Sâm Ngọc Linh, bảo vật quốc gia

HOÀNG THỌ 26/06/2017 08:37

“Sâm Ngọc Linh được chúng tôi xem là quốc bảo của ngành dược liệu Việt Nam” - đó là lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển dược liệu Việt Nam được tổ chức hôm 12.4, tại Lào Cai. Vì vậy, phát triển sâm Ngọc Linh là bảo vệ môi trường và làm giàu cho xã hội.

Người dân trồng cây rừng tái sinh để tạo tán che cho vườn sâm.
Người dân trồng cây rừng tái sinh để tạo tán che cho vườn sâm.

Sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam chứa 52 hợp chất saponin trong phần thân rễ và rễ củ nằm dưới mặt đất. Nghiên cứu chiết xuất toàn phần so với các loài sâm trên thế giới, cùng một độ tuổi nhưng sâm Ngọc Linh chứa tới 15% lượng saponin trong khi các loài sâm khác chỉ quanh quẩn ở mức 4%. PGS-TS. Dược học Trần Công Luận, người đã nghiên cứu khoa học về sâm Ngọc Linh từ năm 1978 đến nay khẳng định, sâm Ngọc Linh có chức năng bổ tăng lực và sinh thích nghi, giúp bệnh nhân ăn ngon, ngủ tốt, lên cân, tăng thị lực, hoạt động trí tuệ và thể lực cải thiện, gia tăng sức đề kháng, cải thiện các trường hợp suy nhược thần kinh… Ngoài ra, sâm Ngọc Linh có những tính năng tuyệt hảo như tăng lực, phục hồi sự suy giảm chức năng giúp cho tình trạng của cơ thể trở lại bình thường; kháng các độc tố gây hại tế bào, giúp kéo dài sự sống của tế bào và tăng các tế bào mới. Đặc biệt, sâm Ngọc Linh có những tính năng mà sâm Triều Tiên và sâm Trung Quốc không có đó là giúp cơ thể kháng khuẩn, chống trầm cảm, giảm lo âu, chống ôxi hóa và hiệp lực tốt với thuốc kháng sinh, thuốc trị bệnh tiểu đường, ung thư... Chính vì những giá trị dược liệu đó mà sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam có giá trị kinh tế rất cao. Hiện ở vùng trồng sâm huyện Nam Trà My, một ký sâm Ngọc Linh củ còn tươi có giá bán dao động 60 - 150 triệu đồng, tùy vào độ tuổi.

Theo đề án quốc gia về “Bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam” đã được Chính phủ đồng ý phê duyệt, huyện Nam Trà My có 15.000ha đất dưới tán rừng già ở độ cao 1.100m - 2.400m được quy hoạch đưa vào trồng sâm. Hiện tại tỉnh đã cho phép 6 doanh nghiệp tiềm năng vào khảo sát với diện tích 1.500ha đất dưới tán rừng để trồng sâm với mức thuê dịch vụ môi trường là 200 nghìn đồng/ha/năm. Huyện Nam Trà My cũng đã chủ động xây dựng vườn sâm gốc 100ha để cung ứng giống sâm Ngọc Linh thuần chủng nhằm phát triển vùng nguyên liệu. Theo phân tích của các nhà kinh tế học, bình quân 1ha đất rừng trồng sâm sau 5 năm sẽ thu lợi nhuận hơn 50 tỷ đồng ở dạng nguyên liệu. Nếu đầu tư dây chuyền chế biến thành các sản phẩm gia tăng thì lợi ích thu về còn cao hơn rất nhiều. Tính một cách đơn giản: Mua 10 cây sâm 1 năm tuổi giá 2 triệu đồng. Trồng 4 năm sau, 10 cây nặng 2 lạng bán được 15 triệu đồng và thu hoạch ít nhất được 100 cây sâm giống trị giá 20 triệu đồng. Bởi vậy mà hiện tại ở thủ phủ sâm Ngọc Linh Nam Trà My có rất nhiều tỷ phú vì có hàng chục héc ta sâm lâu năm.

Đặc điểm của cây sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam là chỉ sống được dưới tán rừng già nơi có độ che phủ thấp nhất phải đạt 70%. Vì nếu trồng ở những nơi có ánh nắng chiếu trực tiếp thì sâm sẽ bị úng thối củ và chết. Hiện nay ở các xã Trà Nam, Trà Linh, Trà Cang thuộc thủ phủ sâm Ngọc Linh của huyện Nam Trà My, bà con trồng sâm luôn ý thức giữ rừng. Họ nâng niu chăm bón từng cây rừng tự nhiên để tạo độ che phủ cho sâm sinh trưởng tốt. Nhiều làng xưa kia lấn rừng lấy đất làm nương rẫy thì nay người dân lại chủ động tái tạo hệ sinh thái bằng cách trồng cây rừng bản địa để đưa vào phát triển sâm Ngọc Linh. Khi người dân đã sống dựa vào rừng thì việc bảo vệ rừng là lẽ đương nhiên. “Muốn trồng sâm làm giàu thì phải giữ rừng thôi. Không ai giữ rừng tốt bằng người dân bản địa nên di thực sâm Ngọc Linh tới nơi khác không chỉ góp phần làm giàu cho địa phương đó mà còn bảo vệ được hệ sinh thái bền vững cho quốc gia. Cho nên trồng sâm Ngọc Linh đem lại nhiều lợi ích nhân văn sâu sắc” - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Hồ Quang Bửu khẳng định.

HOÀNG THỌ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sâm Ngọc Linh, bảo vật quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO