Gần tết rồi, nghe tin tức báo chí nói chuyện bắt bớ rượu lậu lại đâm ra nghĩ ngợi…chung quanh chén rượu.
Không biết chính xác từ khi nào con người tìm ra rượu, cái thứ men say làm cho bậc anh hùng cho đến thường dân đều nghiêng ngả, la đà. Có tài liệu cho biết 8 ngàn năm trước công nguyên, tức thời đại đồ đá, con người đã biết làm rượu. Vị thần rượu ở Hy Lạp gọi là Dionysos, ở La Mã gọi là Bacchus. Theo quan niệm Tây phương, Bacchus là thần của rượu, của sự say mê, của nghề trồng trọt, của sân khấu. Một số nước châu Âu có cánh đồng nho thì coi Bacchus là thần rượu của nước họ. Riêng ở Việt Nam, trong mấy mươi năm qua, cái anh Chí Phèo còn để giữa đời sống văn học một hình tượng say như điếu đổ.
Người ta dùng nhiều thứ để chế ra rượu. Nhưng rượu xưa có lẽ lành hơn với ngũ cốc lên men. Như ở Quảng, người Kinh dùng gạo, nếp, trái chuối hột; người Cơ Tu thì dùng nước cây đoác - cây tà vạt, để chế biến rượu. Anh Chí Phèo xưa chắc cũng chỉ được uống rượu gạo thôi. Còn bây giờ, có vô số loại rượu và cách chế biến, lại thêm rượu Tây, Tàu nhập xà ngầu hàng quán xứ Việt. Rượu ngoại đắt đỏ, thông thường như Chivas, X.O cũng vài ba triệu đồng một chai. Người ta nói không ngoa rằng có buổi tiệc uống hết… mấy con trâu, mấy tấn lúa là vì số tiền rượu quy ra. Trào lưu uống rượu ngoại có lúc làm rượu nội cũng hóng hớt cố làm sang, mới đặt tên cho có vẻ Tây như Men’s; tiếu lâm như dân nhậu gọi rugavina hay Chivas trắng để chỉ thứ rượu gạo Việt Nam.
Rượu nào bán chạy y như rằng sẽ có giả, giả cả ngoại lẫn nội. Nghe đồn có kẻ dùng kim tiêm gắn đầu kim cương hút rượu ngoại chính hãng rồi pha chế thêm ra, đóng chai mà bán. Rượu vodka của Việt Nam cũng bị giả, uống đau cả đầu. Các nhà quản lý thị trường giáp tết lại trở nên bận rộn với cuộc chiến chống nhập lậu và làm rượu giả.
Giả thì chưa chết liền nhưng “rượu độc” thì mới kinh khiếp! Ấy, là cách dùng thứ men gì mà chỉ ủ gạo sống có mươi lăm phút đã nhũn nhoẹt ra thành rượu. Có người còn dùng đầu tăm hương nhúng cồn 90o cho vào rượu để tăng độ.
Có thể cấm uống rượu trong trường hợp lái xe, hay công chức đang giờ làm việc, nhưng với ba ngày tết đi thăm thú bà con có chén rượu nhỏ làm ấm nồng thêm tình cảm, vì vậy ít nhiều cũng phải mua và dùng. Nhưng thị trường tết năm nào cũng lao xao chuyện hàng hóa không rõ nguồn gốc nhập vào, có hàng giả, hàng lậu, hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Do vậy, mặt hàng bán chạy nhất mùa áp tết là rượu bia, càng cần siết chặt kiểm tra.
Người Quảng thường ngâm nga “Rượu hồng đào chưa uống đà say”, cũng là cách nhắc nhở một lối ứng xử nồng nàn tình cảm. Song, cũng không nên vì thế mà sa đà, bởi thực ra rượu hồng đào chỉ nồng đượm trong tâm tưởng, không thể làm giả và cũng không thể uống be bét.
NGUYỄN ĐIỆN NAM