Sau thời gian tạm lắng, tình trạng khai thác cát trái phép lại tiếp tục tái diễn trên sông Vu Gia, Thu Bồn. Lo ngại hơn, các điểm hút cát lại nằm sát cầu dân sinh, gây ảnh hưởng hoa màu của người dân.
hập choạng tối giữa tháng 10, tại công trình thi công cầu Giao Thủy (xã Đại Hòa, Đại Lộc) sông Vu Gia, chúng tôi phát hiện hai thuyền máy ngang nhiên hút cát tại khu vực cấm khai thác. Cách đó không xa, dưới cầu Hòa Đông (thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc), một phương tiện ghe lớn cũng đang nổ máy để hút cát dưới sông lên. Ngược xuống sông Thu Bồn, đoạn dưới cầu đường sắt Kỳ Lam, nối xã Điện Quang và Điện Thọ (thị xã Điện Bàn) là đại công trường... hút cát. Chính quyền địa phương cho biết, để phục vụ nguồn cát khổng lồ cho dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, ngoài mỏ được cấp phép, nhiều đối tượng lén lút "ăn đêm", trong khi lực lượng chức năng không thể có mặt 24/24 giờ để kiểm tra đâu là nguồn cát khai thác hợp pháp và bất hợp pháp.
Cách đây hơn một tuần, lực lượng công an tỉnh bất ngờ tuần tra truy quét trên sông Thu Bồn, bắt quả tang 15 ghe hút cát trộm. Ảnh: VÕ LÊ |
Theo ngành tài nguyên - môi trường huyện Đại Lộc, địa bàn có 11 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát. Tuy nhiên, trên dòng sông Vu Gia qua địa bàn huyện, tình trạng khai thác cát trái phép vẫn rất nóng bỏng. Tương tự, sông Thu Bồn, đoạn qua thị xã Điện Bàn lâu nay được mênh danh là "đại bản doanh" của sa tặc. Cách đây hơn một tuần, lực lượng công an tỉnh bất ngờ tuần tra truy quét trên sông qua 2 xã Điện Phong và Điện Trung, bắt quả tang 15 ghe hút cát trộm. Đa số chủ phương tiện đều trú ở thị xã Điện Bàn và huyện Duy Xuyên. Ông Nguyễn Phi Công, thành viên chốt chặn xã Điện Phong cho hay, truy quét liên tục nhưng chỉ cần lơ là, không có mặt bảo vệ là đối tượng hoạt động. Có trường hợp mới bị phạt hôm trước, hôm sau lại tái phạm. Không ít lần các thành viên của tổ chốt chặn bị sa tặc chống trả. Từ đầu năm đến nay, tổ chốt chặn xã Điện Phong đã tạm giữ và xử phạt vi phạm hành chính 33 trường hợp khai thác cát trái phép, với tổng số tiền 339 triệu đồng. Tuy nhiên, với những gì đã và đang diễn ra ở lòng sông Vu Gia, Thu Bồn cho thấy cuộc chiến chống sa tặc không cân sức. Đối tượng vì lợi nhuận kinh tế trước mắt đã bất chấp quy định pháp luật, trong khi các ngành chức năng, chính quyền thì buông lỏng quản lý, lực lượng không có mặt thường xuyên tại hiện trường. Theo quy định, mỗi mét khối cát hút trái phép sẽ bị xử phạt tới 1 triệu đồng, mỗi ghe có trọng tải 40 - 50m3, nếu bị bắt sẽ phải chịu mức xử phạt lên tới 40 - 50 triệu đồng. Thực tế, nhiều lần ngành chức năng truy quét đều bị lộ thông tin, thậm chí chỉ sử dụng hình thức "phạt cho tồn tại", chứ chưa có biện pháp nào nghiêm khắc hơn. Phần lớn các phương tiện hút cát trộm vận chuyển trên sông đều không đăng ký, đăng kiểm, không đảm bảo các quy định cần thiết khi lưu thông.
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu đã nhiều lần chỉ đạo quyết liệt ngành thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông đường thủy phải xử lý, chặn đứng từ đầu các tàu thuyền lưu thông không đảm bảo quy định pháp luật. Tại thị xã Điện Bàn, theo thống kê hiện có 128 phương tiện được đăng kiểm, có 21 bến bãi tập kết cát dọc sông và có 5 trạm kiểm soát đường sông ở 5 xã để kiểm tra, kiểm soát việc khai thác cát trái phép. Huyện Duy Xuyên, Đại Lộc… đang rà soát phương tiện hoạt động có phép lẫn trái phép trên sông. Bằng những động thái cần thiết trên, hy vọng lòng sông sẽ bớt "dậy sóng".
TRẦN NGUYỄN