Ruộng nhiễm mặn, lúa non chết hàng loạt

QUỐC HẢI 30/01/2015 08:41

Nhiều diện tích lúa đông xuân ở xã Cẩm Kim (TP.Hội An) chết héo vì nhiễm mặn khiến bà con nông dân gặp khó khăn.

Những ngày này, hầu hết nông dân Cẩm Kim đều tranh thủ bám đồng. Mới nhìn tưởng như ngày mùa vì ruộng nào cũng có người chăm bón từ sáng tới tối. Thế nhưng, trên cánh đồng lô 19 (thuộc thôn Trung Hà, Cẩm Kim) bà Nguyễn Thị Hoa lại khóc thầm vì 2 sào lúa trà 2 giống RVT của bà đã chết gần một nửa. “Ngày ni lúa rất là xanh nhưng đến sáng mai cũng giờ chừ ra là khô, khô toàn bộ hết trơn cả cánh đồng. Không biết bệnh chi nữa” - bà Hoa nói. Cạnh bên ruộng bà Hoa, hơn 1 sào lúa của bà Trần Thị Ân mới đó mà đã héo lá, gốc đen không còn một cọng rễ sống. Bà Ân cho biết: “Cũng chưa dặm được vì lúa còn bé, chết hết trơn chưa dặm được. Thuê một ngày công hơn 100 nghìn đồng, mà không biết có thuê được không”.

Lúa tàn lụi, gốc đen xảy ra ở nhiều đồng ruộng xã Cẩm Kim. Ảnh: Q.H
Lúa tàn lụi, gốc đen xảy ra ở nhiều đồng ruộng xã Cẩm Kim. Ảnh: Q.H

Không chỉ lô 19, tại các cánh đồng Trường Học, đồng Thạch, đồng Ông Lưỡng, đồng Quốc, đồng Sửu, đồng Chùa, Bãi Thị, đồng Năm Lang, đồng Ông Đảng, đồng Ông Hiền, đồng Chùa Đội 2, đồng Tú... lúa đều chết từng cụm, thậm chí có ruộng chết gần 50%. Cẩm Kim là xã nông nghiệp với diện tích tự nhiên hơn 420ha, đất sản xuất phục vụ lâm - nông - ngư gần 363ha, trong đó đất lúa vụ đông xuân này là 50ha nhưng hầu hết đều ở trong tình trạng chết héo với diện tích lớn, cả lúa trà 1 và trà 2. Hiện có khoảng 269 hộ sản xuất lúa đông xuân ở Cẩm Kim gặp khó khăn do lúa chết héo. Nhiều người đi khắp xã tìm lúa mạ để dặm, người thì chọn chân ruộng tốt nhổ bớt, người qua tận Duy Vinh (Duy Xuyên) xin lúa trà 1. “Được chừng mô hay chừng nấy nhưng đang trong thời điểm cận tết, nhân công lại không có. Gần nửa tháng qua, ở nhiều đồng ruộng lúa vẫn lởm chởm do không có lúa dặm lẫn người làm” - bà Ân nói.

Ông Trần Ngọc Sơn - Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Cẩm Kim cho biết, lúa bắt đầu bùng phát bệnh trong 3 ngày, kể từ giữa tháng 1.2015. Lúa suy giảm, có triệu chứng vàng lá, đến ngày thứ tư bùng phát tiếp, tất cả đều bị bệnh. Nhận định ban đầu của hợp tác xã, lúa chết là do thời tiết khá lạnh, thứ hai là bà con bón vật tư chưa đầy đủ, riêng lúa chết trong ngày thứ tư thì có hiện tượng rầy nâu. Tuy nhiên, khi hợp tác xã vận động bà con cấy dặm, bón đủ nhưng tình trạng lúa chết vẫn tiếp tục diễn ra. Trước tình hình này, Trạm Bảo vệ thực vật TP.Hội An đã cử cán bộ chuyên môn sang kiểm tra đồng ruộng. Kết quả được ông Nguyễn Văn Bình (trưởng trạm) cho biết: “Nguyên nhân cơ bản vì đất của mình bị nhiễm mặn. Năm ngoái không có lụt nên mức độ rửa trôi phèn mặn không nhiều, dẫn đến cây lúa sau khi sạ 10 ngày trở đi thì bị ngộ độc rễ. Biện pháp cơ bản là phải rửa chua, thay mặn, bón lân, bón vôi, sau đó tăng cường phân bón, khử phèn bằng thuốc đặc hiệu DAB 2kg/sào”.

Trạm Bảo vệ thực vật Hội An cũng khuyến cáo bà con lấy lúa đã sạ ở một số chân ruộng có mật độ dày, điều phối từ cánh đồng này sang cánh đồng khác để dặm lại.

QUỐC HẢI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ruộng nhiễm mặn, lúa non chết hàng loạt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO