Cho đến nay ở các làng quê, khi một số công đoạn của nghề nông đang từng bước được cơ giới hóa thì cánh đàn ông dường như đã rảnh rỗi hơn xưa. Không có việc gì làm, họ ngồi nhà coi ti vi hoặc hú nhau ra đầu làng làm vài ba xị đế. Trong khi đó các bà vợ có vẻ như càng bận rộn tất bật hơn. Hết dặm lúa, mò cỏ, trồng rau, họ lại chăm chỉ tỉ mẩn với những món hàng gia công nhận về từ các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ, mong kiếm thêm ít đồng bù vào tiền thuê máy cày, máy gặt. Rồi nào con cái, cửa nhà, gà heo, vườn tược... mà hình như xưa nay vẫn luôn được “mặc định” là việc của đàn bà (!). Có thể nói từ sớm đến tối, từ nhà ra đồng, lúc nào họ cũng có công việc gì đó phải làm. Nếu có ai mời đám giỗ, đám cưới thì “nhiệm vụ” đó gần như đương nhiên là của đàn ông. Người phụ nữ nông thôn chẳng mấy khi ra chỗ đình đám, hội hè. Còn các ông chồng chẳng mấy khi quan tâm đến việc vợ mình ăn mặc thế nào, vóc dáng mặt mũi đã bị bùn đất nắng mưa dầu dãi đến bao nhiêu. Họa chăng mỗi năm có hai “ngày vía” mà ngày nay nhờ có cuộc vận động bình đẳng giới quyết liệt, cánh đàn ông mới nhường bước chịu ở nhà... nấu cơm. Đó là ngày Quốc tế phụ nữ 8.3 và thành lập Hội LHPN Việt Nam 20.10. Trong hai ngày đó, cánh phụ nữ ở làng có vẻ như được “thả ga”. Nhìn cái cách họ phát biểu, hát hò, nhảy múa, cụng ly “trăm phần trăm”, phần nào có thể hiểu được niềm khát khao được hòa nhập trong sinh hoạt cộng đồng, được thể hiện hết mình.
Thế nhưng những sinh hoạt như vậy ngoài việc đem lại niềm vui trong chốc lát, xem ra chẳng nâng cao vị thế của phụ nữ giữa cộng đồng nông thôn được bao nhiêu. Bởi, chưa được hướng dẫn, chưa được tổ chức theo những tiêu chí chặt chẽ nên các thể hiện cá nhân trong những ngày ấy vẫn mang tính tự phát, bốc đồng. Các cấp hội phụ nữ ở xã, thôn vẫn chưa có một mô hình sinh hoạt thực sự tôn vinh được hình ảnh, sự đảm đang và tài năng của những người vợ, người mẹ ở làng quê.
Trong một lần trò chuyện với một số bạn bè là phóng viên, nhà báo, khi bàn đến vấn đề văn hóa nông thôn, tôi có nêu lên một mô hình sinh hoạt gọi là cuộc thi “Hoa đồng nội” dành cho chị em phụ nữ nông dân. Ý tưởng này đã được anh em rất tán thành và đề nghị tôi nên vận động làm thí điểm ở một địa phương nào đó. Anh em hứa sẽ ủng hộ hết mình về mặt truyền thông. Và tôi đã bạo gan làm một việc “trái tay” là xây dựng một bản dự thảo đề án nhằm giới thiệu cho địa phương nơi tôi đang ở. Rất mừng là đề án đã được hầu hết chị em phụ nữ hoan nghênh, kể cả các đấng phu quân cũng đồng tình. Chi hội phụ nữ thôn tôi đang nghiên cứu để có thể triển khai vào dịp ngày 8.3 năm tới.
Trong cuộc thi này, đối tượng tham gia là những phụ nữ đang trực tiếp lao động nông nghiệp, không già không trẻ, đã có từ một đến hai con, do các tổ dân cư bầu chọn và được sự đồng thuận của gia đình. Để giới hạn về quy mô, cuộc thi chỉ nên tổ chức ở cấp thôn và nội dung bao gồm từ năm đến sáu hoạt động thi thố, chẳng hạn như:
Do khuôn khổ của bài báo có hạn, chúng tôi không thể giới thiệu đầy đủ “bản dự thảo đề án Hoa đồng nội” ở đây. Trong văn bản này có trình bày cách thức tổ chức, kể cả dự toán kinh phí cho một cuộc thi. Nếu hội phụ nữ địa phương nào thấy tâm đắc muốn tìm hiểu thêm, xin liên hệ với địa chỉ sau, chúng tôi sẽ gửi toàn văn bản dự thảo: Phan Văn Minh, hộp thư số 9, Bưu điện Thăng Bình, Quảng Nam. Điện thoại : 0918 093 724. Hoặc địa chỉ E-mail: nsphanvanminh@gmail.com |
Thi lao động giỏi: Tùy theo điều kiện mùa vụ, có thể chọn một trong các thao tác lao động nông nghiệp truyền thống như cấy lúa, cắt lúa, trồng khoai, tra hạt, tách hạt bắp, lột đậu vỏ… Nội dung này nên tổ chức thi riêng trước tại thực địa đồng ruộng hoặc trên sân bãi.
