Sách của người trẻ

CHÂU NỮ 07/05/2017 09:45

Thị trường sách hiện nay xuất hiện khá nhiều sách của các tác giả thế hệ 8X, 9X. Các loại sách này luôn nằm trong nhóm sách bán chạy nhất (best seller) trên hệ thống phát hành sách toàn quốc.

Độc giả tuổi  mới lớn chọn sách văn học ở Fahasa Tam Kỳ.Ảnh: C.NỮ
Độc giả tuổi mới lớn chọn sách văn học ở Fahasa Tam Kỳ.Ảnh: C.NỮ

Ngôn tình thoái trào

Cách đây mấy năm, tiểu thuyết ngôn tình - chủ yếu của các nữ tác giả 8X, 9X Trung Quốc - làm mưa làm gió trên thị trường. Hình ảnh học trò, sinh viên kè kè sách ngôn tình trong lớp học hay ở quán cà phê trở nên khá phổ biến. Nhiều tựa sách được những người đọc trẻ săn lùng, thậm chí trở thành một phần trong ngôn ngữ giao tiếp thường ngày của người trẻ, như: “Đừng nói với anh ấy tôi vẫn còn yêu”, “Ai hiểu được lòng em”, “Thật lòng yêu em” (của tác giả Lục Xu, SN 1991); “Chân trời góc bể”, “Sự dịu dàng khó cưỡng”, “Mãi mãi là bao xa” (Diệp Lạc Vô Tâm, SN 1980); “Hóa ra anh vẫn còn ở đây”, “Ánh trăng không hiểu lòng tôi” (Tần Di Ổ, SN 1981); “Yêu em từ cái nhìn đầu tiên”, “Bên nhau trọn đời” (Cổ Mạn, SN 1981); “Đừng nhắc em nhớ lại”, “Gấm rách” (Phỉ Ngã Tư Tồn)... Tác giả của những tựa sách trên đều là những người từng lọt vào nhóm các tác giả truyện ngôn tình được yêu thích nhất tại Trung Quốc và cả ở Việt Nam.

Hầu hết bạn trẻ mê truyện ngôn tình đều cho rằng, những tác giả kể trên đều rất đáng đọc, vì văn của họ lãng mạn, nhẹ nhàng và đặc biệt, tác giả tỏ ra rất hiểu lòng người trẻ. Tuy nhiên, theo nhận định của Cục Xuất bản, in và phát hành, nội dung sách loại này sáo mòn, vô bổ, thậm chí có phần thô tục, phản cảm cho nên năm 2015, để hạn chế xuất bản sách ngôn tình, đơn vị này đã yêu cầu các NXB không đăng ký các đề tài truyện ngôn tình, đam mỹ (đồng tính nam). Tuy nhiên, yêu cầu này đã không được giới làm sách chấp hành triệt để, thậm chí còn bị người mê sách ngôn tình phản ứng, để rồi đầu năm nay Cục Xuất bản, in và phát hành một lần nữa yêu cầu các NXB không đăng ký xuất bản các đề tài ngôn tình. Đến lúc này, sách ngôn tình trên thị trường đã giảm bớt và sức hút của nó đối với độc giả tuổi dậy thì cũng không còn như trước.

“Sách nội” lên ngôi

Gần đây, trên hệ thống phát hành trực tiếp cũng như hệ thống nhà sách trên mạng, sách văn học dành cho tuổi teen của các tác giả trong nước xuất hiện nhiều hơn và có sức hút hơn. Nhiều đầu sách trong nhóm này nhiều lần lọt vào top sách best seller.

Ngoài “hiện tượng Nguyễn Nhật Ánh” với một loạt sách hot như “Ngày xưa có một chuyện tình”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng”..., nhiều tác giả trẻ người Việt đã bắt đầu tạo được sự chú ý cho người đọc. Suốt một thời gian khá dài, những đầu sách được nhiều độc giả trẻ săn tìm và được tái bản nhiều lần với số lượng vài chục ngàn bản/lần, như “Ngày trôi về phía cũ”, “Đường hai ngả - người thương thành lạ”, “Buồn làm sao buông”, “Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và em”, “Thương mấy cũng là người dưng” của Anh Khang (tên thật Quách Lê Anh Khang, SN 1987); “Tay tìm tay, tay níu tay”, “Yêu đi rồi khóc”, “Thời gian để yêu” của Hamlet Trương (Lê Văn Trương, SN 1988); “Người yêu cũ có người yêu mới”, “Ai cũng cần cô đơn” của Iris Cao (SN 1988); “Cho em gần anh thêm chút nữa”, “Nhật ký son môi”, “Anh sẽ yêu em mãi chứ?” của Gào (Vũ Phương Thanh, SN 1988); “Tôi không phải là công chúa”, “Bạn gái của thiếu gia”, “Hoàng tử online” của Kawi Hồng Phương (Lê Thị Hồng Phương, SN 1992). Đặc biệt, có một số tác phẩm giữ được độ “nóng” trong nhiều năm liền, như “Buồn làm sao buông” của Anh Khang. Đây là sách bán chạy nhất Hội sách TP.Hồ Chí Minh năm 2014, từ đó đến nay đã được tái bản và tiếp tục được người đọc tìm mua... Cùng với đó, một số đầu sách “cặp đôi” cũng tạo ra được những cơn sốt trong độc giả trẻ. Như trường hợp “cặp đôi vàng văn học” Hamlet Trương và Iris Cao, sau thành công của mấy đầu sách đứng tên chung như “Thương nhau để đó”, “Ai rồi cũng khác”, “Mỉm cười cho qua”, mới đây tác phẩm “Mình sinh ra đâu phải để buồn” của họ cũng được người đọc trẻ chào đón nồng nhiệt.

Việc người đọc trẻ quay trở lại với văn học trong nước, đặc biệt là với các tác giả là “người đương thời”, ở một mức độ nào đó có thể xem là tín hiệu vui. Tất nhiên, cần phải có thêm thời gian để có cái nhìn đầy đủ về nguyên nhân, động cơ của sự quay lại ấy cũng như nội dung của mảng sách nói trên. Còn trước mắt, có thể thấy mảng sách này có một điểm chung đáng lưu ý: bìa trình bày đẹp, bắt mắt, ấn tượng; tựa sách mang hơi hướm... boléro và gợi sự tò mò. Và đặc biệt, chúng được PR một cách bài bản, chuyên nghiệp. Ở một phía khác, có không ít tác giả đang được người đọc trẻ xem là “thần tượng”. Nhiều câu văn, phát ngôn của nhân vật trong những cuốn sách ấy được người đọc trẻ xem như là “phương châm sống” của mình. Ví như, “Phải học cách buông bỏ nỗi buồn để đôi tay thảnh thơi mà nuông chiều niềm vui sắp tới... Bởi buồn hay vui, buông hay giữ đều do ở lòng mình” (Anh Khang - Buồn làm sao buông). Hay thông điệp: “Hãy làm những điều bạn thích. Hãy đi theo tiếng nói trái tim. Hãy sống theo cách bạn cho là mình nên sống” (Rosie Nguyễn - Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu)...

CHÂU NỮ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sách của người trẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO