LTS: Vừa qua, Công ty CP Thương mại dược sâm Ngọc Linh Quảng Nam đã khởi kiện UBND tỉnh Quảng Nam về quyết định thu hồi Trạm Dược liệu sâm Ngọc Linh. Khi nghe thông tin về vụ khởi kiện này, dược sĩ chuyên khoa 1, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam Đặng Ngọc Phái - người từng gắn bó, đóng góp nhiều công sức và tâm huyết cho cây sâm Ngọc Linh trong suốt nhiều năm qua, gửi đến Báo Quảng Nam bài viết với nhiều thông tin về quá trình bảo tồn, phát triển loài cây dược liệu quý hiếm này.
Việc bảo tồn và phát triển cây nhân sâm Ngọc Linh, loài dược thảo quý hiếm mà thiên nhiên ban tặng cho Quảng Nam luôn là tâm huyết của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam.
Lúc mới tái lập tỉnh năm 1997, dù phải đối mặt với vô vàn khó khăn, song khi biết được thông tin qua báo chí (cây sâm Ngọc Linh bị khai thác cạn kiệt, có nguy cơ tuyệt chủng...), UBND tỉnh đã lập tức chỉ đạo tổ chức đoàn cán bộ gồm Sở Y tế và các ngành liên quan lên Trà Linh khảo sát để xây dựng kế hoạch quản lý bảo tồn và phát triển. Đồng thời chỉ đạo ngành y tế triển khai dự án thành lập Trạm Dược liệu sâm Ngọc Linh năm 1998 đến năm 2005.
Sâm Ngọc Linh. Ảnh: HOÀNG THỌ |
Tâm huyết
Để có nguồn kinh phí chăm lo đời sống cho 13 công nhân của trạm dược liệu, Sở Y tế xây dựng đề tài Nghiên cứu khoa học bảo vệ và phát triển nguồn sâm Ngọc Linh. Trên cơ sở đó, Sở Khoa học - công nghệ cấp 100 triệu đồng tạm thời trả lương cho công nhân; đồng thời xúc tiến làm việc với Bộ Y tế, Viện Dược liệu tìm nguồn tài trợ cho Trạm Dược liệu Trà Linh. Sau 3 năm quản lý đầu tư, Sở Y tế đã khôi phục cây sâm Ngọc Linh thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng và cung cấp cho tỉnh Kon Tum 35.000 cây để làm giống, cùng bảo tồn phát triển nguồn gen cây thuốc.
Đến cuối năm 2001, UBND tỉnh chỉ đạo chuyển giao Trạm Dược liệu sâm Ngọc Linh cho Công ty Dược vật tư y tế Quảng Nam quản lý. Điều đáng chú ý là dù bàn giao toàn bộ cơ sở vật chất cho doanh nghiệp (nhà cửa, vật tư, công cụ lao động, số lượng cây sâm thực tế, kể cả vùng đất quy hoạch trồng sâm là 30ha) song lúc bấy giờ, tỉnh đã không tính giá trị bàn giao bằng tiền. Bên cạnh đó, UBND tỉnh còn chỉ đạo Sở Tài chính tiếp tục đầu tư và trả lương cho công nhân đến năm 2005; chỉ đạo Sở Khoa học - công nghệ và các ngành chức năng thiết lập, phê duyệt 6 đề tài khoa học về bảo tồn, nhân giống, xây dựng vườn sâm nhân dân, di thực trồng sâm đến vùng núi khác trong tỉnh có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tương tự, nhằm tạo nguồn kinh phí cho Trạm Dược liệu Trà Linh phát triển. Ngoài ra, Bộ Khoa học - công nghệ, Bộ Y tế, Viện Dược liệu cũng đã có 3 dự án bảo tồn nguồn gen nhân giống cây sâm con, xây dựng các mô hình vườn sâm của huyện Nam Trà My.
TS. Đào ở Trung tâm Sinh học TP.Hồ Chí Minh nghiên cứu tạo giống cây sâm Ngọc Linh năm 2012. (Ảnh: tư liệu) |
Đầu năm 2005, Công ty Dược vật tư y tế Quảng Nam cổ phần hóa, nhưng UBND tỉnh không đưa Trạm Dược liệu sâm Ngọc Linh vào cổ phần hóa, vẫn giữ nguyên để công ty quản lý phát triển. Năm 2006, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Thị Thanh Lâm lên thăm trạm dược liệu và cấp kinh phí xây dựng ngôi nhà rất khang trang cho trạm, để cho công nhân ở sinh hoạt và bảo vệ vườn sâm.
Cần giữ gìn tài sản
Qua gần 12 năm, UBND tỉnh giao cho Công ty Dược liệu vật tư y tế Quảng Nam quản lý bảo tồn và phát triển vùng sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên, trong suốt thời gian này, công ty không hề báo cáo với UBND tỉnh về quản lý, kinh doanh trạm dược liệu; kể cả số lợi nhuận mà trạm dược liệu đem lại. Theo chúng tôi được biết, số cây sâm mà Công ty Dược liệu vật tư y tế khai thác trong 10 năm qua với cây sâm bị mất qua các năm tương đương với số cây sâm mà công nhân của trạm nhân giống và trồng ra. Và cũng trong mười mấy năm qua, Nhà nước đã đầu tư nhiều công sức, tiền của cho việc bảo tồn và phát triển loại cây thuốc quý này. Trong khi đó, thời gian qua, Công ty Dược vật tư y tế bán ra từ 25 triệu đến 40 triệu/kg sâm tươi và từ 15.000đ - 30.000đ/một cây sâm con 1 năm tuổi cho các dự án.
TS-DS. Cao Minh Quang - Thứ trưởng Bộ Y tế lên thăm công nhân Trạm Dược liệu Trà Linh năm 2011. |
Trên thực tế, từ khi phát hiện cây sâm cho đến hiện nay, đã có nhiều nhà khoa học và cán bộ y tế hy sinh trong kháng chiến và sau hòa bình vì đi tìm cây thuốc, tỉnh Quảng Nam cũng chưa thu lợi nhuận từ cây thuốc này. |
Hiện nay nhu cầu trồng sâm trong nhân dân ở các huyện miền núi cao rất lớn nhưng không có giống, kể cả việc cần dùng sâm để chữa bệnh hiểm nghèo nhưng không có để cung cấp (cầu lớn hơn cung).
Vì vậy, việc UBND tỉnh Quảng Nam quyết định thu hồi Trạm Dược liệu sâm Ngọc Linh để thành lập Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu là đúng đắn. Đây không phải là điều bất ngờ, mà thật ra đã có trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội nông thôn miền núi từ năm 2005 - 2010 mà HĐND tỉnh đã đề ra.
Sâm Ngọc Linh là bảo vật quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho Quảng Nam. Đây là cây thuốc điều trị các bệnh hiểm nghèo, cây xóa đói giảm nghèo cho đồng bào miền núi cao, vừa giúp bảo vệ được rừng đầu nguồn và môi trường sinh thái. Và sâm Ngọc Linh cũng nằm trong danh mục của Bộ Y tế về đầu tư phát triển thương hiệu quốc gia.
Hiện nay, UBND tỉnh Kon Tum đã có kế hoạch phát triển cây sâm đến năm 2020 với kinh phí là 66 tỷ đồng. Vì vậy, theo chúng tôi, Quảng Nam phải quản lý và có kế hoạch phát triển vùng sâm Ngọc Linh, nhất thiết không để tư nhân chiếm lĩnh. Nếu mất cây sâm Ngọc Linh thì rừng đầu nguồn Ngọc Linh cũng mất theo.
Núi Ngọc Linh còn là khu bảo tồn thiên nhiên, đồng thời cũng là khu căn cứ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến, có vị trí chiến lược quan trọng của quốc gia cần được bảo vệ.
Dược sĩ CKI. ĐẶNG NGỌC PHÁI
(Nguyên PGĐ Sở Y tế Quảng Nam)