Sau hơn một thế kỷ của tranh lụa hiện đại Việt Nam, cuốn sách giới thiệu tranh khỏa thân đầu tiên mới vừa chính thức ra đời. Sách và triển lãm cùng tên “Nguyệt sáng gương trong” của Bùi Tiến Tuấn ra mắt tại Eight Gallery (8 Phùng Khắc Khoan, TP.Hồ Chí Minh), kéo dài từ ngày 23.5 đến hết 6.6.2021.
Bùi Tiến Tuấn sinh 1971 tại Hội An, học chuyên ngành mỹ thuật về lụa, sau hơn 10 năm chuyên nghiệp với tranh lụa, anh đã chạm đến mức độ bậc cao về vật liệu và sự biểu đạt của chất liệu.
Trong 11 triển lãm cá nhân và 2 cuốn sách mỹ thuật đã ra mắt, Bùi Tiến Tuấn cho thấy mình kinh qua một số vật liệu như giấy dó, sơn dầu, sơn mài, nhưng lụa vẫn chiếm đa số và là đặc trưng nhất, là sở trường.
Trong một vài nghiên cứu về lịch sử mỹ thuật Việt Nam, Bùi Tiến Tuấn được đánh giá là gương mặt tiêu biểu trong cuộc hồi sinh tranh lụa; anh cũng từng góp một phần nhỏ công sức trong việc giúp duy trì việc dệt lụa Mã Châu dùng cho việc vẽ tranh.
Cuốn sách “Nguyệt sáng gương trong” (NXB Mỹ thuật, 2021) giới thiệu 58 tranh khỏa thân và 3 phác thảo khỏa thân, được chọn lọc từ mấy năm làm việc gần đây. Ban đầu, Bùi Tiến Tuấn không có ý định làm riêng cuốn sách tranh và triển lãm tranh khỏa thân, vì không có ý gò bó việc vẽ vào bất cứ điều gì.
Hơn nữa, sau khi đã vẽ được khá nhiều tranh khỏa thân, anh vẫn có băn khoăn về sự tiếp nhận của giới yêu nghệ thuật, cũng như từ các cơ quan chức năng. Rất may, anh đã gặp thuận lợi, khi mà giới sưu tập thì yêu thích, còn nhà xuất bản và báo giới thì cởi mở, nên cuốn sách mới thành hình tương đối trọn vẹn.
Bùi Tiến Tuấn chia sẻ: “Bản năng người nữ, theo tôi, chính là bộc lộ được sự nữ tính vốn có và linh hoạt của mình, chứ không phải là những đòi hỏi về mặt ý thức như kiểu lên tiếng về nữ quyền, hoặc phân chia giới tính.
Các đòi hỏi này chỉ mang tính xã hội và mang tính phái sinh, nó nằm bên ngoài, chứ không thuộc về bản năng tính nữ. Tôi vẽ khỏa thân là vẽ về bản năng tính nữ, chứ không dừng lại ở việc mô tả thân thể người nữ”.
Có lẽ nhờ quan niệm này mà tranh khỏa thân của Bùi Tiến Tuấn luôn thể hiện được các chủ thể tính nữ vừa yêu kiều, phù phiếm, vừa thanh thoát, tao nhã.
Những tính nữ không còn bị bó buộc trong các khuôn đúc, hoặc trong sự chỉn chu, mà cũng không phải trực tiếp làm cuộc vẫy vùng, phản kháng để được tự do, để được đẹp. Tự do và đẹp là điều đương nhiên có của tính nữ trong tranh khỏa thân Bùi Tiến Tuấn. Họ khỏa thân không vì ai cả, mà vì họ xinh đẹp và đủ đầy tự do.
Nhà nghiên cứu Đặng Thân nhận định: “Xét qua các nước, chúng ta có thể nhận ra sự vượt thoát và tiến hóa trong lụa Bùi Tiến Tuấn. Quả là một hơi thở nhẹ, không u tịch, hoa mơ như lụa truyền thống Việt, không nặng nề, khốc liệt như lụa shunga Nhật, cũng không diêm dúa, nộn sắc như xuân cung họa Trung Hoa, và cũng không quằn quại, nhân kiếp như trong biểu hình Egon Schiele.
Một luồng hơi thở nhẹ phát tiết ra từ bao năm luyện công thâm hậu các môn phái, nhẹ như chiếc lá rơi, lặng lờ trôi như thiên nga, nhưng ai biết dưới mặt nước đôi chân nó đạp cả trăm lần mỗi phút”.
Về mặt thẩm mỹ, tranh lụa của Bùi Tiến Tuấn đủ đầy tính hàn lâm, sự tinh vi, nhưng không hề gò bó, vẽ như thở nhẹ và buông lỏng. Cũng như trong thơ lục bát, việc cuối cùng của người làm thơ là làm cho nghệ thuật lục bát được đặc trưng nhất trong thể loại của nó, mà vẫn thể hiện tính hiện đại và sự đổi mới.
Với tranh lụa, Bùi Tiến Tuấn đã thừa sức ngợi ca các đặc tính, các vẻ đẹp đặc thù của nó, bắc được nhịp cầu xuyên suốt về vật liệu và chất liệu từ truyền thống cho đến đương thời. Nói nôm na, Bùi Tiến Tuấn đã vẽ lụa bằng chính khả thể và vẻ đẹp vốn có của lụa, không cần nương tựa vào bất cứ điều gì khác.