Sa tặc "rút ruột" lòng sông: Buông lỏng quản lý

TRẦN HỮU 15/05/2015 08:46

Khai thác cát lòng sông Thu Bồn tái diễn liên tục trong nhiều năm có nguyên nhân từ một số địa phương đã “bật đèn xanh”, buông lỏng quản lý.

“Nóng” khu vực giáp ranh

Từ cuối năm 2014 đến nay, cát sỏi trở thành mặt hàng “sốt” nhất trên thị trường vật liệu xây dựng thông thường. Dưới lòng sông, các ghe thuyền đã mở tối đa công suất khai thác lậu ở các địa điểm giáp ranh; trên bờ xảy ra việc tranh giành mua bán rất phức tạp. Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Dung Quất đang thi công càng tạo điều kiện cho hoạt động cung ứng cát sỏi trôi nổi. Chính vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các sở, ban ngành và chính quyền địa phương các cấp siết chặt quản lý khoáng sản lòng sông và đưa lực lượng bí mật truy quét. Chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh có tác dụng ngay tức thời, bằng chứng là các ngành chức năng của tỉnh tổ chức “mật phục” các điểm nóng dai dẳng và những ngày qua lòng sông có vẻ tạm yên ắng.

Công an tạm giữ một phương tiện hút cát trộm. Ảnh: T.H
Công an tạm giữ một phương tiện hút cát trộm. Ảnh: T.H

23 giờ tối 4.5, lực lượng công an tỉnh phối hợp với chính quyền xã Điện Phương ra quân truy quét nạn khai thác cát thuộc địa phận cầu Câu Lâu (xã Điện Phương, Điện Bàn) phát hiện, tạm giữ 10 phương tiện tàu thuyền đang hút cút dưới sông Thu Bồn. Sông Bà Rén, một nhánh sông nhỏ của dòng Thu Bồn, đoạn chảy qua khu vực giáp ranh giữa thôn Chiêm Sơn (xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên) với xã Điện Quang (thị xã Điện Bàn) đã rộ lên tình trạng khai thác cát từ sau Tết Nguyên đán đến nay. Tuy nhiên, chỉ sau khi báo chí phản ánh, lực lượng liên ngành của tỉnh mới đến kiểm tra hiện trường và ghi nhận hơn 5.000m2 đã bị đào bới với chiều sâu 1m. Địa điểm khai thác cát dù nằm xa khu dân cư nhưng sát đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đang thi công, nên chủ yếu phục vụ cung cấp cát cho dự án này. Ngành chức năng nhận định, không thể ngày một ngày hai lấy đi 5.000m3 cát mà có thể kéo dài hàng tháng, hàng năm. Ngoài đối tượng sa tặc khai thác lén lút, còn có sự tham gia của doanh nghiệp. Điển hình từ ngày 25.4 đến 3.5.2015, Công ty TNHH Phúc Thịnh Đạt (trụ sở xã Điện Thắng Bắc, thị xã Điện Bàn) đã khai thác hàng nghìn mét khối cát. Cát công ty này khai thác bán cho Công ty CP Nhân Bình thi công đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Địa điểm mà doanh nghiệp khai thác trữ lượng cát rất dồi dào do lũ lụt gây hiện tượng bồi lấp, xói lở hàng năm nên các địa phương cũng không thể cắm mốc giới giáp ranh. Theo chính quyền xã Duy Trinh, tranh chấp đất đai vùng này xảy ra thường xuyên nên địa phương nhiều lần kiến nghị, làm việc với xã Điện Quang để giải quyết, xác định trách nhiệm quản lý nhưng vẫn chưa tìm được “tiếng nói chung”. Lực lượng chức năng của các huyện Duy Xuyên, Điện Bàn nêu khó khăn trong công tác truy quét ở vùng giáp ranh, lợi dụng lỗ hổng của pháp luật nên sa tặc liên tục hoán đổi địa bàn hoạt động. Ông Nguyễn Thế Hởi, Trưởng phòng Tài nguyên - môi trường huyện thừa nhận, thông tin về truy quét sa tặc dễ bị rò rỉ. Lực lượng chức năng huyện Duy Xuyên truy bắt, đối tượng chạy về phía Điện Bàn lẩn tránh nên... bó tay, vì thẩm quyền địa phương không cho phép xử lý. Tại cuộc họp siết chặt quản lý cát sỏi lòng sông mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho rằng, cần có một lực lượng chỉ huy trong chống nạn hút cát trộm vùng giáp ranh, chứ thực tế như vừa qua là không hiệu quả.

Tiếp tay...

Sau khi có chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về kiểm soát các phương tiện ghe thuyền hút cát trái phép, chúng tôi trở lại bờ nam sông Thu Bồn, nằm ở cầu Câu Lâu cũ và mới (thuộc thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên). Ghi nhận của chúng tôi vào chập choạng tối 12.5, vẫn có nhiều tàu chở cát vào đổ ở bến bãi. Vì sao các bến bãi, phương tiện vận chuyển cát vô tư qua lại nơi đây mà không sợ lực lượng chức năng? Phải chăng có sự “bảo kê” của cán bộ?

Thông tin phóng viên thu thập được, UBND thị trấn Nam Phước và Công ty CP Đầu tư và xây dựng 569 ký kết hợp đồng về việc sử dụng mặt bằng bến tại bờ kè sông Câu Lâu để chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng thông thường, thời gian từ ngày 1.1.2015 đến 31.12.2015; doanh nghiệp có nghĩa vụ nộp cho địa phương 36 triệu đồng. Có hợp đồng này, Công ty CP Đầu tư và xây dựng 569 đã sử dụng bến bãi để tập kết cát khai thác từ mỏ cát thôn Đình An – thị trấn Nam Phước của công ty, công suất  trung bình mỗi ngày tập kết, trung chuyển khoảng 200m3.

Từ năm 2014 đến nay, lực lượng công an tỉnh phối hợp với các sở, ban ngành, tổ chức hơn 50 đợt truy quét, bắt giữ 69 trường hợp, thu giữ nhiều máy móc phương tiện khai thác cát trái phép, xử phạt hành chính hơn1 tỷ đồng.

Ngoài các bến bãi quy mô lớn, tại thôn Câu Lâu Đông (xã Duy Phước), chính quyền còn thỏa thuận vị trí cho một số doanh nghiệp, chủ hộ gia đình mở bến bãi; bù lại cá nhân, doanh nghiệp có nghĩa vụ đóng các loại thuế cho xã Duy Phước và huyện Duy Xuyên. Theo Sở Tài nguyên – môi trường, thời gian qua, Công ty TNHH Huỳnh Xuân Thắng và bến bãi của ông Huỳnh Tấn Dậu (thôn Câu Lâu Đông) đã mua cát có nguồn gốc tại xã Điện Thọ (Điện Bàn) của Công ty CP Xây dựng và vật liệu Phước Lợi về tập kết tại bãi để bán. Khối lượng cát tập kết tại bãi trung bình hằng ngày của ông Dậu khoảng 100m3, ông Thắng khoảng 50m3. Sở Giao thông vận tải đã thống nhất cho phép hộ kinh doanh Huỳnh Tấn Dậu và Công ty TNHH Huỳnh Xuân Thắng sử dụng vùng nước sông Thu Bồn để làm bãi tập kết vật liệu thông thường. Việc sử dụng đất ở vào mục đích làm bến bãi tập kết cát (chứa, trung chuyển, kinh doanh cát) của ông Dậu và ông Thắng là không phù hợp với quy định pháp luật nên đầu tháng 5.2015 đã bị cơ quan chức năng đình chỉ hoạt động.

