Ngày hội đại đoàn kết ở làng Đại Lộc (xã Quế Minh, huyện Quế Sơn), người dân cùng nhau tổ chức những trò chơi dân gian, biểu diễn tuồng cổ…, đơn giản nhưng ấm tình làng nghĩa xóm.
Đông đảo người dân làng Đại Lộc theo dõi tiết mục tuồng do chính các cụ trong làng biểu diễn. Ảnh: T.C |
Từ sáng sớm, đã có rất đông người đến tại nhà văn hóa thôn Đại Lộc để dự ngày hội. Rất ít người trẻ. Chỉ còn thế hệ lớn tuổi ở lại với mảnh vườn, với nếp nhà xưa, vì con cháu đã theo cuộc mưu sinh mà bươn bả với thị thành, trong các khu công nghiệp. Nhưng không vì thế mà ngày hội đại đoàn kết bị trầm lắng. Quê kiểng vẫn có cách vui riêng. Ban Mặt trận thôn tổ chức những trò chơi dân gian, như nhảy bao bố, bịt mắt bắt vịt, đập heo đất. Trên khoảng sân nhỏ, những “vận động viên” của từng tổ đoàn kết được cử ra, tranh tài trong tiếng ủng hộ, cổ vũ của khán giả nhà. Phần thưởng là chính con vịt mà họ bắt được, hoặc một ít kinh phí từ sự ủng hộ, đóng góp của bà con. Chị Nguyễn Thị Lan (35 tuổi, trú tổ 12, thôn Đại Lộc) tâm sự, là người gốc Nghệ An về làm dâu trong làng, nhưng tình cảm ấm áp của người dân quê dành cho nhau vẫn đầm ấm hệt như ở quê nhà. Ngày thường, xóm giềng san sẻ cho nhau, những gia đình khó khăn được giúp đỡ, của ít lòng nhiều, dư dả chút gì thì giúp nhau chút ấy. Ngày hội đại đoàn kết vì thế mà vui, mọi người được dịp gặp nhau, tạm gác lại những lo toan thường nhật.
Hội trường nhà văn hóa thôn khá nhỏ, nêm chật người. Nhưng khi tiếng trống tuồng vang lên, những tiếng xì xào tắt lặng. Trên sân khấu, hai người đàn ông tuổi ngoài bảy mươi trong bộ đồ tuồng đã cũ, diễn lại một trích đoạn trong vở tuồng “Khí tiết Trần Bình Trọng”. Đây là tiết mục “cây nhà lá vườn” do cụ Lê Quang Mai và cụ Nguyễn Thịnh, người trong làng biểu diễn. Những tràng vỗ tay ủng hộ vang lên không ngớt, ngay cả khi nhân vật chính… quên mất một lời thoại. Sức khỏe, tuổi tác, cả những cũ kỹ trên bộ trang phục mà các cụ đang mang không còn quan trọng nữa. Khán giả vẫn ủng hộ nhiệt tình, nhiều cụ ông, cụ bà không giấu được niềm thích thú. Cụ Lê Quang Mai chia sẻ, là người mê hát tuồng, từ nhỏ cụ được cha mình bày dạy các trích đoạn, rồi tham gia biểu diễn. Vài lần được lên huyện trình diễn, nhưng giờ tuổi đã cao, ít khi có dịp hát hò. “Ngày đại đoàn kết, biểu diễn cho bà con xóm làng mình xem, được bà con ủng hộ là sướng nhất rồi. Dễ chi được hát tuồng cho người khác nghe, mà được hát trên sân khấu, có trang phục, có trống tuồng bài bản” - cụ Mai vui vẻ nói.
Chị Ngô Thị Ngọc Điệp - Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Đại Lộc cho hay, năm nào địa phương cũng tổ chức ngày hội đại đoàn kết cho người dân trong thôn. “Dù đời sống bà con còn nhiều khó khăn, việc vận động ủng hộ cũng hạn chế, nhưng trong khả năng có thể, tất cả bà con đều tham gia nhiệt tình để có một ngày hội đại đoàn kết thật vui, thắt chặt tình làng nghĩa xóm. Chúng tôi chủ động xây dựng nội dung chương trình với các trò chơi dân gian, hát tuồng, các bài hát âm hưởng dân ca… do chính người dân trong thôn biểu diễn, được bà con nhiệt tình ủng hộ” - bà Điệp nói.
THÀNH CÔNG