạng thái rừng nghèo kiệt và rừng nghèo, được quy hoạch chức năng rừng sản xuất. Ngoài ra, trong khu vực này có 0,3ha được xác định là cây keo đã khai thác từ lâu, dưới mặt đất còn sót lại gốc cây rừng tự nhiên.
Về xử lý vụ phá rừng Trà Giác, trước mắt Chi cục Kiểm lâm yêu cầu Hạt Kiểm lâm Bắc Trà My phối hợp với chủ rừng tăng cường kiểm tra, chốt chặn các tuyến đường mòn vào rừng và phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn huyện tổ chức điều tra, xác minh để sớm khởi tố vụ án theo quy định pháp luật.
Cấp bách phòng cháy rừng
Vụ cháy rừng phòng hộ với diện tích hơn 30ha ở xã Mà Cooih (Đông Giang) vừa qua, các cơ quan chữa cháy (trong đó có lực lượng kiểm lâm) bắt buộc phải thay đổi cách thức chống “giặc lửa” bởi lâu nay công tác này triển khai ở một số nơi chưa thực sự hiệu quả.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho rằng, thời gian đến, dự báo tình hình nắng nóng diễn biến rất khó lường nên cần chỉ đạo quyết liệt công tác phòng cháy chữa cháy rừng theo đúng tinh thần Công điện số 02 ngày 11.5.2020 của UBND tỉnh. Theo đó, thực hiện nghiêm lịch trực phòng, cảnh báo cháy rừng, giám sát lửa rừng; lưu ý khi có cháy rừng xảy ra, cần huy động lực lượng ở đâu để kịp thời chữa cháy rừng? Thêm vào đó, tổ chức tuyên truyền lưu động hoặc qua các phương tiện thông tin đại chúng, môi trường công nghệ thông tin về phòng cháy chữa cháy rừng.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh - ông Trần Văn Thu cho rằng, tình trạng quản lý lâm sản sau xử lý tịch thu và quản lý nguồn gốc lâm sản tại các cơ sở chế biến còn lỏng lẻo như tại huyện Nam Trà My, Nam Giang; công tác phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm với chủ rừng và chính quyền địa phương thiếu chặt chẽ. Một số chủ rừng thiếu kiểm tra, giám sát, chậm phát hiện, báo cáo các hành vi xâm hại rừng.
Về nhiệm vụ thời gian đến, theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, sẽ tăng cường phối hợp giữa hạt kiểm lâm, các ban quản lý rừng với các địa phương triển khai Chỉ thị số 17 ngày 18.8.2015 của UBND tỉnh về tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép. Đẩy nhanh việc hoàn thiện hồ sơ các vụ việc tồn đọng, nhất là các vụ việc khởi tố, chuyển cơ quan điều tra. Rà soát diện tích rừng tự nhiên hiện có ngoài quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh để đưa vào quy hoạch lâm nghiệp; rà soát, thiết lập các đai rừng phòng hộ ven biển đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030; kế hoạch hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn theo Quyết định số 38 ngày 14.9.2016 của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2019 - 2020; hỗ trợ trồng cây phân tán lấy gỗ làm nhà; triển khai dự án hiện đại hóa, giám sát tài nguyên rừng.