Thi nội trợ khéo tay: Có thể tổ chức thi một trong các hoạt động nấu nướng đơn giản thường ngày như nấu cơm, rang đậu, luộc rau, chiên trứng, đúc bánh xèo, gói bánh ú…
Thi ứng xử: Nội dung này nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng giao tiếp trong cộng đồng nên có phạm vi rất rộng. Có thể đó là những câu hỏi về quyền và nghĩa vụ của phụ nữ, về đối xử với chồng con, xóm giềng, về bảo vệ môi trường… Ban tổ chức nên xây dựng một hệ thống câu hỏi và gửi cho tất cả thí sinh trước đêm hội thi ít nhất vài ngày để họ nghiên cứu cách trả lời.
Thi hát dân ca: Trong thể lệ cần quy định rõ thí sinh phải chọn bắt buộc một thể loại dân ca nào đó như hát ru, hát nhân ngãi… hoặc tự chọn thể loại dân ca bất kỳ, nhưng phải đảm bảo là bài bản dân ca cổ truyền, không phải những bài hát cải biên hoặc mô phỏng dân ca. Các bài hát phải được đăng ký trước để ban tổ chức kiểm tra lại và để nhạc công chủ động khi đệm đàn. Nếu có điều kiện, trước đó có thể mời người hiểu biết dân ca dạy hát cho tất cả thí sinh một số làn điệu tiêu biểu để nâng cao chất lượng hội thi.
Thi trang phục tự chọn: Chị em phụ nữ nông dân cũng rất muốn và rất cần phải biết tự làm đẹp, nhất là trong những dịp hội hè, đình đám. Có thể chọn trang phục truyền thống hoặc hiện đại như áo dài, váy đầm, sơ mi… kết hợp với phong cách trang điểm nhằm thể hiện sự quan tâm đến bản thân mình trong giao tiếp. Nếu là năm đầu tiên, ban tổ chức nên cử người hướng dẫn trước cách trình diễn trên sân khấu cho tất cả thí sinh.
Thi trang phục nông dân: Có thể chỉ là áo bà ba, nón lá, khăn choàng… nhưng nếu may mặc đúng cách vẫn tôn vinh được vẻ đẹp của người lao động nữ. Ban tổ chức nên có một khoản kinh phí tối thiểu để hỗ trợ thêm cho thí sinh may sắm loại trang phục này, bởi nếu trình diễn trên sân khấu bằng những bộ đồ lao động đã cũ sờn sẽ gây phản cảm trước người xem.
Về giải thưởng, cũng nên mô phỏng theo cách cơ cấu phổ biến trong các cuộc thi sắc đẹp hiện nay, bao gồm các giải toàn năng và các giải nội dung. Tên gọi các giải nhất, nhì, ba nên đặt sao cho có vẻ thôn dã như hoa sen, hoa súng, hoa sim. Các giải phụ cũng nên có danh hiệu cho “kêu” như phụ nữ đằm thắm (hoặc duyên dáng), phụ nữ thân thiện, phụ nữ tự tin...
Một điều mà các cấp hội phụ nữ cần quan tâm hàng đầu là công tác tổ chức, tuyên truyền, cổ động, biểu dương... cho hội thi phải thật chặt chẽ và gây ấn tượng. Sao cho cuộc thi không chỉ là ngày hội “tài sắc” của nữ giới nông dân mà là của cả làng quê. Hãy tưởng tượng trong những ngày này, khi các thí sinh đang thi thố kỹ năng cắt lúa dưới ruộng thì trên bờ, già trẻ trai gái đứng reo hò, khua mõ đánh trống cổ động, huyên náo cả đồng làng. Hãy hình dung cảnh sau phút công bố giải thưởng trên sân khấu, một anh chồng vừa hả hê hãnh diện vừa đỏ mặt ngượng ngùng khi nghe tên vợ mình được xướng danh đoạt giải “hoa sen”.
Sức lan tỏa của cuộc thi sẽ rất nhanh và rộng khắp. Một thôn tổ chức thành công, các thôn khác lẽ nào lại chịu thua, như thế sẽ nhanh chóng nhân rộng. Nếu cách làm này được khởi động, chắc chắn nay mai sẽ trở thành một “điểm nhấn” cho diện mạo làng quê, góp thêm một mô hình văn hóa vừa truyền thống, vừa tươi trẻ lành mạnh trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Và người phụ nữ nông dân, sẽ từng bước rút ngắn khoảng cách với những người đồng giới ở chốn thị thành, xóa dần cái thân phận “đàn bà” ở những làng quê.
PHAN VĂN MINH