Sâm Ngọc Linh trên đất Kon Tum

PHẠM ANH 24/01/2018 09:34

Những năm gần đây, cùng với Quảng Nam, chính quyền tỉnh Kon Tum đã huy động nhiều nguồn lực để phát triển diện tích và xây dựng thương hiệu sâm Ngọc Linh.

Vườn sâm của Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum. Ảnh: P.A
Vườn sâm của Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum. Ảnh: P.A

Liên kết với doanh nghiệp

Theo bà Trần Thị Tuyết, Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Kon Tum, sâm Ngọc Linh chỉ có ở hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum (tập trung ở các huyện Đăk Glei và Tu Mơ Rông). Cách đây hàng chục năm, Kon Tum đã xác định sâm Ngọc Linh là cây trồng chủ lực, phát triển thành sản phẩm dược liệu quý hiếm mang thương hiệu quốc gia. Những năm gần đây, để phát triển diện tích trồng sâm, tỉnh này đã nhân rộng nhiều mô hình liên doanh, liên kết giữa người dân với người dân, người dân với doanh nghiệp. Điển hình là Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum ra đời, liên kết với người dân ở hai xã Tê Xăng và Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông) để trồng sâm. Hiện nay, ngoài trả lương cho những người dân này 3 triệu đồng/người/tháng, công ty còn hỗ trợ 25kg gạo/người/tháng, chưa kể thịt, mắm, bột ngọt… Ngoài ra, người dân mỗi năm còn được công ty hỗ trợ 100 cây sâm giống. “Ba năm liên kết mỗi hộ đã được 300 gốc sâm, rất có lợi cho bà con, nên ai cũng muốn làm công nhân sâm và trồng sâm” - ông A Róc, Phó Chủ tịch UBND xã Măng Ri cho biết.

Theo ông Nguyễn Đức Tuy - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Kon Tum (Chủ tịch Hội sâm Ngọc Linh tỉnh Kon Tum), địa phương còn có những bước đi vững chắc để xây dựng thương hiệu quốc gia sản phẩm sâm Ngọc Linh, trong đó sẽ tiếp tục triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và các dự án về cây sâm. Mỗi doanh nghiệp đầu tư vào trồng sâm, sẽ được tỉnh Kon Tum tạo điều kiện thuận lợi như: cho thuê rừng với mức tạm thu mỗi năm 600 nghìn đồng/ha; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng giống, quản lý thị trường nhằm ngăn chặn sâm giả... UBND tỉnh Kon Tum đang kêu các doanh nghiệp đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh gắn với phát triển du lịch. Kon Tum cho doanh nghiệp hưởng chính sách ưu đãi cao nhất về đất đai, thuế... khi đầu tư vào phát triển du lịch gắn với cây sâm Ngọc Linh tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum đã xây dựng kế hoạch triển khai dự án đầu tư quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, kết hợp bảo vệ và phát triển cây sâm Ngọc Linh dưới tán rừng tại huyện Tu Mơ Rông với quy mô gần 5.000ha, trong đó có đầu tư hạ tầng giao thông, lưới điện, nước.

Tuy nhiên, tỉnh Kon Tum khẳng định việc phát triển diện tích sâm không tiến hành ồ ạt, nếu đầu tư trồng sâm, nhà đầu tư phải chỉ ra được nguồn giống và kiểm soát chất lượng giống. Ngoài ra, việc cấp phép đầu tư trồng sâm kèm theo điều kiện là nhà đầu tư phải đảm bảo hộ giống gốc và phải trồng ngay trên núi Ngọc Linh, như vậy mới có thể xây dựng và duy trì thương hiệu sâm Ngọc Linh. Hiện tại, tỉnh Kon Tum có 2 doanh nghiệp đảm bảo điều kiện này là Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô (Kon Tum).

