(QNO) - Tiếng rao từ gánh hàng rong của người đàn bà xứ Quảng mất hút trong đêm khiến tôi quay quắt nghĩ về quê nhà bởi đâu phải cuộc mưu sinh nào cũng “tròn trĩnh”…
Những người bán hàng rong giữa lòng đêm Sài Gòn. |
1. Hơn 12 giờ đêm, bến xe Miền Đông vẫn nhộn nhịp. Dưới ánh đèn mờ mờ của ngọn đèn đường, chiếc bảng nhỏ có đề chữ mì Quảng Năm Lan khiến người “xứ mì” như tôi càng dâng lên nỗi thương nhớ quê nhà. Nhìn người đàn bà trạc 40 tuổi nhanh nhẹn trụng mì, chan nhưn và mỉm cười với khách, một thứ tình cảm thân thuộc như đang ngồi đâu đó nơi góc bếp của mẹ. Khi trao cho tôi tô mì Quảng, chị mỉm cười đưa 2 trái ớt xanh rồi bảo: “Em người Quảng thì biết cầm nguyên trái ớt mà ăn. Rứa mới ngon, mới đã miệng”.
Chị Lan ở Điện Phương, Điện Bàn, thất bại trong hôn nhân, chị rời bỏ quê hương như một cách chạy trốn thực tế. “Lúc đó, chị chỉ muốn quên đi tất cả để làm lại một cuộc đời mới. Sài Gòn đúng là nơi khiến mình không có thời gian để suy nghĩ về những buồn đau. Hồi ở quê chị nấu mì Phú Chiêm ngon nhất nên chị không sợ khi mưu sinh xứ người”. Chị bảo, ngày mới chân ướt chân ráo vào đây, chị đi làm công nhân cho một xưởng may tư nhân, vì chủ ép sức làm đến 2, 3 giờ sáng mà lương quá ít nên chị đổ bệnh. Đến khi nằm viện hơn 1 tuần, chị còn lại trong tay vài trăm ngàn đồng. Bạn bè chị xúm lại bàn bạc rồi cho mượn thêm 1,5 triệu đồng để mở gánh mì. Không có tiền thuê mặt bằng, chị chọn cách buôn bán gánh cho dễ. Ban ngày khó cạnh tranh ở bến xe thì chị chọn ban đêm; người ta đuổi thì vừa gánh vừa chạy. “Đây là dấu vết để lại trong một lần gánh mì chạy. Nồi nhưn nóng quá, đổ hết lên chân khi chị té ngã” - vừa vén một bên chân trắng toát vì bị bỏng, giọng chị nhẹ tênh như sự trả giá cho cuộc mưu sinh.
Trời thương người chịu khó, nhờ thức đêm thức khuya, cần mẫn với nghề và quan trọng nhất là chị nấu với cái tâm nấu cho người nhà nên mì của chị không những ngon mà rau sống được nhặt và rửa rất sạch. Thương hiệu mì Quảng Năm Lan được tất cả cánh tài xế và khách hay đi xe ở bến xe miền Đông này biết đến. Chị tâm sự: “Có đêm, nhất là mấy dịp lễ tết, chị bán cả 20 ký mì. Lúc đó phải nhờ thêm 2, 3 người phụ nữa. Còn ngày bình thường chỉ có mình chị hoặc thêm đứa em làm giúp. Mỗi đêm chị kiếm cũng được hai, ba trăm ngàn. Làm được bao nhiêu để dành gửi về cho cha mẹ ở quê nuôi đứa con gái học lớp 1. Mình khổ bao nhiêu cũng được, con cái phải đủ đầy…”.
2. “Đậu phụng chú ơi! Trứng cút cô ơi!”. Tôi nghe không lẫn vào đâu được những tiếng rao đó ở các quán nhậu bình dân khắp đường phố Sài Gòn. Càng về khuya, tiếng rao đó càng rời rạc, có khi tôi tưởng như mình phải nín thở để nghe những tiếng rao tròn vẹn ấy. “Bán mấy thứ này mà rao đậu phụng, trứng cút là biết ngay dân Quảng Nôm. Dân Nam họ rao đậu phộng, “chứng cút” và nghe dẻo queo chứ không phải cái kiểu thiệt thiệt nghe thương thương chi lạ kiểu dân Quảng”. Anh bạn đồng nghiệp người Nam nói nửa đùa nửa thật nhưng tôi biết anh đã thực sự cảm mến cái thiệt thà, chịu khó ấy.
Những tiếng rao đêm mưu sinh của những người Quảng đang sống tại Sài Gòn luôn khiến người ta khoắc khoải về sự lam lũ nhưng gần gũi đến lạ. Có đêm, tại một quán cóc trên đường Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình, tôi đã ngồi đến hơn 11 giờ đêm chỉ để nghe Hạnh Hoa - người Tiên Cảnh, Tiên Phước kể về cuộc sống của em tại đất Sài thành. Mất cả cha lẫn mẹ vào năm 15 tuổi, Hoa theo các bạn vào Sài Gòn để xin làm công nhân. Vì chưa đủ tuổi nên công ty không nhận, Hoa đành đi bán đậu phụng, trứng cút luộc cho các quán nhậu bình dân. “Bán cái này ít vốn chị ạ! Hôm bán được thì kiếm cũng được năm bảy chục ngàn, hôm nào Sài Gòn mưa thì coi như cả xóm trọ đêm đó ăn đậu phụng, trứng cút luộc. Chuyện ế ẩm không sợ, sợ nhất là khách hàng uống say vào chọc ghẹo, rồi có khi đi ngoài đường 1, 2 giờ đêm bị bọn lưu manh trấn lột hay làm điều xấu” - Hoa nhỏ nhẹ.
Nhìn cô bé mới lớn, nước da trắng nõn và rất dễ thương, tôi lo lắng. Em chợt nắm tay tôi nói: “Chị sợ em theo nghề tiếp viên hay gì đó đúng không chị? Em tuy nhỏ tuổi nhưng không dại vậy đâu. Em mất cha mẹ nhưng sẽ làm chăm chỉ, tích lũy vốn rồi buôn bán đàng hoàng; chỉ cần mình có lòng tự trọng và chịu khó”.
Khuya, đường phố Sài Gòn vẫn nhộn nhịp. Những tiếng rao đêm bị cuốn vào dòng người hối hả, bỏ lại tôi nỗi nhớ nhà cùng những ưu tư…
MINH KIỆT