Sân khấu ca kịch trở lại sau giãn cách

ĐẶNG TRƯƠNG 07/11/2021 06:08

Những ngày cuối tháng 10, sân khấu ca kịch xứ Quảng đỏ đèn trở lại trong trạng thái bình thường mới. Đoàn Ca kịch Quảng Nam vừa phải tập trung đủ diễn viên cho công tác tập luyện các vở diễn đã lên kế hoạch trong năm và phải đảm bảo phòng dịch Covid-19. Tuy nhiên, niềm vui được trở lại với sân khấu là động lực để các nghệ sĩ nỗ lực trong từng vai diễn...

Các diễn viên trẻ của Đoàn Ca kịch Quảng Nam trong vở diễn “Chuyện tình Thị Nở”.
Các diễn viên trẻ của Đoàn Ca kịch Quảng Nam trong vở diễn “Chuyện tình Thị Nở”.

Hiệu quả kép

“Chuyện tình Thị Nở” chuyển thể từ tác phẩm văn học Chí Phèo của nhà văn Nam Cao là vở ca kịch ngắn, đánh dấu sự trở lại của sân khấu ca kịch Quảng Nam sau những chuỗi ngày dài giãn cách.

Tác phẩm do Trần Kim Chín chuyển thể ca kịch bài chòi và nghệ sĩ ưu tú Ngọc Tâm đạo diễn, với sự tham gia của các diễn viên trẻ Đoàn Ca kịch Quảng Nam. Nghệ sĩ Hồng Trang, nhà ở TP.Đà Nẵng, một trong những gương mặt trẻ, gặt hái được khá nhiều thành tích trong nghề, chia sẻ khi được trở lại sân khấu biểu diễn sau chuỗi ngày dài giãn cách vì đại dịch là niềm hạnh phúc rất lớn.

Ròng rã nhiều tháng liền với nỗi nhớ sân khấu, nhớ những vai diễn và anh chị em trong đoàn… nhiều lúc khiến Hồng Trang hụt hẫng. “Lần này sân khấu đỏ đèn trở lại trong trạng thái mới, dù còn nhiều khó khăn nhưng vở diễn “Chuyện tình Thị Nở” là cơ hội để anh chị em nghệ sĩ thỏa đam mê và chuẩn bị tinh thần cho những vở diễn lớn sắp tới…” - Hồng Trang nói.

Điều rất vui là ngay trong lần khai diễn đầu tiên của “Chuyện tình Thị Nở”, khán phòng của Đoàn Ca kịch Quảng Nam đã có khán giả là học sinh của Trường THPT Duy Tân (TP.Tam Kỳ) dự xem.

Cô giáo Bùi Thị Kim Thoa, giáo viên Ngữ văn của Trường THPT Duy Tân cho biết: “Khi hay tin Đoàn Ca kịch Quảng Nam công diễn vở mới “Chuyện tình Thị Nở”, chúng tôi đã đề xuất nhà trường và lãnh đạo Đoàn để cử một số học sinh đến xem. Vở diễn được chuyển thể từ tác phẩm mà các em đã được học nên rất phù hợp để tiếp cận với nhân vật trên sân khấu, giúp việc cảm thụ tác phẩm một cách sâu sắc, gần gũi hơn.

Chuyển thể tác phẩm văn học lên sân khấu cũng nằm trong dự án mới “Văn học - Học văn” do Sở GD-ĐT xây dựng và thực hiện lần đầu trong năm nay. Chính vì thế, các em xem vở diễn này vừa cảm nhận tác phẩm trên sân khấu một cách sống động vừa học hỏi thêm kinh nghiệm biểu diễn của anh chị nghệ sĩ Đoàn Ca kịch Quảng Nam cho việc thể hiện một số tiểu phẩm chuyển thể từ văn học nhà trường theo dự án nêu trên”.

Đưa phương ngữ vào kịch

“Chuyện tình Thị Nở” chỉ là lát cắt nhỏ trong tác phẩm Chí Phèo. Vở kịch xoay quanh câu chuyện tình yêu của hai nhân vật Chí Phèo và Thị Nở trong khu vườn chuối, lò gạch cũ ở làng quê miền Bắc.

Những tình huống kịch hài hước, bi kịch về số phận nhân vật và cả mơ ước dung dị trong tình yêu đôi lứa, khát vọng làm người lương thiện của nhân vật Chí Phèo… đã được đạo diễn khéo léo chọn lựa, dàn dựng đan xen, cùng với việc hóa trang nhân vật đặc biệt Thị Nở - Chí Phèo, tạo nên sự hấp dẫn cho vở kịch.

Bên cạnh việc sử dụng các làn điệu dân ca, hò vè xứ Quảng trong vở diễn theo đặc tính riêng của ca kịch, “Chuyện tình Thị Nở” còn có một điều khá ấn tượng là phương ngữ Quảng Nam được các nhân vật sử dụng trong những tình huống đối thoại. Qua đó vừa tạo nên sự gần gũi thân quen cho người xem, lại vừa đáp ứng yêu cầu sử dụng phương ngữ khi chuyển thể tác phẩm văn học lên sân khấu trong trường học.

Nguyễn Ánh Minh - cựu học sinh Trường THPT Duy Tân, sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học KHXH&NV TP.Hồ Chí Minh chia sẻ: “Tác phẩm Chí Phèo với học sinh THPT đã rất quen thuộc, đặc biệt khi tham gia dự án Văn học - Học văn nhóm kịch của Trường THPT Duy Tân cũng đã chuyển thể trích đoạn tác phẩm này trên sân khấu.

Bây giờ xem “Chuyện tình Thị Nở” mình rất bất ngờ bởi vở kịch được xây dựng hấp dẫn, cách dẫn chuyện, phần ca và đối thoại phù hợp với người xem xứ Quảng. Cảm giác tác phẩm văn học xích lại gần hơn với người cảm thụ…”.

Bà Võ Thị Thu Mây - Trưởng đoàn Ca kịch Quảng Nam cho biết: "Sau vở diễn “Chuyện tình Thị Nở”, đoàn đã lên kế hoạch để tập luyện các vở diễn còn lại trong năm. Đó là các vở “Hai người cha” - tác giả Trịnh Ký Đức và “Về thôi” của Minh Bá. Cả hai đều là đề tài hiện đại, phản ánh cuộc sống gia đình và câu chuyện về lâm nghiệp ở miền núi Quảng Nam. Hy vọng từ nay đến cuối năm, tình hình dịch được kiểm soát để anh chị em nghệ sĩ của đoàn có cơ hội mang dân ca về biểu diễn ở các làng quê xứ Quảng nhân dịp Tết Nguyên đán ”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sân khấu ca kịch trở lại sau giãn cách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO