Năm 12 tuổi, một tai nạn ập đến đã cướp đi vĩnh viễn đôi mắt và nửa bàn tay trái của tôi. Từ đó, tôi sống trong chuỗi ngày của bóng tối mênh mông vô cùng và sự quay lưng của cuộc đời. Tôi từng đau khổ và từng tuyệt vọng. Trong âm thầm đó, tôi tìm niềm vui ở chiếc radio, rồi làm bạn với sách nói và sách nói đã trở thành bạn đường của tôi.
Cánh cửa thị giác của tôi bị đóng kín. Tôi học lại hết tiểu học tại một trường dành cho những đứa trẻ khiếm thị. Sang THCS, tôi bắt đầu trở lại học hòa nhập. Lúc bấy giờ, sách giáo khoa chữ nổi, khó khăn lắm tôi mới có. Bởi lẽ chi phí in ấn nó rất tốn kém. Năm tôi lên THPT, phương tiện chiếm lĩnh tri thức là toàn bộ những băng sách nói được thu âm chương trình. Thư viện sách nói TP.Hồ Chí Minh gửi tặng, tiếp sức tôi đến trường. Nhận được những món quà ấy, tôi vui lắm. Mỗi lần học bài, tôi tua tới tua lui. Riêng ngày Chủ nhật, tôi giải trí bằng cách bấm máy nghe truyện, thơ ca. Có hôm say mê, tôi thức cả đêm để nghe sách đọc như: Số đỏ - Vũ Trọng Phụng, Hòn Đất - Anh Đức,Vĩnh biệt mùa hè - Nguyễn Đông Thức, Tây du ký - Ngô Thừa Ân... Những cây bút tài hoa ấy đã cho tôi hình dung được bức tranh sinh động, muôn màu của cuộc sống. Những cuốn sách làm hành trang cuộc đời với tôi như: Đắc nhân tâm, Quà tặng cuộc sống, Hạt giống tâm hồn,… Những câu nói bất hủ, thấm thía với tất cả mọi người: “Có thể tôi không đi nhanh nhưng chắc chắn tôi không đi thụt lùi”. Do đó sách nói rất gần gũi với tôi và không thể thiếu với người mù.
Sách nói đã đi vào đời sống người mù Việt Nam, nó không chỉ là món ăn tinh thần mà còn là chiếc chìa khóa mở cánh cửa bí mật của cuộc đời. Dân gian thường nói: “Cho con thùng vàng không bằng dạy con quyển sách hay”. Sách nói còn có ý nghĩa hơn đối với người khiếm thị. Nó đã giúp cho học sinh - sinh viên khiếm thị thuận lợi trong học tập. Nó vẫn chứa đựng đầy đủ các lĩnh vực như một bộ bách khoa toàn thư để người khiếm thị nghe và ứng dụng vào thực tế. Nó còn giúp người khiếm thị trở thành những kỳ thủ cờ vua, cờ tướng. Với tôi, sách nói đã gieo ước mơ và giúp tôi hoàn thành đại học. Rồi tôi trải lòng với đời: mở nơi nuôi dạy trẻ em khuyết tật, lấy tên: “Hướng Dương”, đóng tại Tam Kỳ, Quảng Nam. Học trò của tôi lại tiếp tục nghe sách nói.
Đến nay, thư viện sách nói ra đời đã 15 năm, tôi là thính giả gắn bó hơn mười năm. Ngoài những cuốn băng tự ghi âm, sách nói của tôi chứa đựng đầy một tủ đứng. Tôi thường nói vui với mọi người: “Tôi cũng có một thư viện sách nói!”. Những giọng đọc thân thương còn vang vọng trong tôi như: Đỗ Thụy, Hoàn Thúy, Trung Nghị, Hướng Dương… Đặc biệt, giọng đọc chị Hướng Dương ngọt ngào, truyền cảm. Để bày tỏ tình cảm của mình với chị Hướng Dương và thư viện sách nói, tôi viết thư gửi: “… Bao nhiêu năm em theo học và đã nghe giọng đọc của anh chị từ thư viện sách nói chuyển về các tỉnh, thành phố. Thật sự em vô cùng biết ơn những người như anh chị. Anh chị không ngần ngại để dốc hết tâm lực vào những cuốn băng sách nói và chuyển thế giới tri thức vào đó. Tình cảm của anh chị đáng trân trọng, đáng quý biết bao! Anh chị đã thắp lên ánh sáng niềm tin cuộc đời cho những người tối tăm như em…”. Tôi nguyện với lòng: “Ngày nào đó sẽ vào thăm thư viện sách nói một lần”. Sách nói - bạn đường của tôi, bạn đường của tất cả người mù Việt Nam.
ĐẶNG NGỌC DUY