Nỗi lo từ sâm

Đưa cây sâm trở thành cây hàng hóa chủ lực
Đến nay, tỉnh Kon Tum phát triển được 325ha sâm Ngọc Linh dưới những tán rừng nguyên sinh ở độ cao từ 1.800 đến 2.500m trên núi Ngọc Linh ở địa bàn hai xã Măng Ri, Ngọc Lây (huyện Tu Mơ Rông). Theo kế hoạch, năm 2020, tỉnh Kon Tum phấn đấu trồng 1.000ha, sản lượng sâm ước đạt 190 tấn/năm. Dự kiến đến năm 2025, tỉnh Kon Tum trồng hơn 9.300ha sâm với quy mô công nghiệp, hàng năm khai thác 800ha. Địa phương xác định mục tiêu đưa cây sâm Ngọc Linh trở thành cây hàng hóa chủ lực trong phát triển kinh tế - xã hội và đa dạng hóa sản phẩm từ sâm.
Ông Nguyễn Đức Tuy - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Kon Tum (Chủ tịch Hội sâm Ngọc Linh tỉnh Kon Tum) cho biết: “Kon Tum là quê hương của cây sâm Ngọc Linh, nên xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm sâm Ngọc Linh không chỉ là niềm tự hào, mà còn là  trách nhiệm của chính quyền và người dân. Nói về trách nhiệm thì phải trồng giống đảm bảo và có bộ máy kiểm soát chuyện này từ khâu giống đến điểm trồng, cách chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, đóng gói, nhãn hiệu… Nghĩa là tất cả phải tuân theo một quy trình nghiêm ngặt”.

Ông A Hơn - Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, đồng bào Xê Đăng ở địa phương đã biết cách trồng sâm Ngọc Linh trên rừng, “âm thầm” trồng rất nhiều sâm nên hiện rất khó thống kê về diện tích. Để có nguồn giống sâm Ngọc Linh, tỉnh Kon Tum đã đầu tư kinh phí xây dựng Khu bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh và giao cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô thực hiện. Tại đây, cây sâm Ngọc Linh phát triển khá tốt, vừa trồng vừa nhân giống và đến nay đã chuyển giao hàng chục nghìn cây sâm giống cho các hộ dân tộc thiểu số tại Tu Mơ Rông. Theo ông A Hơn, để phát triển mạnh diện tích sâm không phải dễ. Nguyên nhân là nguồn giống sâm rất hiếm, giá cao.

Ngoài nỗi lo về giống thì tình trạng sâm giả trà trộn cũng gây khó khăn trong việc bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh ở Kon Tum. Thử lướt trên nhiều trang xã hội sẽ thấy việc rao bán sâm Ngọc Linh diễn ra tràn lan. Có người còn rao bán hàng chục ký sâm Ngọc Linh củ to nhỏ đủ loại và cam đoan đó là “hàng trồng”, “hàng rừng”, “lá tươi nguyên thật 100%”... Nhưng theo ông A Sỹ - Bí thư Đảng ủy xã Măng Ri (vừa là người đang được giao quản lý nhóm liên kết trồng sâm Ngọc Linh với Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum), hiện giờ, nếu sâm còn nguyên cả lá 100% là đồ dỏm, bởi sâm Ngọc Linh đến thời điểm này đã rụi hết lá (hay gọi là ngủ đông), đến sau Tết Nguyên đán mới nứt lá lại. Ông A Sỹ kể, một bận nghe có người trồng sâm ở xã Ngọc Lây (Tu Mơ Rông), ông đã đích thân vào tận nơi để xem, phát hiện có một số cây, củ rất giống sâm Ngọc Linh được trồng lẫn với sâm Ngọc Linh thật. “Từ nhỏ đến giờ, tôi đi tìm sâm rừng, trực tiếp trồng sâm Ngọc Linh nhiều năm nay nên chỉ cần nhìn là biết ngay đâu là giả, đâu là thật. Đối với những người đang liên kết trồng sâm Ngọc Linh, nếu phát hiện có tham gia buôn bán sâm Ngọc Linh giả sẽ bị loại khỏi nhóm ngay. Đó là cách bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh” - ông A Sỹ nói.

PHẠM ANH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sâm Ngọc Linh trên đất Kon Tum
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO