Liên hoan Văn hóa - Thể thao và phục dựng lễ hội truyền thống người Cơ Tu năm 2017 do UBND huyện Hòa Vang (TP.Đà Nẵng) vừa tổ chức là nơi gắn kết, góp phần gìn giữ văn hóa thiết thực.
1. Dịp này, có hơn 30 người từ thôn Bhơ Hôồng 1, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang tham dự. Đây là sự kiện hai năm tổ chức một lần, nên các đoàn gặp nhau như hội ngộ người quen cũ. Họ tay bắt mặt mừng, cười nói thân tình tiếng Cơ Tu xen lẫn tiếng Kinh. Trong lúc chờ khai mạc, lãnh đạo hai huyện Hòa Vang và Đông Giang cùng nhau chụp mấy kiểu ảnh lưu niệm trước lều trại của thôn Bhơ Hôồng 1. Một lát sau chúng tôi mới nhận ra bà Ating Tươi - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang. Năm ngoái, khi huyện Hòa Vang đưa một số bà con Cơ Tu 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí (xã Hòa Bắc, Hòa Vang) lên Đông Giang học tập cách làm du lịch, làm nghề truyền thống, chị tiếp đoàn trong trang phục người Kinh. Giờ khoác lên mình trang phục thổ cẩm truyền thống, chị trông lạ hẳn ra bởi vẻ dịu dàng, đằm thắm toát lên từ cách ăn mặc.
Người Cơ Tu thôn Bhơ Hôồng 1 vẫn giữ nguyên bản sắc văn hóa dân tộc mình. |
Mọi người đổ về gian lều Bhơ Hôồng 1 chụp ảnh, bởi lẽ ngoài các phù điêu, hoa văn, họa tiết bài trí rất đẹp trên cổng còn có những con người Cơ Tu dường như vẫn còn nguyện vẹn nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Trong đó, nổi bật lên một người đàn ông trạc ngũ tuần, mái tóc xoăn cùng với bộ râu nhuốm màu nắng gió miền sơn cước. Ông đội cái pơrnơng (mũ) bằng thổ cẩm, chung quanh giắt lông các loài chim rừng. Vòng đeo cổ xâu bằng những hạt cườm xen kẽ với các hạt mã não, thỉnh thoảng điểm xuyết mấy cái nanh heo rừng. Tay phải cầm chiếc quạt làm bằng cánh chim cắt (diều hâu), tay trái cầm parngong (tù và) làm bằng sừng trâu, bên hông giắt một trái bầu khô lên nước đen nhánh.
Cùng với ẩm thực là những nét độc đáo làm nên sắc màu ngày hội của đồng bào Cơ Tu ở Quảng Nam và Đà Nẵng.Ảnh: V.T.L |
Nhiều người tranh thủ dừng lại bên ông để chụp tấm hình kỷ niệm. Rồi ông giới thiệu tên là Alăng Đợi, hai bức phù điêu trên cổng lều là chính tay ông đẽo gọt từ cây rừng. Ông đưa cái parngong lên, nghiêng phần đã lên nước bóng nhẫy về phía tôi: “Để nó trơn láng như thế này thì phải thổi ít nhất bốn mùa rẫy”. Một lát, sau lời giới thiệu trên loa phóng thanh, Alăng Đợi dẫn đầu nhóm múa tâng tung da dá của đơn vị mình. Tiếng cồng, tiếng chiêng vang dậy một góc trời, giữ nhịp cho đàn ông chắc điệu tâng tung, cho phụ nữ dịu dàng da dá, nhún nhảy mấy vòng quanh cây nêu dựng trước sân. Trong bữa cơm thân mật trưa đó, khi nghe tôi hỏi về điệu múa đặc trưng của dân tộc Cơ Tu, bà Ating Tươi nói rõ thêm: “Tâng tung da dá xuất phát từ đời sống Cơ Tu, được thể hiện qua điệu múa, bởi bà con quan niệm rằng trong cuộc sống của mình có sự giao hòa giữa con người và thiên nhiên. Múa để thể hiện sự tạ ơn đất trời đã tạo dựng cho con người cuộc sống dung dị, chân chất, hòa hợp với thiên nhiên”.
