Số vụ ly hôn trên địa bàn Quảng Nam do Tòa án nhân dân tỉnh thụ lý ngày càng gia tăng. Trong số đó, người vợ đứng đơn xin ly hôn chiếm 70%, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ… rượu.
Số vụ ly hôn do người chồng nát rượu ngày một tăng. Ảnh minh họa |
Không chỉ là “giải mỏi”
Rượu là thức uống được dùng lâu đời trong cuộc sống thường ngày và phổ biến ở khắp nơi. Những cuộc rượu đơn sơ bày ra sau một ngày làm việc nặng nhọc được gọi là để “giải mỏi”. “Hồi mới đi làm phụ hồ tui đâu có biết rượu chè chi. Làm xong một ngày, anh em rủ nhau làm ly giãn gân cốt, từ chối thấy ngại. Lâu ngày thành thói quen, chiều nào không lai rai vài chén là thấy “mỏi” thiệt” - anh Nguyễn Văn Hải (trú xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ) nói. Từ “giải mỏi”, không ít người dần trở nên nghiện rượu, sức khỏe ngày càng sa sút. Đời sống gia đình cũng vì thế mà sinh ra bao chuyện đáng buồn, tan vỡ hạnh phúc.
Theo số liệu tổng kết 10 năm thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 trên địa bàn Quảng Nam, số vụ việc hôn nhân và gia đình được tòa án thụ lý tăng dần theo từng năm, từ 587 vụ (năm 2000) lên 1.281 (năm 2010). Điều đáng nói là trong các vụ án này, số người vợ đứng đơn xin ly hôn chiếm hơn 70%, mà nguyên nhân chính, theo người đứng đơn là xuất phát từ rượu. Tình trạng ly hôn có nguyên nhân từ rượu không chỉ phổ biến xảy ra ở các cặp vợ chồng trong độ tuổi 30 - 40, có cả những trường hợp ở ngoài độ tuổi 50 - 60. Một cán bộ công tác tại Tòa án nhân dân huyện Tiên Phước chia sẻ: “Nhiều người chồng đến khi ra trước tòa để hòa giải mà vẫn ở trong tình trạng chân nam đá chân chiêu, sừng sộ, vũ phu với vợ. Như thế, thử hỏi lúc ở nhà chỉ có hai vợ chồng thì còn tới mức nào”.
Nỗi buồn... giá như
Vợ chồng đã có với nhau 4 mặt con, sắp bước qua tuổi 40, nhưng chị Nguyễn Thị S. (ở thị trấn Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước) đành phải làm đơn ra tòa xin ly hôn để đưa các con về nhà cha mẹ đẻ làm ăn sinh sống. Chị kể: “Hơn 15 năm có chồng tôi chỉ thực sự cảm thấy hạnh phúc trong khoảng 5 năm đầu tiên, khi chồng còn là một thanh niên tử tế, chăm chỉ làm ăn và chưa trở thành kẻ nát rượu. Trước khi đi đến quyết định xin ly hôn tôi đã phải chịu đựng bao nhiêu khổ nhục, một phần do cuộc sống gia đình ngày càng khó khăn, một phần do người chồng say sưa, đánh đập vợ con như cơm bữa”. Ly hôn là một quyết định không hề đơn giản đối với phụ nữ, nhất là phụ nữ vùng nông thôn. Đâu phải ly hôn đường ai nấy đi là xong. Tương lai của những đứa con nhỏ dại sau khi cha mẹ mỗi người một nơi sẽ như thế nào? Nghĩ đến điều này nên phần lớn phụ nữ đều ráng chịu đựng khi chồng nghiện rượu. “Cố gắng chịu đựng bị chồng hành hạ vẫn còn hơn phải nhìn thấy những đứa con thơ bơ vơ, cha một nơi, mẹ một ngả” là tâm lý chung của người làm mẹ. Nhưng rồi chị S. cũng đành dẫn con ra đi. Sau hơn 3 năm làm lụng vất vả nuôi con, chị S. cho biết bây giờ cuộc sống của mẹ con chị đã ổn định, khá hơn khi chưa ly hôn.
Cùng thôn với chị S., chị Nguyễn Thị N. năm nay đã bước qua tuổi 50, vợ chồng chị có 5 mặt con. Hai đứa con lớn, đứa theo chồng, đứa đi làm ăn xa. Thời gian trôi qua đã lâu, chị không còn nhớ bao nhiêu lần bị chồng đánh đập, chửi mắng, và cũng không biết bao nhiêu lần chị làm đơn xin ly hôn, nhưng rồi rút lại để tha thứ cho chồng. Và đến lần gần đây nhất, vào giữa năm 2012, vì không thể chịu đựng thêm sự đánh đập của người chồng mỗi khi có men rượu, chị đành phải quyết định ly hôn.
Chung sống với người chồng nghiện ngập gần 20 năm trời, chị N. giải thích rằng, những người đàn ông nghiện rượu làm suy sụp gia đình không phải vì những đồng tiền uống rượu hằng ngày. Những người uống rượu đã đến mức nghiện thì uống một lần không còn nhiều nữa, nhưng lại uống nhiều lần trong ngày. Lúc nào họ cũng nghĩ đến rượu hơn là chuyện toan tính làm ăn, chăm lo cho gia đình. Rượu làm cho sức khỏe của họ ngày một yếu đi và già nhanh hơn, biến họ từ vị trí lao động trụ cột của gia đình trở thành “của nợ” cho vợ con, người thân.
Rượu và hôn nhân vẫn còn là câu chuyện dài ở biết bao xóm thôn, phố phường. Nhưng, bản thân rượu chỉ là loại thức uống thông thường, vấn đề là ở chỗ người dùng mà thôi.
VĨNH KHIÊM - NGUYÊN KIM