Tổ chức hoạt động ngoại khóa dành cho học sinh khuyết tật tại các trường học trên địa bàn huyện Nông Sơn là việc làm hết sức thiết thực, nhằm giúp các em có cơ hội thực hiện quyền bình đẳng, được hòa nhập với cộng đồng.
Được tham gia hội thi giúp học sinh khuyết tật mạnh dạn trước đám đông. Ảnh: THIÊN THU |
Cô giáo Trương Thị Thê - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Viên cho biết, nắm bắt được đặc điểm tâm sinh lý của trẻ khuyết tật nên hằng năm nhà trường đều tổ chức các hoạt động ngoại khóa dành riêng cho học sinh khuyết tật như: Hội thi tiếng hát tuổi thơ, kể chuyện theo tranh, khéo tay hay làm, cờ vua cờ tướng… Đây là cơ hội để các em được giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau. Qua đó, phát triển mọi năng lực, năng khiếu sẵn có, tăng cường sức khỏe, lạc quan, tự tin yêu đời để hòa nhập với cộng đồng và xã hội. Cũng theo cô giáo Trương Thị Thê, trong năm học 2017 - 2018 nhà trường có 6/292 học sinh khuyết tật, mỗi học sinh với một dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật khác nhau. Vì vậy khi tổ chức các hoạt động nhà trường xem xét kỹ lưỡng để các em đều có thể tham gia ở một mức độ nào đó dưới sự hướng dẫn tận tình của giáo viên. Ví như, khi tổ chức hội thi “Kể chuyện theo tranh”, tùy theo các dạng khuyết tật của học sinh mà giáo viên phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên để các em ít gặp khó khăn trong quá trình tham gia thảo luận, làm việc nhóm. Em Nguyễn Văn Th., học sinh chậm phát triển trí tuệ thổ lộ: “Em rất vui được sắm vai nhân vật Minh trong câu chuyện “Người mẹ hiền” khi tham gia hội thi “Kể chuyện theo tranh”. Em mong muốn có thêm nhiều hoạt động để em và các bạn phát huy năng khiếu của mình”. Còn em Đặng Thị Ngọc H. khuyết tật về thể chất tâm sự: “Mặc dù rất khó di chuyển khi tham gia trò chơi “Kẹp bóng về đích” nhưng được sự hỗ trợ nhiệt tình của các bạn trong lớp nên em cố gắng tham gia và về đích. Em thấy tự tin hơn vì đã giành chiến thắng trong trò chơi này”.
Tương tự, tại Trường Tiểu học Quế Ninh, khi tổ chức hoạt động ngoại khóa vui chơi dành cho học sinh khuyết tật như: Hội thi ghép tranh, múa hát tập thể, khéo tay hay làm, kéo co… đều có sự hỗ trợ đắc lực của giáo viên cũng như học sinh bình thường. Mục đích nhằm giúp các em khuyết tật hào hứng, dễ dàng tham gia hoạt động và tạo sự mạnh dạn, tự tin khi đứng trước đám đông. Cô giáo Lê Thị Trung Thu - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quế Ninh chia sẻ, song song với công tác dạy học, hoạt động vui chơi giải trí dành cho học sinh khuyết tật luôn được nhà trường chú trọng. Điều này mang ý nghĩa thiết thực, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, tình cảm của xã hội đối với học sinh khuyết tật. Từ đó góp phần giúp các em vơi bớt mặc cảm, tự ti, nỗ lực vươn lên, vượt qua mọi khó khăn để hòa nhập với cuộc sống. “Trẻ em khuyết tật luôn đối mặt với nhiều thách thức, tự ti trước các mối quan hệ với bạn bè, gia đình và xã hội. Vì vậy nhà trường luôn tạo sân chơi lành mạnh làm cầu nối hữu ích giúp các em cải thiện các mối quan hệ, thêm lạc quan yêu đời, phát triển thể chất và hoàn thiện các kỹ năng cơ bản” - cô giáo Lê Thị Trung Thu nói.
Cũng theo cô Thu, ngoài phong trào giáo dục ngoài giờ lên lớp, trong quá trình dạy học, giáo viên luôn xây dựng kế hoạch dạy học và hệ thống các câu hỏi phù hợp với học sinh khuyết tật. Đồng thời trang bị tốt về cơ sở vật chất, tạo điều kiện thuận lợi khi tham gia học tập hòa nhập. Giáo viên, nhân viên cũng thường xuyên tham gia các khóa tập huấn, nâng cao chuyên môn về giáo dục cho học sinh khuyết tật do các cấp tổ chức. Qua đó đảm bảo các em được tham gia một cách đầy đủ, tích cực và hiệu quả những hoạt động trong nhà trường.
THIÊN THU