San hô đỏ

TRẦN THỊ GIAO THỦY 15/11/2015 09:04

“Chúng mình là lính đảo. Ở đây tuy gian khổ nhưng chúng mình vẫn rất yêu đời. Rất mong được làm quen với các bạn gần xa trên mọi miền đất nước. Hãy viết thư về cho chúng mình nhé. Địa chỉ…Người gửi: Nguyễn Quyết Thắng”.

Mẩu tin ngắn trên một tờ báo trong mục “Tìm bạn bốn phương” một lần đã vô tình rơi vào tay tôi. “Lính đảo”. Hai chữ ấy gợi lên hình ảnh những chàng trai da sạm nắng nhưng hàm răng trắng phau, khiến nụ cười của họ rạng rỡ. Đó là những chàng trai nhân hậu, rất giàu tình cảm và đã yêu ai thì yêu hết mình. Tôi quyết định viết thư.

Một tháng trôi qua. Khi tôi đã quên lá thư làm quen và những dòng tin trên báo, tôi nhận được thư Thắng. Phong bì đã hơi nhàu nát. Dấu bưu điện đất liền, gần nơi đóng quân của anh nhất, ghi ngày tháng cách đó hơn 3 tuần. Và 1 tuần nó lặn lội đi tìm tôi.

Nét chữ đều đặn, có phần bay bướm ở những cái móc cuối của các chữ “g”, “m”... Chứng tỏ anh có hoa tay. Giọng văn đầy cảm xúc, chân thực và sinh động. Rõ ràng khi còn là học sinh, người viết thư học rất khá môn văn.

Đầu tiên là những lời cám ơn, làm quen và tự giới thiệu. Thắng viết, không ngờ “lời kêu gọi” của anh được các bạn ở đất liền hưởng ứng nhiệt tình đến thế. Các anh đã nhận được rất nhiều thư. Sau khi đọc thư, theo ngẫu nhiên và cảm tính, mỗi người chọn để trả lời vài lá. Và anh chọn thư tôi.

Anh viết, anh rất vui vì tôi đã dành thời gian để viết thư cho anh. Những lá thư từ đất liền nói chung và thư của tôi, là niềm vui vô tận của anh và đồng đội… Tôi trả lời anh ngay trong ngày hôm đó…

Những phong thư của chúng tôi cứ dày dần theo thời gian. Thư anh kể rất nhiều chuyện kỳ lạ ở đảo. Những chuyện mà một cô gái sinh ra và lớn lên ở đất liền như tôi chưa bao giờ biết. Anh kể cho tôi nghe về đồng đội, những chàng trai chất phác nhưng rất đáng yêu; về cuộc sống gian khổ của các anh trên đảo, về rất nhiều bữa cơm không có một cọng rau nào. Anh viết: “Chính vì gian khổ mà có thể nói không ngoa rằng lính đảo bọn anh rất yêu cuộc sống. Có khi còn hơn những người ở đất liền. Bằng cớ là các anh có thể hy sinh cả thân mình để bảo vệ một rẻo san hô ngầm này để nó có tên trên bản đồ tổ quốc”.

Vào những buổi tối thứ Bảy, khi bọn bạn cùng phòng đi chơi với người yêu, tôi ở nhà cắm cúi viết thư cho anh. Tất cả những vui buồn, hờn giận, những suy nghĩ và lo âu, tôi đều kể với anh. Tôi gửi gắm cho anh những mơ ước và hy vọng, những dự tính về tương lai, khi tôi tốt nghiệp ra trường. Anh nói tôi ráng học thật giỏi để khi nào anh hết hạn nghĩa vụ, tôi sẽ làm gia sư giúp anh vào đại học. Chúng tôi phát hiện ra có nhiều sở thích và suy nghĩ giống nhau. Có những niềm vui và nỗi buồn như nhau.

Qua mô tả trong các lá thư, tôi và anh đều có thể hình dung ra khuôn mặt của nhau qua trí tưởng tượng của mỗi người. Ví dụ, tôi biết anh cao và không cân đối lắm: Những gần một mét bảy mà chỉ nặng có năm mươi tám ký. Anh khoe: “Như vậy anh cũng được coi là… cao ráo vì nhiều chàng lính đảo nhỏ con lắm”. Tôi hỏi anh trên mặt có đám “cơm cháy” nào không? Anh viết rằng anh và các bạn đều được nắng gió hun cháy như tôi trong lửa đỏ nên đứa nào cũng mặt sắt đen sì. Dù có muốn, “cơm cháy” cũng chẳng có là chỗ mà “lưu trú”.

