Tác phẩm, tác giả

Sách thiếu nhi: Nan đề của phụ huynh

NGUYÊN TRANG 03/03/2024 09:55

Hai năm gần đây, dòng sách thiếu nhi được các nhà xuất bản (NXB) và công ty sách đặc biệt chú trọng. Thị trường này cũng sôi động với sự xuất hiện của những tác phẩm nội địa.

417781491_1115468243100787_509323121621864917_n.jpg
Tác giả Nguyên Trang trong một hoạt động sách dành cho thiếu nhi. Ảnh: N.T

Dòng sách thiếu nhi đang nở rộ các giải thưởng lớn cả về quy mô lẫn giá trị liên tục được tung ra.

Mạnh nhất phải kể đến NXB Kim Đồng - đơn vị dẫn đầu về việc xuất bản và phát hành sách dành cho thiếu nhi trong nhiều năm qua.

Hiện Kim Đồng đã phát động Giải thưởng Văn học Kim Đồng gắn liền với cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi 2023 - 2025, giải nhất lên đến 100 triệu đồng.

Những giải thưởng này là cú hích quan trọng giúp số lượng đầu sách thiếu nhi được xuất bản và phát hành rộng rãi tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, để sách thiếu nhi thật sự chất lượng, tiếp cận được là một bài toán nan giải.

Phụ huynh chật vật chọn mua sách

Đọc và tìm sách đúng độ tuổi và trình độ đọc cho con không phải là một chuyện đơn giản và dễ dàng. Chưa kể, mỗi trẻ lại có một sở thích và nhu cầu khác nhau.

Chị Mai Xuân (26 tuổi) dành rất nhiều thời gian và công sức để đọc, sàng lọc và chọn mua sách phù hợp với sự phát triển với cậu con trai 4 tuổi của mình.

Cho rằng sách nội địa bây giờ cũng có hình thức đẹp không kém gì sách nước ngoài, tuy nhiên, chị vẫn chọn mua sách nước ngoài nhiều hơn vì đa dạng cách gia công, tương tác, chủ đề cũng phong phú và gợi mở, không đặt nặng về bài học thông điệp một cách giáo điều.

Một phụ huynh là mẹ của hai bạn nhỏ 13 và 8 tuổi, hiện là thành viên của rất nhiều hội nhóm giới thiệu sách trên mạng xã hội, chia sẻ, tuy giá sách bây giờ không hề rẻ do hình thức đẹp, giấy tốt, gia công tỉ mỉ, nhưng để chọn mua những quyển sách phù hợp và cần thiết cho con vẫn rất khó.

Kinh nghiệm của chị là chịu khó tự trải nghiệm và đọc thật nhiều chia sẻ từ các thành viên hội nhóm, chứ không phải các “tút” quảng cáo bán sách.

Điều cần nhất vẫn là sách đảm bảo chất lượng, giúp con phát triển từ vựng, tư duy, biết thêm nhiều kiến thức, câu chuyện, có được lòng trắc ẩn và sự thấu cảm..

Qua vài khảo sát có thể thấy, điểm chung của phụ huynh có con đang độ tuổi thiếu nhi là thiếu một kênh tham khảo thông tin uy tín để dễ dàng chọn mua sách. Sự cẩn trọng này xuất phát từ việc nhiều lần đọc phải sách có nội dung chưa hay, thông điệp sai lệch, thậm chí sai lỗi chính tả…

Sách thiếu nhi nội địa: Ưu thế và điểm yếu

Trước đây, sách thiếu nhi trong nước hầu như đều thiên về dòng sách mang tính giáo dục cao, nhiều chữ, ít hình minh họa. Thậm chí, sách in bình thường với giá thành khá thấp.

417957442_420870993797888_7492710032701173242_n.jpg
Đa số các em nhỏ vẫn thích dòng sách nước ngoài vì nhiều nội dung mới lạ. Ảnh: N.T

Nhưng hiện tại, các đầu sách Việt Nam có thể đạt trình độ in rất cao, tinh xảo, hình vẽ đẹp mắt. Các công đoạn gia công phát triển mạnh, từ đơn giản như lật, kéo cho đến phức tạp như sách trong suốt, dựng hình 3D (pop-up), sách vẽ xóa được, thậm chí là có nhạc…

Trên sân nhà, sách nội địa có ưu thế hơn hẳn về từ ngữ và tính văn chương, nhất là khi so với một số tác phẩm dịch còn lạm dụng cấu trúc và từ vựng nước ngoài, gây trúc trắc khó đọc.

Thứ hai, với bối cảnh thuần Việt, gần gũi, bạn đọc nhí dễ dàng nhìn thấy bản thân trong câu chuyện, đồng cảm với nhân vật và thêm gắn bó với cảnh sắc quê hương.

Thêm điểm sáng nữa là ngày càng có nhiều sách về văn học, văn hóa dân gian được làm mới cả về hình thức lẫn cách tiếp cận. Điều này đem đến “vốn liếng” về căn tính, chữ nghĩa và phong tục, tập quán đến gần hơn với những thế hệ tương lai của đất nước...

Tuy nhiên, chừng đó ưu thế vẫn chưa đủ để chiếm lĩnh thị trường sách thiếu nhi - nơi sách nước ngoài đã ngự trị suốt thời gian dài.

Về khoa học thường thức, những bộ sách đồ sộ và công phu của những nhà xuất bản nước ngoài vẫn chưa có ấn phẩm nội địa nào thay thế được.

Sách được biên soạn bài bản, có tính chuyên môn cao và cách tiếp cận thân thiện với trẻ nhỏ. Rất nhiều sách được in ấn theo bộ, vừa tổng quát lại vừa chi tiết, thú vị khi đọc, hữu ích khi cần tra cứu.

Về sách tranh cho trẻ mẫu giáo, dòng Ehon Nhật Bản vẫn được ưa chuộng hơn cả vì phong phú và đa dạng, phong cách vẽ dễ thương, đáng yêu. Các câu chuyện nho nhỏ của dòng sách này gắn kết mật thiết với sự phát triển tư duy, kỹ năng, cảm xúc… của trẻ nhỏ.

Về văn chương, chủ đề sách trong nước phần nhiều vẫn an toàn. An toàn, chính là điểm yếu của sách trong nước khiến sách nước ngoài hoàn toàn thống trị.

Sách dành cho thiếu nhi của nước ngoài có những chủ đề hiếm và khó như là cái chết, dịch bệnh, bắt nạt… được thể hiện một cách tinh tế và cuốn hút.

Với một cuốn sách chủ đề khó như vậy, các nhà xuất bản thường chọn phương án an toàn là mua bản quyền về dịch và phát hành - thay vì đặt hàng tác giả, họa sĩ trong nước sáng tác.

Sợ mất kiểm soát về tình tiết hoặc rủi ro về phản hồi của phụ huynh, bạn đọc… khiến cho những chủ đề như thế này trong văn học thiếu nhi vẫn còn để ngỏ, chưa biết đến bao giờ...

Nguyên Trang - bút danh của Trương Mỹ Dung, hiện là quản lý dự án của Công ty cổ phần Zenbooks - công ty chuyên xuất bản dòng sách học sinh như sách giáo khoa, sách học kèm, sách kỹ năng, sách thiếu nhi…

Ngoài ra, cô còn là tác giả của nhiều tựa sách cho thiếu nhi, đồng thời là quản lý dự án sách của Ruy Băng Tím, xoay quanh lối sống và phòng chống ung thư. (L.Q)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sách thiếu nhi: Nan đề của phụ huynh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO