Nắng nóng gay gắt, nhiều cánh đồng của phường Hòa Hương (TP.Tam Kỳ) khô khốc, nứt nẻ. Nếu tình trạng này kéo dài, nhiều chân ruộng của vụ hè thu năm nay ở địa phương có nguy cơ mất trắng.
Vụ hè thu năm nay phường Hòa Hương đưa vào sản xuất hơn 55ha lúa trên những cánh đồng thuộc các khối phố Hương Sơn, Hương Trà Tây và Hương Trà Đông. Là địa phương nằm ở cuối kênh N24 nên nước về rất chậm và ít, không đủ để điều tiết cho những cánh đồng. Từ khi gieo sạ đến nay nhiều diện tích lúa trên địa bàn phường bị thiếu nước trầm trọng. Gần 1 tháng qua, hơn 10ha lúa thuộc những chân ruộng ở các cánh đồng Gò Lát, Đồng Biền, Đồng Canh trong và Đồng Canh ngoài thuộc khối phố Hương Trà Đông chỉ được một lần tưới châm diệt mầm, ruộng khô khốc, đất nứt nẻ, lúa bắt đầu cháy sém. Trước tình hình đó, một số hộ đã đầu tư kinh phí để đóng giếng bơm lấy nước tưới cứu lúa, tuy nhiên không phải hộ nào cũng làm được.
Ông Nguyễn Minh Hoàng (tổ 3, khối phố Hương Trà Đông) cho biết, gia đình ông có 2 sào lúa, trong đó có 1 sào ở khu vực Vườn Miếu và 1 sào ở Đồng Biền. Gần 1 tháng qua, kể từ khi sạ đến nay chỉ một lần có được nước tưới. “Là những chân ruộng chủ động nước nay biến thành ruộng nước trời nhưng thời tiết này thì biết đến bao giờ trời mới mưa? Định vay mượn tiền để đầu tư đóng giếng lấy nước tưới nhưng không biết vay mượn ở đâu, đành đứng nhìn lúa úa vàng từng ngày. Ông bà thường nói “của một đồng, công một lượng” nhưng trước tình hình này chắc công sức đã đầu tư sẽ trở thành công cốc” - ông Hoàng nói.
Trong 3 khối phố thì Hương Trà Đông là địa phương nằm ở cuối kênh, nước tưới không về đến được, nếu có cũng cầm chừng không thấm tháp vào đâu khiến nhiều ruộng lúa cháy khô. Vẫn biết là tốn kém nhưng “của đau, con xót” nên bà con nông dân phải đầu tư kinh phí để đóng giếng bơm lấy nước tưới cứu lúa.
Theo thống kê chưa đầy đủ, đến thời điểm này trên địa bàn khối phố Hương Trà Đông đã có hơn 100 cái giếng bơm được bà con nông dân đóng nằm rải rác trên những cánh đồng. Chi phí cho mỗi giếng không dưới 1 triệu đồng và do nguồn điện thắp sáng ở xa nên một số hộ còn phải đầu tư mua máy nổ với giá 3 triệu đồng/chiếc. Kinh phí đầu tư lớn, hiệu quả còn đang ở phía trước nhưng hệ lụy thì thấy rõ. Mạch nước ngầm ở đây hầu hết bị nhiễm phèn, nước bơm lên đưa trực tiếp vào tưới cho những chân ruộng. Phèn bám vào chân lúa làm cho cây lúa đỏ quạch, có khả năng kém phát triển và ảnh hưởng đến các vụ mùa tiếp theo.
Ông Nguyễn Hữu Phú - Phó ban điều hành tổ dịch vụ thủy lợi phường Hòa Hương cho biết, trong vụ hè thu những năm trước, tuy có thiếu nước tưới nhưng không thiếu trầm trọng như năm nay. Nguyên nhân là Chi nhánh khai thác thủy lợi Phú Ninh tháo nước theo kỳ không kịp thời và hạn chế lưu lượng dẫn đến mực nước trên kênh quá thấp. Theo đó, 1 tuần luân phiên cắt nước 3 ngày, khi mở lại lưu lượng nước không đủ để cung cấp cho các chân ruộng, nhất là các chân ruộng ở cuối kênh.
Vụ đông xuân vừa qua ruộng đồng ở phường Hòa Hương cũng thiếu nước tưới dẫn đến năng suất không cao, sản lượng thấp; vụ hè thu này tiếp tục thiếu nước tưới trầm trọng, không chỉ năng suất thấp mà một số chân ruộng có nguy cơ bị mất trắng. Theo người dân địa phương, trước tình hình thời tiết cực đoan, khí hậu diễn biến khó lường, các ngành chức năng cần nghiên cứu hỗ trợ giúp nông dân chuyển đổi cây trồng trên những ruộng lúa thường xuyên khô hạn.