Chỉn chu, quy củ, sâu sắc mà cũng rất đỗi dung dị... đó là những từ dành cho các cuộc hội ngộ đầy sắc thái biểu cảm của các nhà thơ, nhạc sĩ, nghệ sĩ... trong đêm thơ Nguyên tiêu được tổ chức ở nhiều địa phương.
Tác giả Nguyễn Ngọc Hạnh thả hồn trong bài thơ Qua đò nhớ mẹ của anh.Ảnh: CÔNG TÚ |
Thăng hoa và giao thoa
Khách đến từ các vùng miền đã ấm lòng khi thưởng ngoạn đêm thơ với chủ đề Tôi yêu Hội An được tổ chức đằm thắm bên dòng sông Hoài thơ mộng. Mở đầu đêm thơ, trong hơi xuân bịn rịn với lất phất mưa bay, không gian Vườn tượng An Hội ấm áp hẳn lên khi nhịp điệu sâu lắng và rắn rỏi của bài thơ Nguyên tiêu (Hồ Chí Minh) được nghệ sĩ Tâm Tâm (TP.Đà Nẵng) diễn ngâm bằng âm hưởng dạt dào, lan tỏa. Đã thành lệ, đêm thơ Nguyên tiêu được bắt đầu bằng bài thơ của Bác, nhưng bức tranh đẹp đến nao lòng của bài thơ bên không gian sông Hoài trầm mặc đã trở nên huyền ảo hơn, rất thân quen và cũng hết sức mới lạ.
Thơ bao giờ cũng gợi nên không gian mở. Qua giọng đọc luyến láy của nghệ sĩ Ngọc Sang (TP.Hồ Chí Minh), bài thơ Thao thức sông Hoài của nhà thơ Lê Anh Dũng bất chợt bừng sáng cả không gian thơ mộng. Cảm giác như con sông trong bài thơ bỗng hóa thân vào dòng sông thực, quyến rũ lạ thường. Nỗi khắc khoải “Nhớ em mưa biển lên nguồn/ Con chuồn Cửa Đợi cũng tuôn ra Chàm” đã làm xuyến xao bao tâm hồn thơ trẻ.
Trong mưa xuân lướt thướt, cảm giác sợi tơ trời bảng lảng như hiện hữu xung quanh. Đến từ Đắc Lắc, nhà thơ Đinh Thị Như Thúy, qua bài thơ Trong khu vườn cỏ dại đã làm sáng hơn màu xanh của phố. Những câu thơ “Những bông hoa dại/ Thầm lặng nở trên cỏ ướt/ Như những mảnh mặt trời” đã sinh động hơn màu xanh non tơ của cỏ cây và trong khu vườn chân quê ấy. Và ắt hẳn người nghe thấy thấp thoáng đâu đó những cỏ non phơn phớt trên những mái phố thâm u, trầm mặc…
Tối qua 24.2 (rằm tháng giêng), Hội Văn học nghệ thuật tỉnh phối hợp với Sở VH-T&DL tổ chức đêm thơ Nguyên tiêu, chủ đề “Tuổi trẻ và Tổ quốc”, nhân Ngày thơ Việt Nam lần thứ XI. Trước đó, Hội VHNT TP.Tam Kỳ đã tổ chức đêm thơ tại di tích Khổng Miếu. Tại Núi Thành, Câu lạc bộ thơ Biển Rạn và Trung tâm VH-TT huyện phối hợp tổ chức Đêm thơ Nguyên tiêu. Tại đêm thơ, sau khi nghệ sĩ Quang Thái diễn ngâm bài thơ Nguyên tiêu của Bác Hồ, hơn 10 tác giả của Câu lạc bộ thơ Biển Rạn và những người yêu thơ của huyện Núi Thành và TP.Tam Kỳ đã đọc và ngâm các bài thơ tự sáng tác, như Kim Thịnh với bài Đi chợ đầu xuân, Sơn Thi với Người mẹ Chu Lai, Trần Tịnh với Đêm Trắng, Huỳnh Trương Phát với Tráng sĩ,... Các đêm thơ là dịp để những người yêu thơ giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trên lĩnh vực sáng tác thơ ca. |
Thơ với nhạc như đôi cánh của giấc mơ. Từ bài thơ Về nhặt bóng mình của nhà thơ H.Man, nhạc sĩ Thu Thủy (TP.Đà Nẵng) đã phổ thành nhạc phẩm Với bóng. Trong đêm thơ, những giai từ “Có thương quả chín trên cành/ Thì thương quả thị bà dành hôm mai/ Long đong trầy trật tình ai/ Chỉ xin yêu một chiếc hài vừa chân” qua sự chuyển hóa và biểu diễn của chính mình, nghệ sĩ Thu Thủy đã đưa người nghe vượt qua nhiều hành trình tưởng tượng với những cung bậc tình cảm khác nhau, lúc miên man sâu thắm, lúc dạt dào phiêu lãng... Cùng với những giai điệu mượt mà của các bài hát Với bóng (thơ H. Man, nhạc Thu Thủy), hay Bồng bềnh nguồn xưa (thơ Lê Anh Dũng, nhạc Thu Thủy), những người yêu nghệ thuật cũng đã được thả lòng mình để du ngoạn và trải nghiệm với cảnh hoang sơ, hùng vĩ và đầy lãng mạn của núi rừng Tây Nguyên qua giai điệu lúc dập dềnh, lúc dìu dặt, réo rắt của nhạc phẩm Đăkglei mùa xuân về do nghệ sĩ Mạnh Hùng sáng tác và biểu diễn.
Không chỉ là sự thăng hoa của thơ và nhạc, đêm thơ Nguyên tiêu Tôi yêu Hội An còn được lấp lánh bởi các nét cọ tài hoa của nghệ sĩ Hồ Đình (TP.Đà Nẵng) qua bản thư pháp viết tặng cho người dân Hội An. Ông Lê Văn Giảng - Chủ tịch UBND TP.Hội An đã bồi hồi xúc động khi được nhận tấm lòng chân tình của người nghệ sĩ yêu Hội An này. “Trải qua bao biến thiên của lịch sử, Hội An vẫn gìn giữ được những nét duyên dáng, vẻ đẹp của mình. Chiều sâu văn hóa của thành phố di sản vẫn luôn ẩn hiện trong mỗi nếp nhà, trong vẻ thâm trầm, cổ kính, trong mỗi biểu hiện thường nhật. Hội An luôn rộng mở vòng tay yêu thương bè bạn. Đêm thơ Nguyên tiêu đã trở thành cầu nối sâu đậm tình cảm giữa Hội An và bạn bè gần xa trong nước cũng như khắp nơi trên thế giới” - ông Lê Văn Giảng nói.
Vùng đất yêu thơ
Bất chấp mưa lạnh, nhiều văn nghệ sĩ và những người yêu thơ đã đến tham dự đêm thơ do huyện Đại Lộc tổ chức với chủ đề Quê hương, tình yêu và khát vọng. Chương trình thu hút đông đảo các nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ là người con của quê hương Đại Lộc đang sinh sống, công tác khắp nơi và sự góp mặt của các câu lạc bộ thơ Vu Gia (xã Đại Lãnh), Trăng Non (xã Đại Hồng), Đại Đồng (xã Đại Đồng). Sau khi nghệ sĩ Kim Tuyến diễn ngâm bài thơ Nguyên tiêu (Hồ Chí Minh), những người tham dự chương trình đã dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ nhà thơ Phụng Lam - một người con của quê hương Đại Lộc vừa về với cõi vĩnh hằng.
Bằng ngôn ngữ thi ca, các văn nghệ sĩ và những người yêu thơ đã bộc bạch những cảm xúc chân tình về mảnh đất và con người Đại Lộc, với tình yêu sâu lắng, khát vọng về sự phát triển của quê hương. Đối với họ, đây còn là dịp khởi động cho một mùa thơ mới, để thơ được giao cảm với mỗi tâm hồn. Ông Nguyễn A - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Đại Lộc chia sẻ rằng, Đại Lộc là vùng đất văn hóa, sơn thủy hữu tình. Người dân nơi đây bằng tâm hồn nhạy cảm, trí tưởng tượng phong phú đã làm nên không ít tác phẩm văn chương có giá trị. Người yêu văn học nhớ mãi những nhà văn, nhà thơ như Bang Nhãn, Tú Quỳ, Nam Trân, Nguyễn Văn Bổng, Nguyễn Nho Túy, Trinh Đường, Võ Quảng, Ngọc Anh,… Số tác giả gần đây được nhiều người nhắc đến có Tần Hoài Dạ Vũ, Vu Gia, Vũ Giang, Hoàng Thanh Thụy, Phụng Lam, Bùi Xuân, Nguyễn Nhã Tiên,…Trong giới trẻ nổi lên có Huỳnh Minh Tâm, Nguyễn Giúp, Nguyễn Hải Triều, Ngô Hà Phương… Người ta nói vui rằng “Đại Lộc núi phủ mây mờ/ Kinh doanh thì ít, làm thơ thì nhiều”. Trong câu nói vui đó có sự xác nhận người Đại Lộc là con người yêu thơ ca. Thơ ca làm thi vị đời sống, là dưỡng chất không thể thiếu trong đời sống tinh thần.
Quang Việt - Công Tú