Những ngày qua, tại TP.Tam Kỳ, một hội giảng đã được tổ chức nhằm tạo cơ hội cho các nhà giáo thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trong toàn tỉnh có cơ hội giao lưu, học nhau những cách làm hay, nâng cao năng lực giảng dạy…
|
Một tiết giảng thực hành tại hội giảng. Ảnh: D.L |
Thách thức từ thực tế
Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp lần thứ VII năm 2017 có điểm mới so với mọi năm, đó là giáo viên dạy nghề không chỉ thao giảng bài lý thuyết, bài thực hành mà tích hợp cả lý thuyết và thực hành vào một bài giảng. Có 17 đoàn tham gia hội giảng với 38 bài giảng từ trình độ sơ cấp đến cao đẳng nghề. Theo ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, hoạt động giáo dục nghề nghiệp hiện nay tuy có thuận lợi hơn, nhưng lại có những khó khăn, thách thức mới. “Thách thức đối với giáo dục nghề nghiệp đó là vấn đề duy trì và phát triển quy mô đào tạo, đảm bảo điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ giảng dạy, đặc biệt là việc nâng cao chất lượng đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội đối với người thợ lành nghề. Vì thế nên giáo dục nghề nghiệp cần phải đổi mới cả về quy mô và chất lượng, nội dung và phương pháp giảng dạy cũng phải thay đổi theo yêu cầu của xã hội. Hội giảng đã đặt ra yêu cầu này đối với giáo viên tham gia hội giảng. Từ hội giảng cũng sẽ phần nào cho thấy chất lượng giáo dục nghề nghiệp ở từng cơ sở, năng lực chuyên môn của giáo viên trực tiếp được chọn cử tham gia trình giảng. Đồng thời cơ quan quản lý cũng sẽ tích lũy được những kinh nghiệm quý trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp của tỉnh thời gian tới” - ông Thùy nói.
Được mời làm giám khảo tại hội giảng, ông Nguyễn Văn Hùng (đến từ Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Nam Định) cho rằng, việc nâng cao chất lượng giáo viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là nhu cầu cấp bách hiện nay. Bởi, một số cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên không thể hiện rõ tính chuyên nghiệp; trong đào tạo, bồi dưỡng năng lực hành nghề cho giáo sinh còn hạn chế về thời lượng và chất lượng cũng như việc tổ chức kiến tập, thực tập. Bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu khoa học của một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế; cơ cấu ngành nghề đào tạo giáo viên chưa hợp lý, một số nghề chưa có giáo viên được đào tạo bài bản, tỷ lệ giáo viên dạy tích hợp còn thấp so với yêu cầu của chương trình đào tạo...
Nâng cao chất lượng từ hội giảng
Theo ông Trần Đình Quế - Trưởng phòng Dạy nghề Sở LĐ-TB&XH, qua hội giảng có thể thấy sự đầu tư khá bài bản của giáo viên, nhất là bài giảng thực hành và tích hợp. Trang thiết bị được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đưa đến hội giảng để phục vụ cho các bài trình giảng khá đầy đủ. Có thể kể đến các đơn vị đầu tư lớn cho bài giảng như Trường Cao đẳng Nghề Chu Lai - Trường Hải hay Trường Cao đẳng Điện lực miền Trung. Những nhà giáo tham gia hội giảng còn sử dụng hiệu quả thiết bị đào tạo tự làm, ứng dụng tốt công nghệ thông tin trong bài giảng. “Hầu hết bài giảng được chuẩn bị khá chu đáo, đầy đủ theo đúng quy định về hồ sơ giáo án, đề cương bài giảng; xác định đúng mục tiêu, yêu cầu của bài giảng; cấu trúc chương trình và phân bổ thời gian cho từng nội dung khá hợp lý, đảm bảo được khối lượng kiến thức và kỹ năng cần trang bị cho người học. Đặc biệt, tại hội giảng lần này, mỗi nhà giáo đều phải chuẩn bị đủ 3 loại bài giảng (lý thuyết, thực hành và tích hợp). Và dù chỉ được bốc thăm chọn bài giảng chính thức trước 2 ngày diễn ra hội giảng, nhưng hầu hết nhà giáo dự thi đã có sự đầu tư và thực hiện tốt bài trình giảng của mình. Sự chênh lệch về chất lượng các bài giảng đã được rút ngắn so với những lần hội giảng trước” - ông Quế nhận xét.
Về năng lực sư phạm, Hội đồng Ban giám khảo đánh giá hầu hết nhà giáo trình giảng có phong thái tự tin, diễn đạt rõ ràng, dễ hiểu, đặt và chuyển tiếp vấn đề sinh động, hợp lý, nêu được trọng tâm của bài giảng. Các bài giảng đã kết hợp, sử dụng nhuần nhuyễn, hợp lý phương pháp dạy học, phương tiện, thiết bị, dụng cụ, đặc biệt là thiết bị công nghệ thông tin, giúp người học tiếp thu bài tốt. Các nhà giáo đã tổ chức tốt quá trình dạy học, phát huy được tính tích cực, chủ động của người học trong tiếp thu kiến thức và hình thành kỹ năng. Bài giảng cũng kết hợp được việc dạy kiến thức, rèn luyện kỹ năng nghề với giáo dục phẩm chất, tác phong nghề nghiệp cho người học, đồng thời đảm bảo tốt quy trình an toàn lao động trong thực hành nghề. Về năng lực chuyên môn, các nhà giáo đã xác định khối lượng kiến thức và kỹ năng phù hợp với mục tiêu bài giảng, đối tượng đào tạo, đảm bảo chính xác, sát thực tế, có cập nhật nội dung kiến thức mới. Nhiều nhà giáo trình giảng có kiến thức, kỹ năng tay nghề cao, thành thạo trong thao tác mẫu, tạo được niềm tin trong nghề nghiệp đối với học sinh, sinh viên. Hội giảng sẽ là động lực để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, nâng cao được chất lượng giảng dạy của đội ngũ giáo viên dạy nghề.
DIỄM LỆ