Sạch

C.B.L 15/05/2018 08:56

Mấy ngày trước, bạn là độc giả của báo gửi tấm hình: một dãy bảng hiệu “nhà nghỉ sạch”. Tôi cười sặc sụa; xong chua chát nghĩ bên ngoài chữ nghĩa. Lâu nay, chữ “nhà nghỉ” mặc nhiên tồn tại trong suy nghĩ người đời về sự tạm bợ, thậm chí là về sự không lành mạnh, bởi người ta dễ hình dung ngay đến những dãy hành lang nhờ nhờ ánh sáng, bịt bùng, u tối. Hẳn nhiên, thực tế có khi không phải vậy.

Chữ “sạch” đó -  chừng vài năm trở lại đây thấy thiên hạ dùng nhiều, tới mức lạm dụng. Nước mía siêu sạch. Rau sạch. Cà phê sạch. Trái cây sạch. Thịt sạch… Thì thiếu cái gì mơ cái đó thôi. Thời buổi mà ăn cái gì cũng sợ bẩn. Sợ thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật. Sợ tẩm hóa chất. Thức ăn không phải dinh dưỡng mà là độc hại với người.

Ra chợ, các bà các mẹ thường nghe quảng cáo rau nhà trồng, trái nhà trồng, cá nhà nuôi, đồ nhà làm… Khách thì mua bằng niềm tin. Và mua sự yên tâm, chứ thực chất đâu có kiểm tra được. Cơ quan chức trách thì khuyên mỗi người là phải người tiêu dùng thông thái. Thông thái về giá cả. Thông thái về chất lượng. Nhưng, ai cho khách hàng sự thông thái? Sản phẩm sẽ được dán các loại tem như tem chống hàng giả, tem cân, tem phí kiểm dịch, tem nguồn gốc sản phẩm… khách hàng thông thái thì truy xuất nguồn gốc dựa vào các tem này. Không rành công nghệ, không biết mã vạch, không dùng smartphone và đi chợ truyền thống thì… chịu.

Vài người bạn tôi ở Australia nói ở đó, người dân rất lạ với chuyện thực phẩm không an toàn. Chỉ cần mang thực phẩm qua đó làm quà thôi, cũng phải chịu quy trình kiểm tra rất nghiêm ngặt. Nghe mà triền miên nỗi lo âu và đau khi ở quê nhà đa số không lạ với chuyện báo đăng tin cà phê trộn pin, tiêu trộn hạt đu đủ hay chả hàn the, phở ướp formol…

Hôm nay, 15.5, kết thúc tháng Hành động vì an toàn thực phẩm năm 2018. Những đoàn kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm chắc chắn không kiểm tra được hết mọi ngóc ngách của chuỗi thực phẩm từ nơi sản xuất đến người tiêu dùng. Mỗi khi có vụ thực phẩm bẩn bị khui ra, thì lý do đầu tiên được nêu tên là không đủ người, không đủ công cụ, cơ chế quản lý chồng chéo.

Nhưng dù kiểm tra thường xuyên hay đột xuất, liệu họ có kiểm tra hết được không khi người sản xuất trồng “rau 2 luống”: luống ăn – luống bán; ăn thì không phun thuốc trừ sâu và ngược lại. Chuyện kể rằng, có ba nhà hàng xóm, nhà trồng rau, nhà trồng lúa, nhà nuôi tôm. Và họ sản xuất theo “quy trình 2 luống” như trên. Rồi mang ra chợ bán. Người sản xuất thì tin mình ăn đồ sạch. Người tiêu dùng thì tin mình không mua phải đồ bẩn. Chẳng ai nghĩ rằng, mình đang làm điều ác…

Niềm tin “ăn đồ sạch” cứ mơ hồ diễn ra như vậy. Cuối cùng, bước ra đường thì niềm tin thực phẩm an toàn, lại không đầy lên theo mỗi ngày mà cứ bị bào mòn dần. Mua cái gì, cũng buông câu đầy nghi ngại “sạch không?”.

C.B.L

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO