Sắc màu trung thu ở Trung Quốc

HOÀNG THÂN 29/09/2023 13:15

(VHQN) - Là quốc gia theo nông lịch, Trung Quốc có nhiều lễ tiết, lễ hội gắn với mùa vụ, tiết khí. Về sau, một số lễ tiết, lễ hội này được phủ lên một lớp “áo mới” gắn với một nhân vật lịch sử cụ thể, như Tết Hàn thực nhắc đến Giới Tử Thôi, Tết Đoan ngọ gợi nhớ Khuất Nguyên, Tết Trung thu với niềm thương tiếc Dương Quý Phi… Tết Trung thu đứng vị trí thứ hai, sau Tết Nguyên đán, có một ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân nước này.

Đêm thu Lệ Giang. Ảnh: THU LAN
Đêm thu Lệ Giang. Ảnh: THU LAN

Trung thu xưa đọng lại trong thơ

Trung thu là Tết Đoàn viên của người Trung Quốc, rất được coi trọng từ ngàn năm trước, là dịp để gửi gắm nỗi nhớ quê hương, hoài niệm người thân. Tết Trung thu cũng là dịp để mong cầu mùa màng bội thu.

Theo đó, Tết Trung thu lặng lẽ đi vào thơ ca một cách tự nhiên và chiếm số lượng rất lớn. Riêng mặt từ ngữ, một thực thể “trăng” đã được sử dụng với rất nhiều từ: kim luân (bánh xe vàng), ngọc câu (lưỡi câu ngọc), thiềm cung (cung cóc), ngọc thố (thỏ ngọc), thuyền quyên, Hằng/Thường Nga (“thường” là từ nguyên của “tháng”)…

Đó là chưa kể những từ ngữ thể hiện hình ảnh so sánh mặt trăng, như câu thơ của Lý Bạch “Tiểu thời bất thức nguyệt, hô tác bạch ngọc bàn (Lúc nhỏ không biết trăng, gọi là mâm ngọc trắng”.

Hầu hết thơ Trung Quốc viết về trung thu là bày tỏ nỗi niềm xa nhớ người thân. Bài “Trung thu” của Tô Đông Pha viết theo thể từ Thủy điệu ca đầu, được truyền tụng là một tuyệt xướng. Đỗ Phủ tưởng tượng người vợ ở quê nhà Phu Châu một mình ngắm trăng thu nhớ đến chồng ở kinh đô Trường An (Nguyệt dạ).

Trung thu trong thơ Lý Bạch là hình ảnh chinh phụ đêm thu hoài nhớ chinh phu đang ở biên thùy (Thu ca) - giống với “Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường” của Nguyễn Du.

Bạch Cư Dị ngắm trăng thu mà nhớ về quê hương, chạnh lòng không biết bao giờ được đoàn viên (Bát nguyệt thập ngũ nhật dạ Bồn Đình vọng nguyệt). Một danh tướng thời Đường Trương Cửu Linh cũng tức cảnh sinh tình viết nên “Vọng nguyệt hoài viễn” khi bị biếm trích ở Kinh Châu.

Cuối cùng, cái cảm thức sau khi được đoàn viên trong chốc lát này lại phải chia tay, và rồi nghĩ ngợi năm sau có được cùng ngắm ánh trăng (Trung thu nguyệt - Tô Đông Pha) cũng bàng bạc trong thơ ca Trung Quốc.

Nhiều phong tục thú vị

Tết Trung thu còn gọi nguyệt tịch (đêm trăng), thu tiết (tết thu), trọng thu tiết (tết giữa thu), bát nguyệt tiết (tết tháng 8), bát nguyệt hội (hội tháng 8), truy nguyệt tiết (tết theo trăng), ngoạn nguyệt tiết (tết chơi trăng), bái nguyệt tiết (tết lạy trăng), nữ nhi tiết (tết nữ nhi), đoàn viên tiết (tết đoàn viên). Rằm tháng Tám là thời điểm giữa mùa thu, tức trung thu, cho nên ấn định Tết Trung thu là ngày rằm tháng Tám.

