Liên hoan Tiếng hát thiếu nhi lần thứ nhất và Hội thi Mỹ thuật thiếu nhi tỉnh vừa kết thúc, cũng là lúc mùa hè của năm chuẩn bị khép lại. Thêm một cơ hội để nhìn lại các sân chơi về nghệ thuật biểu diễn dành cho lứa tuổi này, ở một tỉnh lẻ như Quảng Nam...
Liên hoan Tiếng hát thiếu nhi tỉnh lần thứ I - sân chơi mới dành cho thiếu nhi toàn tỉnh. Ảnh: S.ANH |
Văn nghệ đi theo vùng đất
Học chính. Học thêm. Quỹ thời gian biểu tất bật trong năm học khiến những hoạt động của các bộ môn nghệ thuật khó có thể xen ngang và thu hút thiếu nhi tham gia. Có lẽ cũng vì “hoàn cảnh” như vậy nên chỉ khi vào hè, hàng loạt sân chơi, các câu lạc bộ, đội nhóm của Nhà văn hóa (NVH) thiếu nhi, Trung tâm văn hóa (TTVH) của thành phố, huyện thị mới khởi động. Và cũng không thể trách khi sân chơi cho thiếu nhi cứ mỗi lúc hè về là “nóng”. Ông Nguyễn Hữu Đắc - Trưởng phòng VH-TT TP.Tam Kỳ chia sẻ, ở những địa phương có NVH thiếu nhi thì lứa tuổi này sẽ có nhiều loại hình sân chơi, và dĩ nhiên được quan tâm hơn. Sau khi đi vào hoạt động với cơ sở vật chất khang trang, NVH thiếu nhi TP. Tam Kỳ đã tổ chức được khá nhiều lớp học, với số lượng học viên nhí lên đến hàng trăm em. Từ múa, nhảy aerobic, dance trẻ em, nhảy hiện đại, thanh nhạc… đến luyện mỹ thuật, dẫn chương trình, hát dân ca, các loại đàn…, NVH thiếu nhi thành phố trở thành “điểm hẹn mùa hè” của các em. Tuy nhiên, ở Tam Kỳ, các bộ môn nghệ thuật tại NVH thiếu nhi vẫn chỉ dừng lại ở mức một sân chơi vào dịp hè, chưa đủ điều kiện để phát triển và nuôi dưỡng các em thành những đội năng khiếu. Ông Nguyễn Hữu Đắc cho biết, thành phố cũng đã có kế hoạch để phát hiện, bồi dưỡng các em có năng khiếu, nhưng chắc vài năm nữa mới có khả năng thực hiện.
Trong khi đó, tại Hội An, tuy chưa có hẳn NVH thiếu nhi, nhưng hoạt động dành cho thiếu nhi đã có nền nếp từ rất lâu, các đội nhóm văn nghệ được tuyển chọn thường xuyên từ trường học và được luyện tập, bồi dưỡng để phát triển. Ông Võ Phùng - Giám đốc Trung tâm VH-TT TP.Hội An chia sẻ, đến bây giờ, sau hơn 5 năm đưa các lớp học hát dân ca vào chương trình Đêm phố cổ hàng tháng, đồng thời xây dựng các nhóm ca của thành phố đã mang lại nhiều hiệu ứng tích cực. Riêng với câu lạc bộ hợp xướng nhí của TP.Hội An (ra đời năm 2013, ngay trước thềm Liên hoan Hợp xướng quốc tế lần thứ III), quá trình quy tụ hơn 30 tài năng nhí tham gia câu lạc bộ này là một nỗ lực lớn của những người làm văn hóa - văn nghệ phố cổ. Mỗi năm, Trung tâm VH-TT phối hợp với Phòng GD-ĐT thành phố mở lớp thanh nhạc tại các trường (mỗi năm chỉ chọn 1 trường). Vào buổi sinh hoạt đầu tuần, trung tâm cử người về trường được chọn để dạy dân ca và thanh nhạc cho các em. Trong lúc dạy sẽ tuyển chọn những em có khả năng thẩm âm, chất giọng tốt để đào tạo và bổ sung vào đội hợp xướng. Hiện tại, ngoài những lớp học hát dân ca, trẻ thơ phố Hội còn có thêm chương trình “cung đàn tuổi thơ”, với việc trình tấu các nhạc phẩm nổi tiếng của thế giới bằng đàn piano, do các em học sinh từ các trường tiểu học và THCS biểu diễn. Mới đây, một lớp “truyền vai tuồng cổ” cũng đã được mở, hy vọng Hội An sẽ có thêm một đội tuồng đồng ấu, bên cạnh các câu lạc bộ hợp xướng nhí, câu lạc bộ dân ca…
Tập hợp từ hội diễn
Không có điều kiện và môi trường như Hội An, nhưng từ mấy năm nay, Duy Xuyên cũng kịp ghi dấu ấn tại các hội diễn, liên hoan văn nghệ thiếu nhi toàn tỉnh. Bởi, những người làm văn hóa nơi đây “chịu” đầu tư cho phong trào văn nghệ thiếu nhi. Ông Bùi Minh Diệu - Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT huyện Duy Xuyên cho biết, với thế mạnh là vùng đất của tuồng đồ và vẫn duy trì thường niên về liên hoan tuồng truyền thống, việc phát hiện, tập hợp các em thiếu nhi trở thành những đội tuồng đồng ấu không phải quá khó khăn. Hiện tại, Duy Xuyên có đến 5 đội tuồng đồng ấu, 10 đội dân ca bài chòi nhí đủ để “đem chuông đi đánh xứ người”. Không chỉ đợi đến mùa hè thiếu nhi mới có sân khấu để diễn mà các em được luyện tập hàng tháng, và mỗi khi địa phương có chương trình, sự kiện đều được mời tham gia.
Nhưng lại không nhiều những địa phương có “điều kiện” như Duy Xuyên, mặc dù tiềm lực về những “tài năng nhí” thì nơi nào cũng có. Ông Nguyễn Văn Xứng - Trưởng phòng VHTT huyện Núi Thành cho biết, nếu thành lập những đội năng khiếu thì buộc địa phương phải có NVH thiếu nhi; còn không, chỉ có thể tìm qua những hội thi, hội diễn. Cách đây khoảng chừng 10 năm, tại xã Tam Hòa, một đội bả trạo nhí được thành lập qua sự kiếm tìm và tập hợp của nghệ nhân Lê Văn Minh. Nhưng những đứa trẻ của ngày ấy dần lớn lên, đội bả trạo cũng rã. Và từ đó đến nay chưa tập hợp thêm được một đội diễn nào nữa. Tương tự, từ năm 2000 huyện Quế Sơn cũng đã có một đội tuồng đồng ấu khá nổi tiếng, nhưng rồi thế hệ này lớn lên, địa phương không thể phát triển thêm lứa kế cận.
Một lần gặp nghệ sĩ Đặng Châu Anh, là giảng viên âm nhạc đồng thời cũng là giám đốc nghệ thuật Sol Art, nơi đang có rất đông thiếu nhi theo học thanh nhạc, chị cho rằng, ở địa phương hiện nay, các chương trình nghệ thuật, âm nhạc cho thiếu nhi còn rất ít. “Nghệ thuật cho thiếu nhi lâu nay gần như chỉ dừng sự phát triển tại những thành phố lớn, nơi có cung thiếu nhi, NVH thiếu nhi. Còn lại, nếu có các dự án nghệ thuật thì cũng chỉ mang tính chất thời hạn, nghĩa là dự án kết thúc thì chương trình không còn. Nên chăng các nhà sư phạm âm nhạc nghệ thuật, hoặc những người làm trong môi trường nghệ thuật cần tạo sân chơi hàng tháng, với các chủ đề khác nhau cho các em” - giảng viên âm nhạc Đặng Châu Anh chia sẻ.
Mùa hè sắp kết thúc. Nhưng hy vọng những sân chơi cho trẻ sẽ không dừng lại, như mọi năm. Trẻ con ở tỉnh lẻ vốn thiếu thốn, cần người lớn dành cho thêm nhiều sân chơi, dù chỉ trong phạm vi nhỏ.
SONG ANH