Sâm Hàn quốc, Mỹ, Nhật Bản nhờ làm tốt công tác quảng bá nên mọi người cũng nghĩ đó là những loại sâm tốt của thế giới. Nhưng có mấy ai biết rằng ở ngay trên sườn núi Ngọc Linh (Nam Trà My) có một loại sâm với nhiều hoạt chất vi lượng bổ dưỡng tốt gấp nhiều lần các loại sâm của nước ngoài.
SÂM Ngọc Linh hiện được định danh là sâm Việt Nam. Đặc tính của loại sâm này là mỗi năm sinh trưởng, sâm tạo một vòng khúc quanh củ nên đồng bào gọi là sâm đốt trúc. Cây sâm mọc chủ yếu tại các xã Trà Linh, Trà Nam, Trà Cang thuộc huyện Nam Trà My tỉnh Quảng Nam và 3 xã thuộc huyện Tu Mơ Rông tỉnh Kon Tum. Tuy nhiên, theo đồng bào Xê Đăng nguồn gốc chính của cây sâm này là làng Măng Lùng thuộc thôn 2 xã Trà Linh. Tiếng Xê Đăng, Măng Lùng có nghĩa là mây trắng giăng giăng. Vùng đất giữa đại ngàn núi cao hơn 2.589m, quanh năm mây phủ, nhiệt độ dao động 9 - 180C cộng với thổ nhưỡng phì nhiêu của lớp mùn dưới tán lá rừng nguyên sinh là điều kiện thuận lợi nhất cho cây sâm phát triển sinh sôi với nhiều hoạt chất vi lượng bổ dưỡng mà không một loại sâm nào trên thế giới có được.
Một góc vườn sâm Ngọc Linh 15 năm tuổi ở xã Trà Linh. Ảnh: L.G |
Cây sâm Ngọc Linh sinh trưởng chậm, nhưng lại có sức sống lâu bền đến cả trăm năm tuổi. Cách đây hơn 20 năm việc vào rừng tìm sâm về làm thuốc là chuyện bình thường của đồng bào Xê Đăng và có người đã tìm được củ sâm to, già gần cả trăm đốt (mỗi đốt tương đương 1 năm tuổi). Cây sâm Ngọc Linh quý hiếm vì nó sinh trưởng trong môi trường khí hậu thổ nhưỡng đặc biệt, chỉ có ở vùng quanh sườn núi Ngọc Linh. Để khai thác được củ có chất lượng đòi hỏi phải chờ đợi ít nhất 7 - 10 năm, càng lâu năm càng giá trị. Cây sâm Ngọc Linh quý hiếm vì có nhiều vi chất có giá trị cho việc bồi bổ sức khỏe, vì thế nó đã cuốn hút hơn 50 nhà khoa học nghiên cứu làm đề tài về nó.
Theo các nhà khoa học Nguyễn Minh Đức và Võ Duy Huấn, từ sâm Ngọc Linh đã chiết xuất được 50 hợp chất, xác định cấu trúc hóa học cho thấy 26 hợp chất có cấu trúc thường thấy như sâm Hàn Quốc, sâm Mỹ, sâm Nhật Bản và có 24 saponin pammaran có cấu trúc mới không bắt gặp ở các loại sâm nước ngoài. Sâm Ngọc Linh chủ yếu chứa các saponintritepen và là loại cây có hàm lượng saponin khung pammaran cao nhất khoảng 12 - 15% và có lượng saponin cao nhất trong các loại sâm. Ngoài ra trong sâm Ngọc Linh còn có 14 axít béo, 16 axít amin và 18 nguyên tố đa lượng, vi lượng. Còn theo công trình nghiên cứu mới nhất của tiến sĩ Nguyễn Bá Hoạt, về mặt hóa học, thân, rễ, củ sâm Ngọc Linh có 56 saponin, cao gấp đôi lượng saponin của sâm Triều Tiên, Nhật Bản, Mỹ. Đã xác định sâm Ngọc linh có 17 axít amin, 20 chất khoáng vi lượng và hàm lượng tinh dầu là 0,1%.
Sâm Ngọc Linh có giá bán hiện nay khá đắt 25 - 50 triệu đồng/kg sâm tươi. Có một vị doanh nhân Hàn Quốc đang đầu tư kinh doanh tại Việt nam biết được giá trị đặc hữu của sâm Ngọc Linh nên nhờ mua một ký về làm quà cho cha mẹ già ở Hàn Quốc nhân dịp mừng thọ song thân tròn 80 tuổi. Người viết bài này đã giúp cô cháu gái (làm việc tại công ty của vị doanh nhân này) chọn mua cho ông ta một ký sâm Ngọc Linh loại thượng hảo hạng với giá 40 triệu đồng. Khi nhận ký sâm, ông ta vô cùng mừng vui và rối rít nói lời cảm ơn mới học được. Thế mới thấy sâm Ngọc Linh có chất lượng đặc hữu đến nhường nào.
LÊ GÂN