Sắc màu văn hóa vùng cao

ALĂNG NGƯỚC 10/04/2015 08:35

Lần đầu tiên, “Ngày hội ẩm thực và sản phẩm” huyện Nam Giang được tổ chức với sắc màu văn hóa truyền thống của các dân tộc Cơ Tu, Ve, Tà Riềng, tạo nên không gian độc đáo, phục vụ du khách.

Không nằm ngoài mục đích quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề, ẩm thực truyền thống của đồng bào các dân tộc Cơ Tu, Ve, Tà Riềng, “Ngày hội ẩm thực và sản phẩm” do UBND huyện Nam Giang phối hợp với dự án Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu vừa tổ chức đã thực sự để lại nhiều ấn tượng với du khách. Gần 10 gian hàng với hơn 40 loại sản phẩm được trưng bày, từ hàng nông sản, ẩm thực truyền thống, cho đến các mặt hàng dệt may, đan lát,... Ngày hội là không gian hội tụ những sắc màu văn hóa vừa độc đáo, vừa mới lạ của đồng bào vùng cao Nam Giang.

Du khách thích thú với ẩm thực truyền thống của đồng bào vùng cao tại ngày hội.
Du khách thích thú với ẩm thực truyền thống của đồng bào vùng cao tại ngày hội.

Hội tụ bản sắc

Theo bà Phạm Thị Như - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, cùng với không gian văn hóa đa màu sắc, ngày hội còn là dịp đồng bào cùng nhau trổ tài chế biến các món ẩm thực truyền thống của dân tộc mình để mọi người cùng thưởng thức. “Đến với ngày hội, du khách không chỉ được tham quan các không gian văn hóa, vui chơi sinh hoạt cùng đồng bào bản địa, mà còn được thưởng thức những món ăn truyền thống mang đậm nét đặc trưng của đồng bào Cơ Tu, Ve, Tà Riềng. Đây cũng là dịp để đồng bào được sống thực với văn hóa của dân tộc mình, để tự hào với bản sắc và chung tay gìn giữ trước nguy cơ mai một” - bà Như nói.

Bên gian hàng của đơn vị mình, ông Doãn Noonh (dân tộc Cơ Tu, ở thôn Pà Rồng, xã Ta Bhing) cùng vài người đàn ông khác trong làng trình diễn công đoạn cuối của việc đan gùi. Đan đến chi tiết nào, ông Noonh đều giới thiệu, diễn giải cho du khách. “Để đan xong một chiếc gùi như thế này phải mất hơn hai tuần, nên đến với ngày hội chúng tôi chỉ trình diễn công đoạn cuối thôi. Kỳ công lắm, nhưng đàn ông Cơ Tu ai cũng tự hào về nghề đan gùi truyền thống mà ông cha đã để lại” - ông Noonh chia sẻ. Ở các gian hàng kế bên, nhiều phụ nữ ở các làng nghề dệt Cơ Tu cũng tranh thủ giới thiệu sản phẩm và trình diễn các công đoạn dệt thổ cẩm truyền thống. Ở khu ẩm thực, anh Brôl Chinh (dân tộc Ve, thôn 58, xã Đắc Pre) cho biết, trước khi đến với ngày hội, người làng cùng nhau vào rừng hái  hột tiêu, xuống suối bắt cá, hái rau,... để chế biến các món ăn truyền thống. Ai cũng muốn đóng góp công sức của mình cho ngày hội, cùng thể hiện tài năng với các đơn vị bạn; giới thiệu, quảng bá nét văn hóa độc đáo của đồng bào mình đến với du khách.

Đa dạng sản phẩm truyền thống vùng cao Nam Giang. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Đa dạng sản phẩm truyền thống vùng cao Nam Giang. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Không khí ngày hội trở nên sôi động cùng âm vang cồng chiêng và các vũ điệu văn hóa truyền thống được đồng bào bản địa trình diễn, chào đón du khách. Dưới cái nắng dù có phần gay gắt, bước chân của du khách vẫn bị níu lại bởi những điệu múa tâng tung da dá đầy nhịp nhàng, quyến rũ; cùng các làn điệu dân ca Cơ Tu mượt mà, sâu lắng; thưởng thức các món ẩm thực truyền thống thơm ngon, khác lạ của đồng bào vùng cao Nam Giang.

Mở hướng phát triển

Cùng với sự kết nối tour du lịch “Hương sắc Cơ Tu” và cung đường Hồ Chí Minh huyền thoại, “Ngày hội ẩm thực và sản phẩm” huyện Nam Giang được kỳ vọng sẽ kích cầu và mở ra cơ hội cho mô hình du lịch cộng đồng trên địa bàn phát triển thêm bước tiến mới. Cũng theo bà Phạm Thị Như, địa phương có được lợi thế trong công tác xây dựng và mở rộng, phát triển du lịch cộng đồng trong đồng bào dân tộc thiểu số nhằm từng bước nâng cao thu nhập, tạo điều kiện cải thiện đời sống cho người dân. Lợi thế đó, theo bà Như chính là dựa vào văn hóa cộng đồng, ẩm thực truyền thống và môi trường sinh thái vốn có từ lâu đời của đồng bào vùng cao bản địa. “Thông qua ngày hội, chúng tôi mong muốn các sản phẩm truyền thống của đồng bào vùng cao Nam Giang được nhiều du khách biết đến. Từ đó kết nối phát triển du lịch, tạo cơ hội trao đổi hàng hóa, giúp nâng cao thu nhập cho đồng bào” - bà Như nói.

Là du khách đến từ Nhật, chị Haruna Ondera hầu như dừng chân ghé thăm tất cả gian hàng trưng bày sản phẩm truyền thống của đồng bào. Đến với gian hàng nào chị cũng đầy vẻ thích thú khi được đồng bào mời thưởng thức các món ẩm thực và giới thiệu sản phẩm truyền thống đặc trưng. Người phiên dịch cho chúng tôi biết, chị Haruna Ondera đã trầm trồ khen ngợi các món ăn của đồng bào rất thơm ngon và độc đáo, nhất là các món thịt xông khói, bánh sừng trâu, z’ră... “Các món ăn ở đây rất lạ và hấp dẫn, thu hút tôi cũng như các thành viên trong đoàn khi lần đầu thưởng thức. Các bạn có nhiều nét văn hóa độc đáo, mang màu sắc riêng biệt. Rất ấn tượng! Sau này có dịp, nhất định tôi sẽ lại tìm đến vùng đất này” - chị Haruna Ondera chia sẻ.

Dù không còn lạ lẫm với văn hóa và ẩm thực của đồng bào vùng cao, nhưng bà Nguyễn Thị Mỹ Ánh - giảng viên Khoa Du lịch Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng cho biết, vẫn rất thích thú mỗi khi có dịp được chứng kiến và cùng hòa mình trong sắc màu văn hóa độc đáo của người miền núi. Những ý tưởng và nỗ lực của chính quyền địa phương trong thời gian qua đã phần nào thu hút được du khách tìm đến cùng trải nghiệm với du lịch cộng đồng. Qua đó mở hướng phát triển du lịch gắn với nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trong vùng. Để du lịch cộng đồng được phát triển xứng tầm với văn hóa bản địa, bà Mỹ Ánh cho rằng cần liên kết xây dựng thêm nhiều tour du lịch, hình thành các điểm dừng chân, tạo cơ hội để du khách tìm đến thư giãn và tìm hiểu bản sắc văn hóa của đồng bào bản địa.

ALĂNG NGƯỚC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sắc màu văn hóa vùng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO