Tối 26.12, Bộ Thông tin - truyền thông và Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần 2, nhằm tôn vinh những người làm sách và lan tỏa văn hóa đọc trong xã hội, với giá trị giải A lên đến 100 triệu đồng.
Trước đó, ngày 25.12, Zing.vn đăng bài phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo về giải thưởng.
Có hai chi tiết đáng chú ý trong bài báo. Thứ nhất, dẫn lời Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo cho rằng, mặc dù giá trị giải thưởng năm nay cao gấp nhiều lần năm trước, nhưng điều quan trọng hơn là “sự lan tỏa” của việc đọc sách qua hoạt động này. Hẳn nhiên đây là điều xác đáng, bởi việc xuất bản chỉ có ý nghĩa khi thu hút được sự quan tâm và hứng thú của quần chúng đối với việc đọc. Một quần chúng ham đọc để nâng cao tri thức, thẩm mỹ và chất lượng sống sẽ tạo ra một xã hội văn minh hơn. Và ngược lại, đây là nguồn lực nuôi sống hoạt động xuất bản, là kênh tác động chính để quyết định hướng đầu tư, nỗ lực tạo ra những ấn phẩm tốt nhất của người làm sách.
Chi tiết thứ hai nhằm vào quan hệ người làm sách và người đọc, trong đó có vai trò của các nhà xuất bản và các đối tác “xã hội hóa” hoạt động xuất bản. Thực trạng xuất bản hiện nay, sự đóng góp của các nhà xuất bản chiếm tỷ trọng thấp hơn nhiều so với các đơn vị liên kết. Các nhà xuất bản chủ yếu đóng vai trò là pháp nhân chịu trách nhiệm về nội dung các ấn phẩm, còn việc nghiên cứu thị trường, tìm kiếm tác giả và bản thảo, truyền thông, phát hành… hầu hết nằm trong tay các đơn vị liên kết. Điều này dẫn đến (ít nhất) hai hệ lụy.
Các nhà xuất bản hoạt động bằng ngân sách nhà nước, nhưng không thể nghiên cứu/dẫn dắt xu hướng đọc của xã hội, mà chỉ gói gọn trong việc xuất bản một số đầu sách theo kế hoạch hàng năm, với nhiệm vụ thường khu biệt theo lĩnh vực khá hẹp. Phần còn lại, nói nôm na là “bán giấy phép” xuất bản và “ăn chia” với các đơn vị làm sách tư nhân.
Ở phía bên kia, các đối tác của nhà xuất bản, khi muốn đầu tư một dự án sách, họ phải bước qua một nấc trung gian. Việc này có thể làm chậm hoạt động xuất bản, theo đó là nhịp độ kinh doanh, rất trái ngược với cơ chế thị trường. Mặt khác, dù thâu tóm hầu hết khâu sản xuất và đưa ấn phẩm ra thị trường, gây tác động quan trọng lên đời sống tinh thần xã hội, nhưng các đơn vị làm sách liên kết không phải chịu trách nhiệm cuối cùng cho sản phẩm của họ. Điều này có thể gây khó cho họ - khi những dự án có thể sinh lợi lại không được thực hiện, hoặc cũng có thể tạo nên tâm lý phó mặc - hay dở lợi hại gì cũng kệ, miễn sách mình bán chạy là trên hết.
Dù thế nào thì đây cũng không phải là “kế sâu rễ bền gốc” trong lĩnh vực xuất bản.
Nhân Giải thưởng Sách Quốc gia, có vài suy nghĩ để ngỏ như vậy. Còn thì hy vọng “sức đọc” của xã hội ngày càng hùng mạnh, đến khi trở thành một nhu cầu thường xuyên, có lẽ bối cảnh xuất bản sẽ tự điều chỉnh để thích nghi, và mọi sự sẽ đâu vào đó!