Từ ngày 14-16.5, tại thành phố Rome của Italia, Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (FAO) lần đầu tiên đăng cai Hội nghị quốc tế về rừng đối với an ninh lương thực và dinh dưỡng, nhằm kêu gọi thế giới chung tay hành động bảo vệ rừng.
Theo ước tính của Fao, thế giới hiện có khoảng từ 80 nghìn đến 100 nghìn loài thực vật giữ vai trò quan trọng trong việc duy trì an ninh lương thực và đóng góp hiệu quả cho công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững. Tuy nhiên gần đây, nguồn gen cây rừng bị suy giảm đáng kể do tác động của con người và biến đổi khí hậu. Do đó, vào tháng 4 vừa qua, FAO đã lập Kế hoạch hành động toàn cầu nhằm bảo tồn, sử dụng và phát triển bền vững nguồn gen cây rừng. Trong đó, ưu tiên cải thiện công tác thu thập và tiếp cận thông tin về nguồn gen cây rừng; phát triển chiến lược bảo tồn toàn cầu; sử dụng, phát triển và quản lý bền vững nguồn gen cây rừng; thiết lập, đánh giá các chính sách và khung pháp lý phù hợp để thống nhất các vấn đề chính liên quan tới quản lý bền vững nguồn gen cây rừng; đồng thời không ngừng nâng cao năng lực thể chế và nguồn nhân lực cho công tác bảo tồn. Dự kiến kế hoạch hành động này sẽ thông qua tại hội nghị lần này.
Người dân mưu sinh ở rừng. (Ảnh: FAO) |
Ông Peter Holmgren, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lâm nghiệp quốc tế cho biết, rừng cũng chiếm 1/3 nguồn lợi về mặt kinh tế, môi trường và xã hội. Hiện nay, cuộc sống của khoảng 1,6 tỷ người trên thế giới phụ thuộc hoàn toàn vào rừng. Thế nhưng, ông nói: “Chấm dứt nạn phá rừng là một mục tiêu chính trị trong hàng thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ qua. Song, cũng như mơ ước về hòa bình và xóa đói nghèo trên toàn cầu, đây vẫn là một tham vọng chưa được thỏa nguyện”. Từ nhiều năm qua, FAO đã hợp tác với nhiều nước, đặc biệt là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam để vừa khai thác tiềm năng một cách hợp lý cũng như thực hiện công tác bảo vệ rừng một cách hiệu quả. Qua đó nhằm làm giảm và tiến tới chấm dứt nạn phá rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ rừng đầu nguồn cũng như cải thiện sinh kế cho người dân sống gần rừng.
Hội nghị lần này thu hút sự tham gia của khoảng 400 đại biểu đến từ hơn 100 nước trên thế giới, gồm các nhà hoạch định chính sách, quan chức chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, các nhà khoa học, tổ chức tư nhân cũng như đại diện cho người dân các khu vực sống phụ thuộc vào rừng… Hội nghị nhằm nâng cao hiểu biết về vai trò quan trọng của rừng, cây trồng ở các trang trại và các hệ thống nông lâm kết hợp trong việc cải thiện an ninh lương thực và dinh dưỡng của người dân nông thôn, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Toàn bộ nội dung của hội nghị sẽ được truyền trực tiếp qua mạng internet bằng tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha để phổ biến rộng rãi đến toàn thế giới.
QUỐC HƯNG (tổng hợp)