 Còn tôi, rất vui vẻ tự giới thiệu là “nhan sắc trung bình”, lại khá “đen đủi” do sinh ra ở nông thôn. Lại nữa, tôi lùn có một mẩu, với chiều cao khiêm tốn là 1mét 50. Đã thế, lại nặng đến 55kg. Nghĩa là, như các bạn tôi hay nói, khi di chuyển, tôi lăn chứ không đi. Đáp lại, anh viết: “Quan trọng với anh không phải là vẻ đẹp bên ngoài mà là tâm hồn. Chắc chắn em là một cô gái đẹp, dù bề ngoài của em như thế nào!”. Thư khác, anh dặn tôi đừng sợ béo mà ăn kiêng, sẽ không có đủ sức khỏe để học.  

Như một lẽ tự nhiên, tình yêu đã đến với tôi và Thắng. Không ồn ào nhưng mãnh liệt. Không có những lời tỏ tình mà chỉ đầy ắp sự lo âu cho nhau, và thấp thoáng những niềm thương nỗi nhớ trong mỗi lá thư . Khác với những mối tình làm quen qua thư khác, chưa bao giờ chúng tôi đề nghị gửi ảnh cho nhau. Anh nói, hãy cứ tha hồ tưởng tượng về nhau. Để khi gặp nhau sẽ xem ai trong chúng tôi là người có trí tưởng tượng chính xác hơn.

Một buổi chiều chủ nhật, có hai người lính đến trường tìm tôi. Từ trên gác 3 của ký túc xá, nghe tiếng gọi tên tôi trên loa, tôi vội vàng chạy một mạch ra cổng. Tôi đinh ninh chắc chắn một trong hai người sẽ là Thắng. Sao anh không báo trước? Chắc là anh muốn mang đến cho tôi sự bất ngờ!

Cả hai chàng trai đều cao lêu đêu và gầy ngẳng nhưng rắn chắc. Hai khuôn mặt cùng xương xương với chiếc cằm nhọn. Họ chào tôi bằng những đôi mắt rất sáng trên khuôn mặt sạm nắng. Tôi chợt nhận ra sự gượng gạo và nét buồn thấp thoáng trong ánh mắt. Chàng trai thấp hơn có hàm răng trắng phau nhìn tôi dịu dàng: “Em là Bích ?”. Tôi mỉm cười. “Vâng! Em là Bích! Các anh là …”. Tôi đưa mắt liếc nhanh hai người lính, chờ đợi một trong hai người sẽ nói: “Anh là Thắng đây!”.

Không có tiếng trả lời. Một trong hai chàng trai quay đi, nhìn sang hướng khác. Người lính kia lục lục trong ba lô, đưa tôi một gói nhỏ bọc trong giấy báo: “Bọn anh cùng đơn vị với Thắng! Nhân về phép, Thắng nhờ chuyển cho em cái này!”.

Tôi đã không thể giấu một tiếng thở dài. Vậy mà tôi đã tưởng sẽ gặp Thắng. Nhưng dù không được gặp anh, nhưng có quà của anh là vui rồi”.

Tôi mở gói quà. Đó là một nhành san hô đỏ. Thắng viết trong lá thư đính kèm: “San hô đỏ rất hiếm. Anh phải lặn rất sâu dưới biển mới tìm được. Bọn bạn cứ gạ gẫm đổi nhưng anh không chịu. Đó là món quà dành cho em. Bởi vì, san hô đỏ là minh chứng cho một tình yêu bền vững …”.

Mỉm cười rạng rỡ, tôi reo lên: “Ôi! Đẹp quá! Cám ơn các anh lắm! Anh Thắng vẫn khỏe chứ ạ?”.

Lại một khoảng lặng nữa. Lần này, cả hai chàng trai đều quay nhìn đi nơi khác. Mấy giây sau, người lính trẻ đã đưa quà của Thắng cho tôi mới quay lại, buồn bã lắc đầu: “Anh rất tiếc… Thắng đã hy sinh trong một chuyến tuần tra bảo vệ đảo… Mới tháng trước…”.

Tim tôi thắt lại. Nước mắt tuôn thành dòng, nhỏ từng giọt xuống những nhánh san hô, thẫm lại, đỏ tươi như màu máu. Máu của lính đảo, Thắng ơi!

TRẦN THỊ GIAO THỦY

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
San hô đỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO