Rượu... ép

TRUNG VIỆT 02/04/2016 10:07

Đi ngó - phải dùng từ này mới đúng điều làm mình bực bội: ngó… lễ hội văn hóa dân gian Kon Tum (diễn ra từ ngày 18 đến 22.3). Đi gặp anh em trên đó là chính, nhưng dựa vào cái cớ này mà đi, lại còn bài vở nữa. Lên tới nơi đã được cảnh báo: Muốn coi đánh chiêng phải về buôn làng. Cái này mình đã biết. Nhưng vẫn ưng lên coi hoa gạo nở ở phố núi bên dòng Đăkbla.

thi tạc tượng tại Lễ hội văn hóa dân gian ở Kon Tum. ảnh: T.VIỆT
thi tạc tượng tại Lễ hội văn hóa dân gian ở Kon Tum. ảnh: T.VIỆT

Trước khi đi tìm hoa thì phải coi tạc tượng.  Người ta đem máy cưa tay đến xẻ gỗ, chứ không phải những Đam San cơ bắp cuồn cuộn cầm rìu chém vạt như trong sử thi. Khói xăng nghi ngút, ồn như thác gầm. Hết ngày thứ nhất,  xả chưa tới lõi. Qua ngày thứ hai, mình ghé hỏi mấy ông, nhận được cái phì cười: Mình đi thi nên chẳng có Yàng mách gì đâu, cũng chẳng làm cho ai, diễn mà! Nhớ đọc ông Nguyên Ngọc kể, ghé một nhà rông ở Gia Lai với ông Núp, thấy cái tượng đặt đó, muốn hỏi mua, liền được trả lời bằng cái lừ mắt giận dữ, hỏi ông Núp thì được trả lời là họ không mua không bán. Làm tượng là thần linh mách. Đó là sản phẩm sáng tạo, không phải hàng hóa. Ôi , đó là… thời xa vắng. Hỏi anh em thổ địa ở Kon Tum, thì được chỉ là nên đi vô rừng ma mới thấy, còn thấy đẹp xấu là chuyện khác. Bên Đắc Lắc, Gia Lai, tượng đẹp bị săn lùng mua, ăn cắp; nghệ nhân tài giỏi lần lượt khuất núi.  Người trẻ không thèm học. Nhiều người học thì coi đó là nghề, một cái tượng chừng 1,2 triệu đồng trở lên, phổ cập, sinh sản vô tính, loạn như bán hàng đa cấp. hao hao nhau, cũng là phụ nữ điệu con, ông già hút thuốc, thanh niên đi rẫy. Ai đó nói tinh thần cơ bản của tượng gỗ là đăm chiêu và buồn. Tượng chẳng thấy buồn, mà buồn cho người làm tượng và khách xem.  Di sản dần mất như nghệ thuật chỉnh chiêng, cũng không ngoại lệ. Mấy ông già ở Đắc Hà, Ngọc Hồi giáp vùng Quảng Nam nhăn mặt nói thanh niên không học thứ này, khó lắm.

Rừng đã mất. Không gian văn hóa cồng chiêng không còn. Báo động này đâu phải chỉ Tây Nguyên. Tây Nguyên giáp Quảng Nam. Khi mất hết đến mức chẳng còn gì, người ta mới “báo động”. Trong một hội thảo ở lễ hội văn hóa dân gian lần này, có ý kiến hay: Chủ thể tạo ra sản phẩm văn hóa là con người. Không đào tạo được người say mê văn hóa dân tộc, thì tiền đổ ra để giữ gìn phát triển cũng chỉ là… tiền. Khi những thứ được coi là biểu tượng, là ký hiệu văn hóa không còn nữa, thì  những hội thảo, kế hoạch là trò hề.  Đã một thời người ta đổ lỗi cho người Kinh, mà đúng là lỗi thật,  phá rừng, săn lùng, mua bán, xây dựng cưỡng ép, làm tiêu tan các thiết chế văn hóa làng ở miền núi. Nhưng chuyện đó, xưa rồi, giờ chính người bản địa lại tàn phá ghê hồn hơn khách phương xa. Hãy ngó lại miền núi Quảng Nam, xin đừng tự sướng với những lễ hội rập ràng chiêng trống tên nỏ, cứ mỗi mùa lễ hội là địa phương cuống lên tìm để đi thi, tìm từ áo quần đến dụng cụ, con người,  bởi không thi là không được, mà những thứ để trưng ra đó lại lưu giữ ở những ông già, chứ không phải nhà nào cũng có. Lễ hội tan rồi, hãy đi về những bản làng xa, thử coi còn cái gì không? Mất hết rồi. Đi thi là một thứ… rượu ép chứ không phải rượu mời. Cơn lốc văn minh hóa đã tràn qua. Múa chiêng mà mặc quần jean thì hết bàn. Nhiều vị lãnh đạo miền núi chỉ thích nhà tầng, ô tô đời mới. Sự lo lắng cho mai một bản sắc văn hóa nơi mình sinh ra, sợ hãi cho việc con suối đầu nguồn bị nhiễm, đất mẹ sẽ không còn. Không gian văn hóa rừng không còn, đó chính là câu trả lời đúng nhất về trách nhiệm lẫn suy tư của họ về văn hóa gốc.

Bạn chở đi loanh quanh tìm cây hoa gạo, chẳng thấy đâu, lại nghe nói mọc đâu đó. Thấy nó không có giá trị gì, nên dần dần người ta chặt hết, cây đường phố chẳng thấy hoa pơ lang hay kơ nia mà là trồng sao đen rồi thứ cây chi đó, hoa cỏ tùm lum. Nhà thơ Tạ Văn Sỹ nói hoa gạo nở tháng 3, hoa pơ lang nở cuối đông, hai thứ  cây này khác nhau. Nhà thơ Văn Công Hùng thì viết rõ ràng nó là một, tên gọi khác nhau thôi. Thêm một đồng nghiệp lớn tuổi sinh tại Gia Lai phì cười, pơ lang là gọi mỹ miều đó, nó là gạo. Mình ù tai. Thứ đó miền núi Quảng Nam cũng có, nhưng do người ta nhanh chóng định danh “chỉ dẫn địa lý”, nó đi vào thơ  nhạc, nên nhắc đến nó là biết bản quán nơi nao. Lại nhớ hồi còn nhỏ, có đoàn ca kịch hoa pơ lang hay về làng biểu diễn, có mấy ông đâm kiếm vô họng, bay từ góc sân này đến cánh gà kia, thổi lửa như rồng, còn con nít nên thấy kinh ngạc siêu phàm…

Người miền núi giờ muốn quay về với chính họ, cũng đâu có dễ. Nghĩ thế nên mình đành lòng, ừ thì rượu… ép, bởi ngó lại, Kon Tum có khác chi những tỉnh có núi khác đâu. đi núi hay ở đồng bằng chứng kiến chuyện núi, chuyện làng, chuyện phố,  hằng hà sa số những thứ rượu ép chứ đâu phải rượu mời.

TRUNG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Rượu... ép
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO