Sà cánh xuống làng

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 12/02/2017 07:13

Trong nhiều chục năm nay, từ ngày đầu đi máy bay cho đến tuổi lục tuần, mỗi lần chiếc tàu bay hạ thấp độ cao để đáp xuống sân bay Đà Nẵng, tôi đều có cái cảm giác giống nhau: mình đang sà cánh xuống quê làng lúc đăm đắm nhìn qua ô cửa.

 Sông Thu Bồn - Gò Nổi nhìn từ trên cao.
Sông Thu Bồn - Gò Nổi nhìn từ trên cao.

Cũng vậy, những bữa đang cào xới trong vườn nhà hoặc lang thang trên đường làng mà nghe tiếng máy bay, tôi đều đứng lặng nhìn lên rồi tự hỏi có bao nhiêu hành khách trên những chuyến bay ấy đang về quê, có ai là người của quê mình trên ấy không và họ có cùng cảm giác với mình khi nhìn thấy những làng quê dưới đôi cánh thép?

Một sự so sánh và một cảm giác rất khó tả cứ tiếp diễn trong tôi nhiều lần như vậy…

Không biết các bạn có như tôi không - những lần nhìn qua cửa kính máy bay ở độ cao chỉ còn một ngàn thước?

Làng tôi cách sân bay Đà Nẵng khoảng 15 cây số đường chim bay và nằm ngay trên phễu cất/hạ cánh của tất cả loại máy bay thương mại của sân bay này khi nó vừa hoạt động từ những năm 30 của thế kỷ trước. Hồi năm 1960, làng tôi có hai người đầu tiên đi máy bay từ Đà Nẵng vô Sài Gòn, trong đó có một ông chú họ. Khi về chú kể rằng “ngồi trên nớ ngó xuống, làng mình nhỏ xíu, nhà cửa cứ như những cái trắp (hộp), còn đường sá nhỏ bằng sợi chỉ!”. Chú chỉ nói vậy thôi mà tôi nhớ mãi. Nhớ vì ngay lúc đó mình đã tự thắp lên trong lòng bao nhiêu mơ ước chưa gọi được tên. Nhớ cũng có lẽ vì lũy tre làng cao ngất và những cảnh sống bần hàn đã che khuất mọi ước vọng. Và nhớ cũng có lẽ do những khát vọng không tên ấy cứ tiếp tục lớn lên cùng năm tháng và những trang sách ở nhà trường dần mở mắt mình ra…

Bây giờ thì mình đã ngồi trên hàng chục, hàng trăm chuyến bay cất cánh từ Đà Nẵng đi ra Bắc vào Nam, qua các nước Đông Dương rồi đến các châu Mỹ, châu Úc xa xăm. Nhưng lạ thay, cái cảm giác “sà cánh xuống quê làng” mỗi khi máy bay hạ thấp độ cao vẫn cứ gây xúc động trong lòng tôi…

Dưới những tầng mây thấp, những núi non, quê làng xứ Quảng dần hiện ra, biển và những cù lao phía đông dần hiện ra. Hết Tam Kỳ đến Hội An. Hết những dòng sông đến ruộng đồng hiện ra, rõ dần. Nhịp đập của con tim có lẽ rộn ràng hơn. “Quê tôi đó!”. Mình nói thầm như vậy.

Quê tôi là cả một vùng Gò Nổi địa linh nhân kiệt với những con người hiển hiện như Trần Cao Vân, Hoàng Diệu, Phạm Phú Thứ, Phan Khôi, Phan Thành Tài, Mai Dị… Quê tôi là một dinh trấn Thanh Chiêm, Điện Bàn, thủ phủ Đàng Trong hơn 4 thế kỷ lẫm liệt mở đất về phương Nam và sản sinh ra chữ Việt cho ngày nay. Quê tôi là thương cảng Hội An với những tâm hồn dung dị, chân thành từng bước ra khỏi sự độc tôn của nền văn hóa Nho học mà chung đụng, tiếp xúc và đón nhận tinh hoa của nhiều nền văn hóa khác, để có một tính cách đặc trưng được xưng tụng như là “Bước Quảng Nam” mạnh mẽ trong hành trình Nam tiến…

Quê hương ấy giờ là những làng quê những phố thị đã hồi sinh sau ba cuộc chiến tranh tàn khốc trong thế kỷ 20. Hàng triệu máu xương của bao sinh linh khắp mọi miền đã ngã xuống trong cơn binh lửa ấy, trong đó có những người thân của tôi. Quê hương ấy giờ là những đô thị, những công trường, những nhà máy đang hối hả dựng xây, bên cạnh những cánh đồng và người nông dân vẫn từng ngày vật vã cùng áo cơm và sự khắc nghiệt của thiên nhiên, nhiều bà con họ hàng của tôi cùng chung cảnh ngộ.

Quê hương ấy có một dòng sông mẹ Thu Bồn cùng những hợp lưu, phụ lưu Vu Gia, Ly Ly, Trường Giang, Vĩnh Điện… điều hòa một nguồn thủy lưu, thủy lợi cho cấy trồng, cho vận tải từ khai thiên lập địa. Nhưng tôi tin, ấy cũng là điều hòa những tố chất của con người trong một vùng đất đầy ác khí và phong ba, đầy xung đột về văn hóa lịch sử để hòa vào dòng chảy của phát triển. Phát triển như một điển hình Quảng Nam: Duy tân, Cách mạng mà thu phục lòng người…

Quê hương ấy dù nghèo dù giàu, dù chiến tranh hay hòa bình vẫn thấm đẫm những nếp văn hóa ứng xử nghĩa tình, những ngôi đình làng lưu dấu tiền nhân, những lễ hội đầy ắp lòng biết ơn người đã khuất, những điệu hò dân gian hóm hỉnh nghịch ngợm của gái trai mà sâu sắc đạo làm người. Tất cả như mạch nước ngầm chảy qua nhiều thế hệ, vượt qua những ghềnh thác để dâng trào ra biển lớn của lòng thủy chung…

Để hôm nay từ trên cao nhìn xuống mà tôi cứ ngỡ như đang nhìn lại lòng mình!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sà cánh xuống làng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO