Bên ly rượu tất niên cuối năm, các ngư dân của làng biển Sâm Linh (xã Tam Quang, Núi Thành) nhắc nhớ những ngày khai thác hải sản đã qua, hò hẹn mùa biển mới.
Ngư dân Sâm Linh vững vàng lái tàu vỏ thép. Ảnh: V.QUANG |
Ắp đầy...
Năm hết tết đến, những chuyến biển cuối cùng của ngư dân làng biển Sâm Linh đã cập bờ. Thuyền trưởng Đỗ Văn Tuấn - chủ tàu cá QNa-90857 (theo nghề lưới vây ánh sáng) buộc chặt dây neo vào cầu cảng Tam Quang. Anh Tuấn hơn 40 tuổi mà đã gần 30 năm theo nghề biển. Tàu cập bờ, 13 bạn biển trên tàu cá QNa-90857 mỗi người mỗi việc đưa cá từ hầm lên thân tàu. Trên bờ, 5 xe đông lạnh đã chờ sẵn. Hơn 10 lao động nữ hối hả đi về phía con tàu, kẻ đẩy xe, người chuyển sọt. Vị mặn của biển, mùi tanh nồng của cá xộc vào mũi. Sau mấy tiếng đồng hồ bán mua, khiêng vác, đẩy chở, 20 tấn cá nục, cá ngừ đã ngăn nắp chất đầy trên các xe đông lạnh. Tiền tươi thóc thật, chủ tàu và 13 lao động tính công ngay trên tàu cá. “Tổng cộng 400 triệu đồng, trừ chi phí còn chẵn 300 triệu đồng. Tôi 130 triệu đồng, mỗi anh em 13 triệu đồng. Chiều nay tất niên, tôi sẽ khao thêm cho anh em mỗi người một món quà để tri ân một năm đồng cam cộng khổ” - anh Tuấn nói. Bạn biển nhìn nhau, nụ cười tươi rói.
Ông Huỳnh Văn Định - Chủ tịch UBND xã Tam Quang cho biết, trong năm 2017, ngư dân làng biển Sâm Linh nói riêng, xã Tam Quang nói chung đã tiếp cận và thụ hưởng nhiều cơ chế ưu đãi, khuyến khích của nhà nước. Trong đó, ngư dân được hỗ trợ nhiên liệu với số tiền 29.430 triệu đồng; hỗ trợ chi phí mua máy liên lạc HF tầm xa có gắn thiết bị định vị vệ tinh GPS với số tiền 868 triệu đồng; hỗ trợ kinh phí ứng dụng đèn led trên tàu cá với số tiền 320 triệu đồng. |
Năm qua, sản lượng khai thác hải sản toàn xã Tam Quang đạt 18 nghìn tấn thì riêng Sâm Linh đã chiếm đến 2/3. Những ngày cuối năm, làng biển rộn rã tiếng cười của trẻ nhỏ. Các con đường như nhỏ lại vì trai tráng trở về từ biển, xôn xao xuôi ngược. Lão ngư Huỳnh Văn Tạo nhấm nháp ly trà đậm, thảnh thơi nhìn dòng người qua lại, nói: “Năm nay dù không được giá nhưng cũng không đến nỗi bấp bênh. Được mùa nên anh em bạn biển có nguồn thu nhập khá, sum tụm vui vầy rồi lại bước vào năm đánh bắt mới. Nghiệp biển mà!”.
Những tia nắng hiếm hoi cuối ngày sau chuỗi dài mưa dầm, rét lạnh khiến cho bức tranh làng biển Sâm Linh thêm sống động. Những chậu cúc, mai vàng, quật tết được các gia đình ngư dân mua về trưng ngay ngõ tô đậm thêm sắc xuân yên ả.
Gần nhau hơn
Hải sản bán xong, ngư dân về nhà trong không khí tất niên phấn khởi. Niềm vui lan tỏa quanh quất nơi đất liền được mang về từ biển. Tết reo vui từ chính những con tàu lần lượt trở về.
Tôi theo chân lão ngư Huỳnh Minh Cảnh - chủ đội tàu 10 chiếc ra bến sông. Ông Cảnh chia sẻ, sống nhờ lộc biển nên dù cuối năm có bận rộn đến mấy cũng dành công sức nấu mâm cơm tất niên cúng trên tàu, trước để tạ ơn trời đất, sau khấn vái thần Nam Hải, cầu sóng yên biển lặng để anh em đi biển được an toàn. Nơi đội tàu neo sát vào nhau, ông Cảnh lầm rầm khấn vái. Lễ cúng hoàn tất, ông Cảnh mời anh em bạn biển cùng quây quần, ôn lại một năm sản xuất trên biển.
Ngư dân trẻ Nguyễn Thanh Thành - cùng chung vốn với ông Cảnh đóng tàu cá QNa-91936 mở đầu câu chuyện bằng cách nhắc lão ngư kể về những ngày đầu vươn khơi. Ông Cảnh kể, ngày trước ra khơi chỉ một mình, một thuyền, không có máy định vị, tầm ngư, dò ngang như bây giờ, sản xuất rất khó khăn, chỉ dựa vào gan lỳ bám biển và kinh nghiệm tích lũy. Những lần đánh bắt vào ban đêm, thuyền ra mấy chục hải lý, biển tối bưng nhưng vẫn phải dò tìm được rạn nào có mực, cá thu, cá cờ ẩn nấp mà dẫn dụ, vây bắt. Ông Cảnh bảo biển khơi mênh mông chỉ có tuyệt kỹ “đọc” được thời tiết, dò tìm được luồng hải sản mới có cá mực đầy khoang. Thuở trước, khi ra khơi, ngư dân lấy điểm cao nhất của ngọn Bàn Than làm chuẩn. Ra càng xa, điểm chuẩn ấy càng mờ nên chỉ nhìn được chóp núi. Phóng một đường tưởng tượng với điểm cao nhất ấy, ngư dân sẽ đưa thuyền đến nơi mình cần đến. Đánh ực ngụm rượu trắng, lão ngư Huỳnh Minh Cảnh nói: “Đi biển phải dựa vào con nước lớn, nước ròng, hướng chảy ra sao để điều chỉnh mũi tàu. Cũng phải để ý vào các chòm sao sáng hay mờ mà phỏng đoán luồng cá. Đi biển mà để “lạc” nơi có nhiều luồng cá hoạt động là hỏng. Ngư dân trẻ phải tâm niệm biển không cùng mà gắng học hỏi người đi trước để còn nối nghiệp biển”.
Bữa cơm tất niên trên tàu đạm bạc, đơn sơ nhưng câu chuyện của họ cứ rổn rảng. Mãi đến lúc tàn cuộc, người già, người trẻ tính tuổi của nhau, xem ngày giờ, hướng xuất hành tốt nhất để con tàu rời bến lúc đầu năm được viên mãn. Năm mới, ra khơi, họ gói ghém niềm mong mỏi làm ăn phát đạt, sản xuất an lành. Ngày 16 tháng Giêng, ngư dân Sâm Linh sẽ mở biển…
VIỆT QUANG