Sách giáo khoa (SGK) lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới áp dụng từ năm học 2020 - 2021 đã được các trường học lựa chọn. Vấn đề khiến các bậc phụ huynh (PH) băn khoăn hiện nay là mua SGK ở đâu và khi nào?
Quảng Nam chọn nhiều bộ SGK
Theo Luật Giáo dục 2019, UBND tỉnh, thành phố có trách nhiệm lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn. Dù vậy, SGK lớp 1 sử dụng từ năm học 2020 - 2021, theo Nghị quyết số 8 (28.11.2014) của Quốc hội, sẽ do các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn dựa trên ý kiến của giáo viên và cha mẹ học sinh. Theo đó, Thông tư 01 của Bộ GD-ĐT hướng dẫn việc lựa chọn SGK, giao nhiệm vụ cho các trường học thành lập hội đồng lựa chọn SGK để sử dụng ở đơn vị mình.
Thông tin từ Sở GD-ĐT, đến nay toàn tỉnh đã hoàn thành việc lựa chọn SGK theo đúng kế hoạch và hướng dẫn của Thông tư 01. Cả 5 bộ SGK lớp 1 đều được các trường học chọn lựa sử dụng trong năm học 2020 - 2021. Trong đó, bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) được chọn nhiều nhất với tỷ lệ gần 60%. Các bộ sách còn lại, gồm “Chân trời sáng tạo”, “Cùng học để phát triển năng lực”, “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” (tất cả đều của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) và bộ “Cánh diều” (Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh) có tỷ lệ chọn tương đương nhau.
Đáng chú ý, giữa các trường cùng địa phương cũng có sự chọn lựa khác nhau. Chẳng hạn, chỉ kể riêng môn Tiếng Việt và Toán, TP.Tam Kỳ chọn cả 5 bộ, Thăng Bình chọn 5 bộ môn Tiếng Việt và 4 bộ môn Toán, Nam Trà My chọn 5 bộ Tiếng Việt và 3 bộ môn Toán, Quế Sơn và Nông Sơn cùng chọn 3 bộ Tiếng Việt, 3 bộ môn Toán. Các môn còn lại cũng được chọn ở nhiều bộ khác nhau.
Theo ông Nguyễn Bá Hảo - Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT), để chuẩn bị triển khai SGK lớp 1 mới, sở đã sớm xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện nhiều công việc như phối hợp với các nhà xuất bản tổ chức hội nghị giới thiệu SGK; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành tiêu chí lựa chọn SGK trên địa bàn tỉnh, hội nghị triển khai cho lãnh đạo phòng GD-ĐT và một số hiệu trưởng trường tiểu học thực hiện Thông tư 01. Lý giải việc các trường học trên địa bàn tỉnh lựa chọn nhiều bộ SGK khác nhau, ông Hảo cho rằng các đơn vị đều được quyền lựa chọn theo đánh giá riêng của mình và điều này là đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ GD-ĐT.
Mua SGK như thế nào?
Việc mua SGK thời gian qua khá đơn giản khi PH, học sinh đến quầy sách lớn, nhỏ ở bất cứ địa phương nào, chỉ cần nói với cô nhân viên “cho bộ sách lớp 2 hoặc lớp 3” cũng đều sẵn sàng được đáp ứng đầy đủ, nhanh chóng. Tuy nhiên, SGK lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới không hẳn như vậy. Không chỉ là bộ sách mới lần đầu tiên sử dụng, việc có nhiều bộ sách khác nhau và các trường sử dụng khá đa dạng khiến cho các bậc PH rất khó khăn để mua sắm. Ngay cả các đơn vị cung ứng sách cũng có nhiều băn khoăn.
Ông Đỗ Đăng Thanh, chủ Nhà sách Giáo dục (số 341, Phan Châu Trinh) - một trong những nhà sách lớn nhất tại Tam Kỳ, cho biết hiện vẫn chưa có thông tin gì về SGK lớp 1 mới. Vì vậy, trong khi sách từ lớp 2 - 12 đã chuyển về khá nhiều, sẵn sàng phục vụ nhu cầu thì sách lớp 1 chưa có kế hoạch mua. Theo tìm hiểu, hiện nay trên thị trường ngoài bộ sách “Cánh diều”, cả 4 bộ sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đều chưa phát hành.
Để khắc phục khó khăn này và đảm bảo cung ứng SGK lớp 1 cho năm học 2020 - 2021, ông Nguyễn Bá Hảo cho biết Sở GD-ĐT đã có văn bản chỉ đạo các phòng GD-ĐT, trường tiểu học tổ chức họp PH công bố danh mục sách mà trường lựa chọn; hội ý với PH để thống nhất phương án cung ứng phù hợp với điều kiện của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho PH trong việc mua sắm sách. Đồng thời, phối hợp với nhà xuất bản, các công ty cung cấp sách triển khai phương án mà PH lựa chọn kịp thời, đầy đủ.
Theo ông Nguyễn Văn Lộc - Trưởng phòng GD-ĐT Tam Kỳ, vào tháng 7 tới, hiệu trưởng các trường sẽ thông báo cho PH biết loại sách để mua qua cuộc họp PH triển khai tuyển sinh lớp 1. Có 2 phương án mua sách để lựa chọn, hoặc thông qua trường học hoặc PH tự mua. “Tuy nhiên, tốt nhất là nên mua tập trung theo trường, hợp đồng với đơn vị cung ứng sẽ thuận lợi cho PH” - ông Lộc nói.
Trưởng phòng GD-ĐT Duy Xuyên Phùng Hoàng cũng đồng quan điểm khi cho rằng, nên thống nhất để trường học mua giúp vì “PH có muốn tự mình đi mua cũng rất khó khăn vì nhiều sách khác nhau. Đây cũng là trách nhiệm của nhà trường phải đảm bảo có đủ sách cho học sinh”.