Cô Trương, giảng viên đã hưu trí (nguyên Bí thư Chi bộ Trung tâm Hán ngữ Đại học Hồ Nam) giảng giải, truyền thuyết cho rằng trên cung trăng có thần mặt trăng, vì vậy sẽ có cầu cúng mặt trăng.

Vào mùa thu, nắng vàng mát mẻ, mặt trăng càng to và tròn, nhất là vào đêm rằm tháng Tám âm lịch. Đêm trăng tròn, mọi người tụ tập cùng thưởng nguyệt. Trăng tròn là biểu tượng của sự đoàn viên, vì vậy những người đi xa cũng sẽ nhìn lên mặt trăng và nhớ đến những người thân yêu.

Mùa thu cũng là mùa thu hoạch. Chữ “秋 thu” gồm bộ  “火 hỏa” - lửa mặt trời làm cho lúa - bộ “禾 hòa” - chín. Dưới trăng sáng, gia đình vây quanh bên mâm dưa trái, bánh trung thu cùng các loại thực phẩm khác để vừa thưởng lãm ánh trăng vừa nhấm nháp món ngon.

Thời điểm hình thành “Lễ hội trung thu” không sớm, khoảng thời Đường Tống, chọn ngày rằm tháng Tám âm lịch. Lễ hội trung thu ở Trung Quốc có nhiều phong tục: cúng trăng, thưởng nguyệt, lạy trăng, thắp đèn, giải câu đố, ăn bánh trung thu, thưởng quế hoa, uống rượu quế hoa, chơi hoa đăng, shaota.

Phong tục Tết Trung thu của người Hán phần lớn mang tính gia đình, còn người Mông ở Trung Quốc mang tính cộng đồng tộc người và có nhiều điều đặc sắc khác lạ.

Nữ sinh Dương Thắng Anh (người Mông, Trường Đại học Dân tộc Quý Châu) chia sẻ, tối trung thu, sau khi cả nhà đoàn tụ, nam nữ đều phải đến bãi đất trống trong rừng, vừa múa vừa hát, tổ chức hoạt động “Nhảy trăng”, “Cúng trăng”.

Việc cúng thần Mặt trăng phải được chuẩn bị chu đáo gồm các vật lễ: vài con gà ngũ sắc, bánh trung thu, trà, nến và rượu. Ngoài ra, còn có một phong tục hết sức kỳ lạ: tục trộm dưa. Tục ngữ người Mông “Mười lăm tháng Tám trộm dưa già”. Dưa trộm Tết Trung thu phần lớn là bí đỏ hoặc bí đao, với ngụ ý có con cháu đầy nhà, nhân khẩu thịnh vượng.

*
*             *

“Tết Trung thu ở Trung Quốc là tết đoàn viên, gia đình đoàn tụ, thuộc quy mô gia đình. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn tranh thủ dịp này để quảng bá văn hóa Trung Hoa đến bạn bè thế giới. Hầu hết trường đại học đều tổ chức hoạt động phát bánh trung thu cho giáo viên và sinh viên nước ngoài” - cô Nguyễn Quỳnh Hoa (hơn 10 năm học tập tại nước này) chia sẻ.

Cô Lưu (đại diện lãnh đạo quản lý lưu học sinh Trường Đại học Dân tộc Quý Châu) cho biết, nhà trường tổ chức hoạt động tiệc trà tọa đàm Tết Trung thu các nước ASEAN. Thậm chí trong thời điểm phong tỏa dịch COVID-19, nhà trường đã tổ chức tọa đàm online.

“Trong tình cảnh đặc biệt này, chính quyền sở tại cũng đã mang bánh trung thu đến phát tận nhà cho người nước ngoài” - cô Narisara (quốc tịch Thái Lan, giảng viên thỉnh giảng tại Trung Quốc) kể lại.

Lời kể của cô Narisara gợi nhớ câu thơ của Tô Đông Pha: thiên lý cộng thuyền quyên!

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sắc màu trung thu ở Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO