Sắc mới trên đất nghèo

NHÃ PHƯƠNG 26/02/2016 09:56

Thời gian qua, dù phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức nhưng với truyền thống đoàn kết, chính quyền và nhân dân xã Bình Sơn (huyện Hiệp Đức) đã phát huy tối đa nội lực, tạo bước chuyển biến rõ nét trên mọi lĩnh vực...

Bước ra từ hai cuộc kháng chiến, cái đói, cái nghèo cứ đeo đuổi người dân Bình Sơn suốt nhiều năm trời. Sản xuất nông nghiệp trì trệ, liên tiếp bị mất mùa nên sản lượng lương thực chưa đạt 200kg/người/năm, mà chủ yếu lại là sắn. Nhưng với truyền thống của vùng đất cách mạng, chính quyền và nhân dân nơi đây cùng nhau khai hoang hàng nghìn héc ta đồi núi để làm nương rẫy, lấp hàng loạt hố bom làm ruộng, đắp nhanh những con đập đưa nước về đồng để rồi làm nên những mùa vàng bội thu. Theo lãnh đạo xã, hiện mỗi vụ nông dân trên địa bàn 5 thôn canh tác 112ha lúa, trong đó hơn 60% diện tích chủ động nước tưới. Năm 2015, năng suất lúa bình quân toàn xã đạt gần 50 tạ/ha, tăng 6 tạ/ha so với năm 2010 và tăng 30 tạ/ha so với thời điểm mới thành lập xã. Nếu năm 1986, tổng sản lượng lương thực của Bình Sơn chỉ đạt 245 tấn thì bây giờ đã tăng lên 856 tấn. Bên cạnh việc tập trung nâng cao sản lượng lúa, người dân nơi đây còn tích cực cải tạo đất đồi và nà thổ để trồng 100ha sắn, mỗi mùa 1ha đất chuyên canh loại cây này mang lại cho nhà nông mức lãi ròng 23 triệu đồng.

Cây keo lá tràm giúp người dân địa phương nhanh chóng thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Ảnh: NHÃ PHƯƠNG
Cây keo lá tràm giúp người dân địa phương nhanh chóng thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Ảnh: NHÃ PHƯƠNG
Hiện nay, cơ cấu kinh tế của Bình Sơn là nông - lâm nghiệp chiếm 75,5%, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chiếm 8,7%, thương mại - dịch vụ chiếm 15,8%. Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người trên toàn xã đạt gần 22 triệu đồng, tăng 50% so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 39,05%, giảm 37,63% so với cách đây 5 năm.

Đặc biệt, những năm qua keo nguyên liệu được nhiều nông dân Bình Sơn chọn làm cây trồng chủ lực trên hành trình phát triển kinh tế. Tạm dừng việc phát dọn vườn keo trong chốc lát, ông Võ Khánh Linh – người dân ở thôn 1 cho hay, gia đình ông có tổng cộng 14ha keo lá tràm. Mỗi năm ông khai thác 3ha và sau khi trừ các khoản chi phí, thu được không dưới 150 triệu đồng. Ông Linh hồ hởi: “Ngày trước tôi chuyên trồng chuối trên 14ha đất này. Nhưng rồi nhận thấy cây keo phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở đây, hơn nữa giá bán cao và ổn định nên tôi quyết định chuyển toàn bộ diện tích sang trồng keo. Nhờ vậy, đời sống gia đình ngày càng khấm khá”.

Đâu chỉ mình ông Linh, 8 năm trở lại đây hàng trăm hộ dân khác ở Bình Sơn cũng đổi đời nhờ chuyên canh cây keo lai. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Điền – Phó ban Nông nghiệp xã cho biết, địa phương hiện có hơn 780ha rừng keo lá tràm, rải khắp 5 thôn với khoảng 65% trong tổng số 909 hộ dân tham gia trồng. Mỗi năm, người dân khai thác hơn 150ha, mang lại lợi nhuận gần 6,5 tỷ đồng. Ông Điền nói: “Cuối năm 2007 đến nay, người dân Bình Sơn tập trung đầu tư phát triển mạnh mô hình trồng keo lá tràm. Nhờ thiên nhiên ưu đãi về địa hình, đất đai, khí hậu nên hiệu quả kinh tế từ mô hình này mang lại khá cao, gấp 5 - 7 lần so với trồng lúa và một số loại cây trồng cạn chủ lực khác. Đây được xem là lối mở giúp nông dân địa phương thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu một cách nhanh chóng”.

NHÃ PHƯƠNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sắc mới trên đất nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO