"Rút ruột" lòng sông - Bài cuối: Mở bến bãi trá hình

HỮU PHÚC 13/06/2017 08:39

Tài nguyên khoáng sản thất thoát, nỗ lực ngăn chặn “sa tặc” của chính quyền địa phương các cấp gặp khó khăn do có sự “đóng góp” không nhỏ của các bến bãi không phép.

  • "Rút ruột" lòng sông - Bài 2: Xung đột căng thẳng
  • "Rút ruột" lòng sông - Bài 1: Đáy sông dậy sóng
Một bến bãi cát mở trái phép tại phường Điện Minh, thị xã Điện Bàn. Ảnh: H.P
Một bến bãi cát mở trái phép tại phường Điện Minh, thị xã Điện Bàn. Ảnh: H.P

Tiếp tay cho cát lậu

Gần 10 năm nay, dưới chân cầu Câu Lâu cũ (thuộc xã Duy Phước, Duy Xuyên) có một số bến bãi tập kết, tiêu thụ cát mở trái phép tồn tại, dù chủ cơ sở này năm lần bảy lượt bị ngành chức năng nhắc nhở phải khẩn trương hoàn tất các thủ tục hồ sơ pháp lý liên quan. Bến bãi này trước đây UBND xã Duy Phước cho thuê đất, trong khi chưa chuyển đổi mục đích sử dụng. Ông Vũ Văn Thẩm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho rằng, có một “luật ngầm” trong thế giới kinh doanh, vận chuyển cát sỏi lòng sông. Các bến bãi tập kết cát chẳng khác nào “ngồi mát ăn bát vàng”, đã tiếp tay, dung túng cho cát lậu.

Theo ông Nguyễn Đức, Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh, tuy triển khai thực hiện các chỉ thị, tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh nhưng quản lý nhà nước về lĩnh vực khoáng sản cát sỏi lòng sông của các địa phương lại thiếu chặt chẽ, tình trạng bến bãi mở trái phép để tiêu thụ cho cát lậu khá phổ biến, nhất là thị xã Điện Bàn. Việc cấp quá nhiều mỏ khai thác trên một tuyến sông cũng lộ nhiều bất cập, trong khi đó quản lý phương tiện khai thác ra vào, hậu kiểm cấp phép lại thả nổi. Vì vậy, chính quyền địa phương sớm chỉ đạo UBND các xã, phường chấm dứt ngay hợp đồng thuê đất lập bãi không đúng quy định; đình chỉ các bến bãi không phù hợp quy hoạch.

Khảo sát tại phường Điện Minh, các xã Điện Phước, Điện An, thị trấn Vĩnh Điện (thị xã Điện Bàn) chúng tôi phát hiện một sự thật kinh ngạc là các bến bãi tập kết, tiêu thụ cát đều mở trái phép. Ông Mai Thanh Trì, chủ bãi tập kết cát ở thôn Nhị Dinh 1 (xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn) cho biết, bến bãi của gia đình là nơi tập kết cát của Công ty TNHH Đại Việt và Công ty CP An Thịnh có mỏ cát tại sông Thu Bồn, mỗi ngày nhập về hơn 200m3 cát. Bến bãi này chưa được cấp có thẩm quyền cấp phép hoạt động. Để cho các bến bãi này hoạt động, chính quyền các xã, phường đã cho các cá nhân, tổ chức thuê đất trái thẩm quyền. Theo thống kê của UBND thị xã Điện Bàn, trong số  21 bến bãi tập kết cát sỏi trên địa bàn thì chỉ có một cơ sở đảm bảo hồ sơ pháp lý, còn lại 20 điểm mở “trá hình”, chưa có giấy phép hoạt động bến thủy nội địa. Trong đó, 9 bến bãi UBND các xã, phường cho thuê đất không đúng thẩm quyền; 11 bến sử dụng đất không đúng mục đích. Ông Phạm Ngọc Anh - Phó Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường thị xã Điện Bàn xác nhận, một số bến bãi hoạt động hàng chục năm trên đất của gia đình, chưa làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, nhiều bến bãi khác lại được UBND các xã, phường cho thuê đất trái quy định. UBND tỉnh đã chỉ đạo triệt để cho thu hồi, thanh lý các hợp đồng thuê đất không đúng quy định. Đến cuối tháng 6.2017 là thời hạn chấm dứt hoạt động các bến bãi trái pháp luật.

Dọc sông Thu Bồn qua phường Điện Minh hay thị trấn Vĩnh Điện (thị xã Điện Bàn), chúng tôi nhận thấy mật độ bến bãi mở khá dày, là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường khu dân cư. Thời gian qua, người dân thôn Trung Phú (xã Điện Minh) sống trong âu lo vì xe vận chuyển cát sỏi qua lại tấp nập. Nơi đây thường xuyên ùn tắc giao thông và đã xảy ra không ít vụ tai nạn. Tại thôn Trung Phú có 5 bến cát hoạt động và đều trái phép.

Chấn chỉnh

Để hạn chế tình trạng các phương tiện của doanh nghiệp được cấp phép lén lút hút cát trộm, lực lượng chức năng các địa phương đang rà soát, xử lý triệt để tàu thuyền gắn dụng cụ, máy móc hút cát. Các tàu thuyền chỉ có mỗi nhiệm vụ vận chuyển cát về điểm tập kết, chứ không trực tiếp tham gia hút. Ông Phan Minh Dũng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, lực lượng chức năng sẽ quyết liệt tháo dỡ dụng cụ, thiết bị máy móc hút cát gắn trên ghe thuyền. Chỉ đạo UBND các xã, phường thu hồi hợp đồng thuê đất không đúng quy định. Các bến bãi không phù hợp quy hoạch, xung đột giao thông, ô nhiễm môi trường sẽ bị đình chỉ hoạt động. “Chính quyền địa phương định hướng và chỉ đạo quy hoạch 5 điểm bến bãi tại 5 xã dọc sông Thu Bồn gồm các xã Điện Phong, Điện Phương, Điện Thọ, Điện Minh và Điện Phước. Mỗi điểm có 1 - 3 bến bãi để đáp ứng nhu cầu cung ứng cát xây dựng trên địa bàn, có lộ trình dừng hoạt động, di dời các bến bãi ra khỏi sông Vĩnh Điện, khu vực đô thị đông đúc dân cư. Theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, đến ngày 30.6, địa phương sẽ cho dừng hoạt động các bến bãi có nguy cơ cao mất an toàn giao thông, không được chấp thuận cấp phép” - ông Dũng khẳng định.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 30 giấy phép khai thác cát sỏi đã được cấp và đang còn hiệu lực, với tổng diện tích khai thác hơn 130ha, trữ lượng 5,3 triệu mét khối. Ông Thái Hoàng Vũ - Phó Giám đốc Sở Xây dựng thông tin, sở đang rà soát lại quy hoạch các điểm mỏ, lập quy hoạch bến bãi theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Tinh thần chung là cát lòng sông không dùng vào mục đích san lấp. Về cấp giấy phép bến thủy nội địa thẩm quyền do Sở Giao thông vận tải (GTVT). Theo ông Lê Văn Sinh - Giám đốc Sở GTVT, trên địa bàn toàn tỉnh có tổng cộng 40 bến. Trong đó có 22 bến đã cấp phép, 12 bến đã xin chủ trương đầu tư, còn lại 6 bến chưa làm thủ tục hồ sơ pháp lý có liên quan. Tại Thông báo số 127/TB-UBND ngày 11.4.2017 của UBND tỉnh nêu rõ ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu là giao UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập đoàn kiểm tra liên ngành ở địa phương, tổ chức kiểm tra tất cả các bến bãi tập kết, mua bán cát sỏi trên địa bàn, kết hợp với kiểm tra hoạt động các mỏ khoáng sản trên địa bàn; đình chỉ ngay các bến, bãi tập kết, mua bán cát sỏi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép theo đúng quy định của pháp luật. Nghiêm cấm và chấm dứt ngay các khoản thu bến bãi ngoài quy định ở các địa phương. Đối với các bến, bãi tập kết vật liệu cát sỏi không đảm bảo môi trường, gây hư hỏng đường sá hoặc không đảm bảo an toàn phải đình chỉ và đề nghị Sở GTVT thu hồi giấy phép hoạt động. UBND tỉnh cũng quyết định tạm dừng cấp giấy phép mở mới các bến thủy nội địa có kết hợp với tập kết vật liệu cát sỏi để kiểm tra, chấn chỉnh. Những mỏ tạm đóng cửa vì phản đối của người dân cũng thực hiện nghiêm túc.

Theo ghi nhận của chúng tôi, sau khi chính quyền tỉnh siết chặt quản lý nhà nước về tận thu cát sỏi lòng sông, nhiều đoạn sông Vu Gia và Thu Bồn chảy qua các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên và thị xã Điện Bàn có mỏ cát đã thả phao giới hạn khu vực khai thác, công bố thời gian hoạt động, danh sách chủ phương tiện, số ghe khai thác, số biển đăng ký. Hiện nay, lực lượng chức năng đang rốt ráo xử lý các phương tiện tàu thuyền còn gắn thiết bị hút cát.

HỮU PHÚC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Rút ruột" lòng sông - Bài cuối: Mở bến bãi trá hình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO