Trong thơ nhạc, có những chuyện “tam sao thất bản” thú vị và phó bản đôi khi có sức sống hơn cả chính bản. Tuy nhiên, nếu không truy tìm cho tường tận, sẽ có những tình huống sai lệch rất đáng trách.
“Đời tôi là chiến binh”
Hãy bắt đầu với tuyệt phẩm “Tôi đưa em sang sông”, để thấy, đôi khi đổi ca từ “chiến binh” sang “cánh mây” chỉ trong vòng… vài nốt nhạc.
Tôi vừa trở thành người thứ 707.348 vào xem chương trình “Hát câu chuyện tình” của đài HTV đang lưu đường link trên kênh YouTube. Bỏ qua những rắc rối ngoài lề về chuyện tranh cãi tác quyền (giữa Y Vũ và Nhật Ngân), tôi chú ý chi tiết liên quan đến ca từ. Nhạc sĩ Y Vũ trưng ra bản thảo chép tay ghi ngày 5.6.1962 (lúc đó chỉ ký riêng tên Y Vũ) với đoạn điệp khúc có lời: “Rồi thời gian lặng lẽ trôi/ đời tôi là cánh mây/ trôi bốn phương trời. Mà đời em là cánh hoa/ thì bao người ước mơ/ đưa đón em về”. Nhưng như nhiều người đã biết, bản in và các ca sĩ đã hát thành: “Rồi thời gian lặng lẽ trôi/ đời tôi là chiến binh/ đi khắp phương trời. Mà đời em là ước mơ/ đẹp muôn ngàn ý thơ/ như ngóng trông chờ”.
Trả lời người hâm mộ, nhạc sĩ Y Vũ khẳng định ca từ sai lệch ngay từ phía Nhà xuất bản Diên Hồng. Ông bảo mình đã “cự” về chuyện vì sao lại sửa lời, và phía nhà xuất bản có xin lỗi nhưng lúc ấy bản thảo đã lỡ phát hành. Tất nhiên có một lối giải thích khác, với luồng thông tin khai thác từ phía nhạc sĩ Nhật Ngân rằng chính nhạc sĩ Y Vân (anh của nhạc sĩ Y Vũ) đã sửa lời, chủ động chuyển “cánh mây” thành “chiến binh” cho hợp với thời cuộc.
Thật khó cho nhạc sĩ Y Vũ, bởi ông viết tiễn mối tình đầu khi còn quá trẻ, chưa hề trải qua đời sống trong quân ngũ. Để rồi, hình ảnh “chiến binh” dù vô tình hay cố ý cũng đã xộc thẳng vào chuyện tình học trò đầy gượng ép.
Vỗ tay hay vỗ gươm?
Nhưng có những tác phẩm bị sửa nhiều lần, mà sai sót thuộc về những người chép lại. Đó là lời ca Hồ trường liên quan đến cụ Nguyễn Bá Trác (quê làng Bảo An, Gò Nổi – Điện Bàn), mà theo khảo cứu của tác giả Phạm Hoàng Quân trong cuốn “Những mảnh sử rời”, có đến 5 phiên bản.
Cần trở lại với lời ca gốc. Theo tác giả Phạm Hoàng Quân trong sách đã dẫn, cụ Nguyễn Bá Trác đăng thiên ký sự “Hạn mạn du ký” (Ký sự của người đi chơi phiếm) bằng chữ Hán trên Nam Phong tạp chí từ số 22 đến số 35 (năm 1919 - 1920). Sau đó, chính cụ Nguyễn Bá Trác dịch sang tiếng Việt và đăng ở phần chữ Việt của tạp chí này từ số 38 đến số 43 (năm 1920 - 1921). Điều thú vị xảy ra giữa bản chính và bản dịch.
Chuyện là, trong bản chữ Hán, tác giả có dẫn lời ca của bài “Nam phương ca khúc” do một người đồng hương tình cờ gặp ở Thượng Hải hát. Bản tiếng Việt được dịch rất thoát và được biết đến rộng rãi dưới tên gọi “lời ca Hồ trường”. Vấn đề nằm ở chỗ, ngay lời dịch tiếng Việt, sau nhiều năm đã… không còn nguyên vẹn.
