Sáng sớm nay (14.7), vòng chung kết World Cup 2014 đã bế mạc nhưng bao chuyện buồn vui trên sân cỏ sẽ còn dư âm trong lòng giới hâm mộ bóng đá.
Đây là mùa bóng kỳ lạ, ghi dấu sự ngậm ngùi với nhiều thần tượng. Từ Tây Ban Nha, đương kim vô địch phải rời sân sớm, đến các cường quốc bóng đá như Anh, Ý, Bồ Đào Nha đều rơi vào khủng hoảng.
Nặng nề nhất là Brazil. Người ta kỳ vọng biết bao với vũ điệu samba tưng bừng, với niềm tin như ông Scolari – huấn luyện viên của đội Brazil nói “chỉ cần đi 7 bước là đến thiên đàng” (seven steps to heaven), nghĩa là thắng 7 trận sẽ cầm chiếc cúp vô địch trong tay. Nhưng Brazil chỉ đi được 6 bước rồi gục ngã trước Đức, và đây cũng là lần đầu tiên Brazil thua trận bán kết World Cup. Không ai ngờ Brazil lại vỡ trận quá sớm, để thủ môn Julio Cesar phải 7 lần vào lưới nhặt bóng, trong đó có 4 lần bị tung lưới với thời gian kỷ lục: trong khoảng 7 phút đồng hồ. Giới hâm mộ thống kê, trước ngày thua Đức, Brazil đã đá 62 trận ở sân nhà mà chưa thua trận nào, chưa hề bị tung lưới quá 5 quả trong một trận World Cup (thắng Ba Lan 6-5 hồi 1938). Không tới được “thiên đàng”, Brazil càng sụp đổ, thua tiếp Hà Lan 3 quả trong trận tranh giải ba, như xuống đáy của “địa ngục”. Sân nhà tưởng là lợi thế nhưng đã trở thành chảo lửa tuyệt vọng của xứ sở bóng đá tinh hoa nhất Nam Mỹ.
Nước mắt và nỗi cay đắng gieo vào lòng hàng tỷ người hâm mộ đội bóng Brazil. Nhưng biết làm sao được, bóng đá là câu chuyện không có sự lặp lại mãi mãi thành công hay thất bại, và “người khổng lồ” cũng có lúc phải gục ngã.
Câu chuyện bóng đá, nghĩ cho cùng chỉ là trò chơi hấp dẫn. Thắng hay thua không quan trọng bằng vẻ đẹp của sự cống hiến cho niềm đam mê cháy bỏng. Như giai điệu La La La vang lên khắp hành tinh: Trái bóng này sẽ lăn đều/Thế giới sẽ trở thành sân cỏ…Mọi con tim sẽ hòa chung nhịp đập/Xin chào, Xin chào/Lalalala…
Một trận đấu, hay một vòng chung kết World Cup, dù có căng thẳng cũng đến hồi kết thúc trong hạn định. Sân cỏ bóng đá có khác với đấu trường chính trị. Cuộc đời rộng hơn sân bóng và phức tạp vô lường. Như chuyện biển Đông suốt hơn hai tháng qua chưa ngừng cuộc đấu nóng bỏng. Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm khẳng định trên báo chí rằng “căng thẳng ngày càng căng, nguy hiểm ngày càng nguy”. Trung Quốc vẫn ngoan cố cắm giàn khoan trái phép và tiếp tục gây hấn, đâm chìm tàu cá rồi bắt tàu ngư dân, cướp phá từ trang thiết bị, tài sản đến sản vật, lương thực trên tàu. Sau nghị trường Quốc hội, đến kỳ họp của các HĐND tỉnh và thành phố, những tiếng nói phản đối hành động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam liên tục vang lên. Ngoài nước, Thượng nghị viện Hoa Kỳ đã thông qua Nghị quyết lên án hành vi gây hấn của Trung Quốc trên biển Đông, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 và phục hồi nguyên trạng của vùng biển này như trước ngày 1.5.2014. Hội thảo quốc tế lần thứ 4 về biển Đông cũng vừa diễn ra vào ngày 10 - 11.7 ở Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế tại Washington DC. Tại đây, Dân biểu Mike Rogers, Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ đã phát biểu rằng: “Cái mà họ (Trung Quốc - NV) đang làm là nhằm thay đổi thực trạng trong khu vực, từ bãi này sang bãi khác, từ đảo này sang đảo khác. Họ đang cố gắng làm thay đổi động lực trong quan hệ giữa các nước trong khu vực. Trong vài tháng qua, họ đã dịch chuyển một giàn khoan dầu cỡ như sân bóng về gần quần đảo Hoàng Sa trong vùng nước của Việt Nam. Đảo nhân tạo được họ xây dựng ở Trường Sa.”
Sân cỏ bóng đá là nơi giao lưu hòa bình còn những “sân bóng” như giàn khoan Hải Dương 981 là nguy cơ làm cho khu vực và thế giới bất ổn, nảy sinh xung đột sống còn. Chuyện đẩy đuổi giàn khoan đã kéo dài suốt hơn hai tháng, và không biết bao giờ trận đấu này mới kết thúc?
ĐĂNG QUANG