Ông Trần Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – môi trường cho biết, chính quyền thị trấn Nam Phước ký hợp đồng cho Công ty CP Đầu tư và xây dựng 569 sử dụng đất để làm bến bãi chứa, trung chuyển cát tại khối phố Bình An là sai quy định pháp luật, trái thẩm quyền, không thực hiện đúng chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 3425/UBND-KTN ngày 25.8.2014. Cho nên, đề nghị địa phương phải chấm dứt hợp đồng trái quy định trên. Về hoạt động khai thác cát trái phép tại sông Bà Rén đoạn chảy qua khu vực giáp ranh giữa thôn Chiêm Sơn, xã Duy Trinh (huyện Duy Xuyên) và xã Điện Quang (thị xã Điện Bàn) với quy mô lớn, hiện ngành công an tỉnh đã vào cuộc điều tra làm rõ sai phạm, Báo Quảng Nam sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về xử lý vụ việc này. Để kiểm soát lòng sông, suối, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu kiểm tra toàn bộ bến bãi tập kết cát sỏi trên địa bàn, đóng cửa các bãi không có giấy phép hoạt động; yêu cầu các chủ bãi có giấy phép cam kết không tiếp nhận cát, sỏi không có nguồn gốc hợp pháp và không có hồ sơ sử dụng đất hợp pháp.

Chiều 14.5, trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Nguyễn Công Dũng – Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết, tình trạng khai thác cát, lập bến bãi ở cầu Câu Lâu, thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên) chính quyền địa phương cũng đã lường trước tác động đến cầu giao thông (sạt lở, lún cầu - PV). UBND thị trấn Nam Phước ký với doanh nghiệp để phục vụ nguồn nguyên liệu cát cho dự án khu phố chợ Nam Phước, bây giờ dự án hoàn thành phải chấm dứt hoạt động.
Liên quan đến hoạt động khai thác cát trái phép, tập kết cát trên địa bàn huyện Duy Xuyên và khu vực giáp ranh, ngày 14.5, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung Thông báo số 157/TB-UBND ngày 4.5.2015 của UBND tỉnh về kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp với lãnh đạo các địa phương liên quan triển khai biện pháp quản lý hoạt động khai thác cát, sạn, sỏi lòng sông Vu Gia - Thu Bồn. Theo đó, chỉ đạo UBND thị trấn Nam Phước chấm dứt ngay Hợp đồng số 20/HĐ-UBND ngày 2.1.2015 đã ký kết với Công ty CP Đầu tư và xây dựng 569 và chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng; thực hiện việc quản lý đất đai, khoáng sản theo đúng quy định pháp luật. Đình chỉ hoạt động sử dụng đất, cho phép sử dụng đất để làm bến bãi chứa, trung chuyển, kinh doanh cát không đúng quy định pháp luật tại bờ phía nam sông Thu Bồn (thuộc thôn Câu Lâu Đông, xã Duy Phước, H. Duy Xuyên) của ông Huỳnh Tấn Dậu, ông Huỳnh Xuân Thắng (Cty TNHH Huỳnh Xuân Thắng) và các hộ gia đình, cá nhân liên quan. Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND huyện Duy Xuyên tổ chức kiểm điểm và chỉ đạo UBND thị trấn Nam Phước kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, cá nhân trong việc tiếp tục cho phép Công ty CP Đầu tư và xây dựng 569 sử dụng đất để làm bến bãi chứa, trung chuyển cát không phù hợp với quy định pháp luật và chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 3425/UBND-KTN ngày 25.8.2014. Kiểm điểm và chỉ đạo UBND xã Duy Phước kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc để xảy ra việc sử dụng đất, cho phép sử dụng đất không đúng quy định pháp luật của ông Huỳnh Tấn Dậu, ông Huỳnh Xuân Thắng và các hộ gia đình, cá nhân liên quan; báo cáo kết quả xử lý về UBND tỉnh trước ngày 30.5.2015.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sa tặc "rút ruột" lòng sông: Buông lỏng quản lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO