Dàn dựng, đưa vào kịch mục các vở diễn ngắn; thay đổi, làm mới cơ cấu suất diễn, đáp ứng nhu cầu đa dạng của các tầng lớp công chúng khác nhau... là cách mà Đoàn Ca kịch tỉnh đang làm, để vừa giữ lửa nghề vừa góp phần bảo tồn, truyền bá nghệ thuật truyền thống...
“Thực đơn” mới
Chỉ vài ngày trước khi kết thúc năm 2020, Đoàn Ca kịch tỉnh đã kịp hoàn thành dàn dựng 2 vở kịch ngắn, với thời lượng trên dưới 40 phút mỗi vở. Trong đó, một vở được dàn dựng từ năm 2017, nay được dựng lại với một ê kíp diễn viên mới, có sự thay đổi ít nhiều về ngôn ngữ kịch, đó là vở “Phú ông kén rể”. Còn vở thứ hai - “Tình yêu Thị Nở”, thì được dựng mới hoàn toàn.
Sau khi diễn báo cáo và được nghiệm thu, cả hai vở diễn ngắn này đã được “biên chế” chính thức vào kịch mục của đoàn và bắt đầu đưa ra phục vụ công chúng kể từ đợt biểu diễn cao điểm vào dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 này.
Theo bà Võ Thị Thu Mây - Trưởng Đoàn Ca kịch tỉnh, việc dàn dựng các vở diễn ngắn là một phần quan trọng trong nỗ lực “làm mới” hoạt động biểu diễn, phục vụ của đoàn. Thay vì chỉ biểu diễn một vở kinh điển với thời lượng lên tới 120 - 150 phút, thì nay các đêm diễn, suất diễn của đoàn được cơ cấu lại, gồm một vở diễn ngắn cộng với một số tiết mục hô hát bài chòi, hát dân ca và thậm chí có thể biểu diễn cả một số ca khúc hiện đại. Trong đó, biểu diễn ca nhạc hiện đại không nằm trong cơ cấu cứng mà chỉ xem xét đưa vào khi thật sự cần thiết nhưng chỉ với một tỷ lệ rất nhỏ so với tổng thời lượng của suất diễn.
Với cách cơ cấu này, trong mỗi đêm diễn, suất diễn của đoàn, người xem vừa được thưởng thức ca kịch (qua vở diễn), vừa được nghe hát dân ca vừa được chơi bài chòi. Ngoài việc đáp ứng được nhu cầu thưởng thức đa dạng của các đối tượng khán giả khác nhau, tránh cho họ cảm giác “ngán” khi xem những vở diễn quá dài, đây còn là một cách để góp phần bảo tồn, truyền bá, đưa dân ca kịch truyền thống, dân ca bài chòi quay trở lại với đời sống người dân...
Lấy ngắn nuôi dài
Ngoài hai vở diễn vừa được dựng mới và dựng lại, hiện Đoàn Ca kịch tỉnh còn có 2 vở kịch ngắn khác chưa được đưa vào kịch mục cho các suất diễn theo cơ cấu mới. Đó là các vở “Quan làng xử kiện” (dựng năm 2015) và “Hai người cha” (dựng năm 2020). Bên cạnh các vở kịch ngắn, Đoàn Ca kịch tỉnh cũng từng cắt dựng được một số trích đoạn từ các vở diễn kinh điển mà đoàn đã dàn dựng và biểu diễn rất thành công trước đây như “Chuyện tình bên dòng sông Thu”, “Nỗi đau tình mẹ”, “Thủ Thiệm”, “Lâu đài cát”... Đây chính là nguồn “dự trữ” quan trọng để bổ sung cho kịch mục ngắn của đoàn khi cần thiết.
Tham gia xây dựng và góp mặt vào cơ cấu suất diễn theo mô hình mới, hầu hết diễn viên, nhạc công của Đoàn Ca kịch tỉnh đều tỏ ra hào hứng. Trong đó, một số người - nhất là các nghệ sĩ, diễn viên trẻ, thì cho rằng cơ cấu mới này làm cho không gian biểu diễn “mềm” và thoáng hơn.
Còn theo nghệ sĩ Mạnh Thìn, cách làm này mở ra thêm cơ hội cho nhiều người. Bởi lẽ, nếu chỉ dựng và diễn những vở kinh điển, vở dài (mà mỗi năm chỉ dựng 1 vở và mỗi suất chỉ diễn được 1 vở) thì chỉ những người có vai mới được lên sân khấu. Còn với cơ cấu biểu diễn mới này, hầu như diễn viên nào cũng có cơ hội lên sân khấu: nếu họ không góp mặt trong vở diễn thì có thể trình diễn dân ca hay tham gia hô hát bài chòi...
Việc Đoàn Ca kịch tỉnh đưa các vở kịch ngắn vào kịch mục chính thức của đoàn gắn với việc xây dựng cơ cấu suất diễn gồm ca kịch, hát dân ca, hô hát bài chòi - theo bà Võ Thị Thu Mây, chính là một cách “lấy ngắn nuôi dài”. Trong đó, các vở kịch ngắn chính là “đất diễn”, là không gian rèn nghề cho các nghệ sĩ, diễn viên trẻ, mới vào nghề. Các tiết mục hát dân ca, hô hát bài chòi là để các nghệ sĩ phô diễn, thể hiện tài năng, niềm đam mê của mình trên các lĩnh vực khác nhau của loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian hết sức đặc biệt này... Nói cách khác, thông qua phương thức đó, hầu hết các nghệ sĩ, diễn viên của đoàn được dự phần vào các đêm diễn, và là cách để truyền lửa, giữ lửa nghề cho họ. “Tất nhiên, chúng tôi vẫn luôn duy trì và tiếp tục dàn dựng các vở diễn lớn, vì đó là xương sống của nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp” - bà Võ Thị Thu Mây nói thêm.
Có thể nói, cách thức xây dựng chương trình mà Đoàn Ca kịch tỉnh bắt đầu thực hiện là khá năng động, phù hợp với yêu cầu của thực tế đời sống và khuynh hướng thưởng thức nghệ thuật của công chúng hiện nay. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cần phải có sự “gác cửa” chặt chẽ, bởi nói như nghệ sĩ Huỳnh Nhật Lệ - nguyên Trưởng Đoàn ca kịch tỉnh, “nếu lơ là, dễ dãi, chạy theo thị hiếu và đòi hỏi bình thường của công chúng, rất có thể sẽ rơi vào tình trạng nghiệp dư hóa”.