Thử chọn câu số 5. Bản chữ Hán in trên Nam Phong tạp chí là: “Phủ chưởng cuồng ca vấn tư thế, mang mang thiên địa, an đắc tri nhất tri kỷ hề, thí lai đối chước hữu dư thương”. Dịch nghĩa: “Vỗ tay hát khùng, hỏi đời kia, đất trời mờ mịt vậy, một người tri kỷ tìm ở đâu, thử đến giúp ta rót chén này”. Dịch thơ: “Vỗ tay mà hát, nghiêng đầu mà hỏi, trời đất mang mang, ai là tri kỷ lại đây cùng ta cạn một hồ trường”. Thế rồi, dị bản thứ 1 (in trong “Chơi chữ” của Lãng Nhân): Vỗ “gươm” mà hát, nghiêng đầu mà hỏi. Dị bản 2 (in trong cuốn “Việt Nam văn học sử giản ước tân biên”, Phạm Thế Ngũ): Vỗ tay mà hát, nghiêng “bầu” mà hỏi. Dị bản 3 (do một cố nhà thơ ở Đà Nẵng viết in trên báo) chép nguyên dị bản 2 và rơi rớt vài lỗi về khác chữ, thêm chữ. Dị bản 4 (do cháu ngoại của cụ Nguyễn Bá Trác công bố) còn đi xa hơn: Vỗ “gươm” mà hát, nghiêng “bầu” mà hỏi. Thêm vài chỗ khác nhau giữa các bản: xé gan bẻ cột (nguyên bản)/xé gan bẻ cật (câu 1), luân lạc/xuân lạc/lưu lạc, thân thế/thân thể (câu 4), mưa Tây sơn/mưa phương Tây (câu 5), cuồng lạn/cuồng loạn/ (câu 7), vì vụt/vi vút (câu 9)…
Ý thơ mà nhiều người lâu nay vẫn đọc cho nhau nghe, bất ngờ thay, lại thuộc về “dị bản 4”: Vỗ gươm mà hát/ nghiêng bầu mà hỏi. Có thể đấy là hình ảnh ngang tàng, hào sảng của kẻ luân lạc tha hương, lại đúng với ý thơ hồ trường. Nhưng bạn thử đọc lại nguyên bản mà xem, lấy đâu ra “gươm” để vỗ và “bầu” để nghiêng?
Đi tìm Ngụy Tác Hạ
Trong cuốn “Trung kỳ dân biến thỉ mạc ký” dưới tựa tiếng Việt “Hồi ký phong trào dân biến ở Trung kỳ (đầu thế kỷ 20)”, có một chi tiết dịch thuật khá thú vị.
Đoạn cụ Phan Châu Trinh bình về áng văn kết tội những người liên quan đến phong trào kháng thuế năm 1908 do tòa tỉnh Quảng Nam làm ra, có ý: “… Nguyễn Thành, Phan Diện, Lê Bá Trinh lại lập ra hội buôn, hội diễn thuyết, hội mặc đồ tây, đồng thời dựng ra cứ như tên làm ngụy là Hạ nó khai (…)”. Mấu chốt là ở chỗ mấy chữ Hán “ngụy-tác-hạ”. Vẫn có một người tên Hạ ở Nghệ An, thủ hạ của cụ Phan Đình Phùng, sau lưu lạc nhiều nơi và nghiện thuốc phiện. Người này dính dáng đến nhiều vụ án xử tử các thân sĩ khác nữa, nhưng khi xử thì chả thấy mặt mũi ở đâu, giống thằng bán tơ của vụ án oan khuất của Vương viên ngoại trong Truyện Kiều vậy.
Chuyện đáng nhắc ở đây không phải về tên Hạ chưa rõ gốc tích, mà là người có đầy đủ danh tính: Ngụy Tác Hạ. Hóa ra, đã có người dịch “ngụy-tác-hạ” kia theo cách… viết hoa cả cụm, thành người họ Ngụy, lót Tác, tên Hạ. Cách hiểu này được các dịch giả Lê Ấm – Nguyễn Q. Thắng chỉ ra trong phần ghi chú có sức nặng như một lời phê: “Tên làm ngụy là Hạ: dịch từ các chữ “ngụy tác Hạ” chứ không phải tên người là “Ngụy Tác Hạ” như các sách từ trước nay ghi vậy”. Tóm lại, gã tên Hạ kia không có họ, đừng đọc theo các sách khác mà truy tìm vô ích.
Dân gian hay nói “sai một ly đi một dặm”, ấy là ở khía cạnh đo đếm về số lượng. Còn về văn nghĩa, có thể diễn đạt bằng một cách nói mới: Sai một từ, (có thể) hư cả truyện.