Lần đầu tiên tham gia liên hoan, bà con Cơ Tu Bhơ Hôồng 1 đã làm cho cộng đồng người Cơ Tu ở Đà Nẵng phải nhìn lại chính mình. Một nam thanh niên Bhơ Hôồng 1 đóng khố, cầm điện thoại di động quay phim. Bước tới hiện đại nhưng vẫn giữ gìn truyền thống, đó là thông điệp của Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Bùi Nam Dũng, Trưởng ban tổ chức Liên hoan nhắn gửi tại lễ khai mạc: “Bà con phải luôn nêu cao ý thức tự tôn về dân tộc mình; quan tâm giữ gìn tiếng nói, trang phục truyền thống, nhà ở và các tập tục tốt đẹp”. Trước khi chia tay, bà con Cơ Tu làm lễ kết nghĩa giữa các bản làng, hứa cùng nhau giữ nét đẹp văn hóa dân tộc mình. Alăng Đợi vẫy tay chào, hẹn gặp lại ở Ngày hội trình diễn nghi thức dựng cây nêu, giao lưu văn hóa và du lịch các dân tộc thiểu số Việt Nam trong chương trình Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI - 2017 do huyện Tây Giang đăng cai tổ chức từ ngày 11 đến 13.6 sắp tới... |
2. Trở lại với phần diễn văn nghệ của đơn vị Bhơ Hôồng 1, sau điệu múa tâng tung da dá là phần hát lý bằng tiếng Cơ Tu của chàng trai Briu Bút và cô gái Alăng Thị Mai. Được biết, Briu Bút gọi già Briu Prăm bằng bác ruột. Già Briu Prăm trước là cán bộ Ban Miền núi tỉnh Quảng Đà, rồi Bí thư Huyện ủy Hiên thời chưa tách tỉnh. Năm 1996, ông nghỉ hưu, trở về Bhơ Hôồng sinh sống và đứng ra thành lập tổ đan lát, khôi phục nghề cổ truyền của đồng bào mình. Trên đường xuôi ngược ĐT 604, nay là quốc lộ 14G, tôi mấy lần ghé thăm ông, nhưng lần ông về với Giàng thì tôi không lên được. Giờ gặp người thân của ông, lòng dấy lên thương cảm, nhất là khi nghe Briu Bút “phiên dịch” bài hát lý nói trên: “Khi đã yêu nhau là phải biết chăm sóc nhau, không quên ơn bố mẹ đã nuôi dưỡng mình nên người, không quên anh em hàng xóm, bạn bè xa gần đã cùng mình gắn bó bao kỷ niệm thân thương”.
Nghe họ hát, tôi nhớ đến Liên hoan Văn hóa - thể thao người Cơ Tu tổ chức lần đầu năm 2003 ở thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc. Trong đêm hội ngày đó, khán giả người Kinh đã được nghe các phụ nữ Cơ Tu hát lý ru con, hát giao duyên bằng chính tiếng mẹ đẻ của họ. Ca từ những bài lý này rất đẹp: “Kìa cô gái xinh xinh ơi/ Em ngồi bên suối, anh ngắm nhìn mãi mà lòng không chán/ Đôi chân em đẹp lắm/ Em như lá dong rừng/ Bắp chân em như đẹp như quả chuối vàng/ Hỡi người thương ơi/ Bàn tay em đẹp lắm, đẹp tựa búp măng rừng, làm lòng anh say đắm...”. Nói lý, hát lý là một trong những hoạt động văn hóa trong đời sống tinh thần của đồng bào Cơ Tu như một cách chuyện trò thú vị trong các buổi sinh hoạt cộng đồng ở gươl. Nam nữ tỏ tình với nhau - hát lý. Giải quyết mâu thuẫn nội bộ trong cộng đồng bằng cách giảng hòa rất văn hóa - hát lý... Thật xứng đáng, nghệ thuật nói lý, hát lý của đồng bào Cơ Tu ở các huyện miền núi Quảng Nam đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di sản phi vật thể quốc gia năm 2015.
Ẩm thực cũng là yếu tố quan trọng trong lễ hội của người Cơ Tu. Ba món được nhiều đơn vị chế biến là cá niêng nướng, ốc đá um và bánh sừng trâu. Giàn Bí có thêm sắn, bắp, khoai lang luộc, cơm lam. Tà Lang có món kiến ngựa vàng trộn với chuối cây, có vị chua chua ngọt ngọt; lạ nhất là xôi có màu như gạo lức, ông Đinh Hồng Khanh - nguyên Bí thư Chi bộ Tà Lang bảo đây là loại nếp vàng mua trên Đông Giang. Phú Túc có thêm lá sắn xào, thịt heo nấu ống tre, rau dớn xào tỏi, bày quanh bàn tròn, ở giữa nghễu nghện một ché rượu cần - sản phẩm vừa được ông Lê Văn Nghĩa, nguyên Trưởng thôn Phú Túc, tái sản xuất. Ẩm thực của Bhơ Hôồng 1 như một “bộ sưu tập” các món nấu trong ống tre: củ môn trộn lòng gà (người Cơ Tu gọi là già rúa), heo rừng, ếch ướp tiêu rừng, tỏi, muối. Giữa bàn là một mâm bằng mây, bánh sừng trâu xếp quanh, cơm lam ở giữa, toàn cảnh như một tác phẩm nghệ thuật.
VĂN THÀNH LÊ