Sách cũ còn thương

PHAN HUY THÙY 25/04/2022 11:07

(QNO) - Thế hệ chúng tôi sinh ra khi đất nước vừa được hòa bình, thống nhất. Cuộc sống lúc này còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng rất đỗi yên bình. Được sống trong tình yêu thương của gia đình, tự do vui chơi, tung tăng cắp sách đến trường là niềm may mắn và hạnh phúc nhất. 

Thời gian thấm thoát trôi qua, mấy chục năm trời như thoi đưa chớp mắt. Nhân Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam mà lòng bồi hồi thương nhớ sách cũ ngày xưa.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Năm 1983 tôi vào tiểu học và gắn bó với trường làng. Ngôi trường đơn sơ bé nhỏ, chỉ có mấy phòng học với bàn ghế cũ kĩ, tường ngói rêu phong, nền lát gạch thẻ chưa tráng xi măng, sân trường bụi bẫy mỗi khi mưa nắng. Nhưng trong tâm trí tôi, đây là khoảng trời đẹp đẽ nhất, bởi ở đó có những nét chữ đầu tiên được cô giáo uốn nắn cho ngay hàng thẳng lối, có tiếng ê a đánh vần tập đọc mỗi ngày, có biết bao bài học hay từ những trang sách đầu đời.

Hồi đó, sách giáo khoa vẫn còn được bao cấp. Nhà trường cho học sinh mượn sách, rồi cuối năm trả lại, để các em lớp sau có học tiếp. Tôi không quên được cảm giác lâng lâng, sung sướng mỗi khi nhận sách. Chẳng biết sách được in ấn từ khi nào, qua bao nhiêu thế hệ sử dụng, nhưng khi đến với những học sinh vùng nông thôn nhiều thiếu thốn, nó đều mới lạ và thú vị.

Cầm quyển sách được bao bằng giấy báo hoặc giấy bóng cũ, trên góc trái có đóng dấu của thư viện mà lòng vui rộn ràng, khó tả. Nâng niu rồi lật giở từng trang, giấy hẩm ố màu, bìa cũ gần rách, có trang nhàu mất góc nhưng nét mực còn rõ, nhiều tranh minh họa đẹp, tôi mơ hồ cảm nhận như có bao điều diệu kì đang mở ra trước mắt…

Những quyển sách thời tiểu học như Học vần, Tập đọc, Tiếng Việt còn hằn sâu trong kí ức mà mỗi khi nhắc lại, lòng bỗng thương nhớ không nguôi. Ngoài sách giáo khoa, chúng tôi chẳng có thêm sách gì khác nữa. Sách Đạo đức hoặc Kể chuyện thì chỉ cô giáo mới có. Chờ đến cuối tuần để được nghe cô kể chuyện, hoặc dạy những bài học về đạo đức, cũng là niềm vui rất lớn của tuổi thơ.

Sách cũ với những bài học đầu đời sao quá đỗi trong sáng, nhẹ nhàng, gần gũi, dễ hiểu. Nó chứa đựng bao tình cảm thiết tha yêu mến, tinh khiết như giọt sương mai, tươi sáng như tia nắng đầu ngày, mát lành như nước giếng khơi, cứ dịu dàng tưới tắm và dưỡng nuôi bao tâm hồn thơ dại. Tiếng gà gáy ò ó o, con cá, cái ca, quả cà, cánh cò, cô y tá, lá cờ… như hiện ra trước mặt, thân thuộc mà trang trọng thiêng liêng lắm!

Mỗi trang sách là cả một bầu trời rộng mở, bất ngờ và lí thú, bay bổng và khát khao của tuổi nhỏ. Hình ảnh mái trường, quê hương, cha mẹ, bạn bè, thầy cô, chú bộ đội, Bác Hồ… cứ nhẹ nhàng đi vào lòng, neo mãi trong tâm trí, đồng hành cùng tôi suốt những chặng đường dài.

Sau này, tôi có đến mượn sách ở các thư viện lớn. Không khỏi ngạc nhiên, choáng ngợp trước bao nhiêu là sách. Đủ các loại, có nhiều sách mới, giấy trắng tinh, mực in đậm, bìa cứng đẹp và cuốn hút. Tuy nhiên, tôi bồi hồi xúc động nhiều hơn với những cuốn sách cũ lặng lẽ khiêm nhường trên giá, bụi thời gian còn lưu dấu hoen mờ. Nhiều cuốn sách mà bấy lâu tôi đã nghe tên nhưng đến giờ mới thấy. Tôi cứ miên man nghĩ ngợi, ước gì trước đây có để đọc, từ Dế mèn phiêu lưu kí đến Tiếng gọi nơi hoang dã, từ Góc sân và khoảng trời đến Tiếng chim hót trong bụi mận gai, từ Truyện Kiều đến Những người khốn khổ, từ Tam quốc diễn nghĩa đến Chiến tranh và hòa bình…

Lúc nhỏ, có nhiều thời gian nhưng không có sách để đọc. Khi biết đến thư viện thì chỉ đủ đọc những cuốn sách bổ trợ kiến thức cho thi cử. Lúc cao điểm mùa thi, sách không đủ để mượn đọc. Khi ấy, nhiều quyển sách cũ, trông rạng rỡ hẳn lên với niềm kiêu hãnh, tự hào. Có lẽ, sách cũ vui mừng, hạnh phúc khi mình còn giá trị, được phục vụ, được cống hiến, được bạn đọc nâng niu và chào đón!

Cuộc sống hiện đại, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, việc in ấn xuất bản và xu hướng đọc sách cũng có nhiều thay đổi. Thị trường sách đa dạng, chất lượng, giá cả phải chăng, mua bán thuận tiện nên chẳng khó khăn gì để sở hữu một quyển sách. Tuy nhiên, nền tảng mạng xã hội, thiết bị công nghệ hiện đại cũng làm đổi thay cách đọc sách truyền thống.

Thưa người tìm đến thư viện, ít người cầm sách trên tay, thay vào đó là chiếc điện thoại thông minh, nhiều tiện ích. Điều này cũng là bình thường tất yếu, vấn đề cốt lõi là cần giáo dục, vận động để ai cũng hiểu được giá trị của sách, ích lợi của việc đọc sách sẽ chủ động tìm đến sách.

Tôi có người bạn thân thời sinh viên, học giỏi và mê sách lắm. Anh thường gọi hỏi thăm và nhắc về đọc sách. Tôi thật tình rằng: cuộc sống bộn bề quá, hơi ít chú ý nhưng tình yêu với sách mãi còn, vẫn dành dụm mua những quyển phù hợp. Tôi nhớ có người từng ví von sách cũ như bạn cũ. Tình cờ gặp lại quyển sách cũ mình yêu thích cũng giống như gặp người bạn tri kỉ ngày xưa, bao kỉ niệm ùa về rưng rưng, xúc động. Có khi cầm quyển sách cũ, tôi như nghe cả tiếng gươm khua nơi Chi Lăng quan ải, tiếng ngựa hí vang nơi bến nước Đông Bộ Đầu, tiếng đàn tì bà réo rắt của người ca nữ tiễn đưa chàng Tư mã Giang Châu Bạch Cư Dị trên bến Tầm Dương, hay tiếng khóc nức nở của Kiều trong đêm trao duyên thuở ấy... Những lúc này, tôi thầm thì: Ôi, sách cũ còn thương!

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sách cũ còn thương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO