"Săn" mật ong rừng

Phương Giang - Lăng A Cúi 11/04/2013 08:37

“Săn” mật ong rừng là cách gọi của những người thợ chuyên vào rừng lấy mật ong ở làng An Bằng (xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc).

“Săn” mật ong rừng.
“Săn” mật ong rừng.

Theo kinh nghiệm của các cụ cao niên trong làng, mùa lấy mật ong trong năm diễn ra từ tháng Hai đến tháng Bảy âm lịch, rộ nhất từ rằm tháng Ba cho đến rằm tháng Tư (đây là mùa mật ong đạt chất lượng cao nhất, ngon nhất). Mỗi tổ ong trung bình cho từ 1 - 2 lít mật; cá biệt, vài tổ ong lớn cho cả chục lít mật. Mỗi lít mật nguyên chất, chưa qua pha chế có giá bán hiện nay khoảng 900 nghìn đồng.

Theo chân thợ “săn”

Con đường gồ ghề dẫn về làng An Bằng bốc nồng hơi đất khó chịu. Bên gốc cây ven đường, những người thợ chuẩn bị cho hành trình vượt rừng “săn” mật ong. Gần 7 giờ sáng, nhóm thợ đưa chúng tôi đến khu rừng giáp ranh giữa huyện Đại Lộc và Nam Giang để bắt đầu cuộc “săn” mật ong rừng. Sau khi cuốc bộ hơn 3 giờ đồng hồ, điểm dừng chân của chúng tôi là đoạn suối bên rìa rừng. Ông Ngô Thắng - một người thợ có tuổi trong nhóm chỉ tay về phía có những con ong bay ngang, rồi đậu ngay cạnh bờ suối để “ăn” nước cho biết, đây là công đoạn đầu tiên của người thợ để tìm ra tổ ong.

Căng mắt theo dõi qua lần bay đầu tiên, dường như nhóm thợ vẫn chưa xác định được vị trí ong “rớt” (tức con ong hạ cánh bay về tổ). Sau gần 15 phút theo dõi “tín hiệu”, cuối cùng nhóm thợ cũng đã tìm được điểm “rớt” của đàn ong trong khu rừng cách nơi chúng tôi đứng khoảng 200m. Lần theo đường bay của ong, chỉ sau hơn 30 phút tìm kiếm, tổ ong đã được tìm thấy, nằm dưới nhánh cây rừng cao chót vót. “Hôm nay may mắn! Có nhiều đợt, cả nhóm phải mất mấy tiếng đồng hồ mới tìm được tổ ong. Cũng có khi bạt rừng tìm kiếm cả buổi mà đành tay trắng trở về” - ông Thắng cho biết.

Vị trí tổ ong đã được xác định, nhóm thợ “săn” bó củi khô thành chụm, bọc lá xanh bên ngoài để đốt lửa hun khói lấy mật. “Công việc này phải được làm cách vị trí tổ ong khá xa nhằm tránh đàn ong phát hiện” - anh Nguyễn Phi Long, một thợ săn trong nhóm nói. Hôm nay, anh Long là người được giao nhiệm vụ thực hiện công việc lấy mật. “Trẻ nhưng có khả năng lấy mật giỏi nhất nhì làng An Bằng này” - ông Thắng vỗ vai anh Long giới thiệu với chúng tôi. Anh Long nhanh tay bám lấy thân cây leo lên một mạch. Áp sát tổ ong, anh dùng khói hơ vài lượt khiến bầy ong bay vù khỏi tổ. Người thợ trẻ nhanh tay cắt lấy mật bỏ vào giỏ, rồi ném phần sáp xuống đất. Bên dưới, ông Thắng đã đợi sẵn, trên tay cũng cầm một bó củi đầy khói xua đàn ong bay thấp. Bầy ong mất tổ bay vù xuống mặt đất khiến chúng tôi một phen hú vía...

Chuyện nghề

Xách vội giỏ đựng sáp ong, ông Thắng ra hiệu cho chúng tôi di chuyển xa vị trí “ăn ong” để đảm bảo an toàn. Đống lửa xua ong đã được dội nước dập tắt từ trước, một tay ông cầm bó củi hun khói để cản sự truy đuổi của bầy ong. Theo lời ông Thắng, để đảm bảo an toàn cho khu vực “săn ong” được duy trì, nhóm thợ săn đều cẩn thận dập tắt lửa, kiểm tra kỹ lưỡng đảm bảo không để xảy ra nguy cơ cháy rừng. Đây cũng là một quan niệm tín ngưỡng của người săn mật ong. Đến địa điểm an toàn nằm cạnh bờ suối, nhóm thợ tranh thủ làm thủ tục “cúng rừng”. Theo lời ông Thắng, sau mỗi đợt “săn” mật ong thành công, những người thợ đều phải làm lễ cúng để báo với thần rừng việc họ đã đến đây “săn” mật. Thủ tục “cúng rừng” khá đơn giản, người thợ chỉ cần đặt toàn bộ mật vừa “săn” được, khấn vài lần rồi vãi ít mật xuống đất ngụ ý để mời thần nếm trước. Sau đó, nhóm thợ tiếp tục cuộc hành trình tìm kiếm mật ong trước khi trời tối.

“Làm cái nghề ni không nhiều tiền đâu. Đến mùa mới đi, không phải mùa thì ở nhà làm việc vặt. Tính ra mỗi năm chưa có người nào kiếm hơn chục triệu đồng từ nghề. Nhưng được cái vui vì ai cũng đã giữ được nghề cha ông truyền lại” - ông Thắng tâm sự. Như ông Thắng, gắn bó với nghề đã hơn 30 năm, trở thành một trong những người thợ có “thâm niên” nhất làng. Theo ông Ngô Hà Phương - thành viên nhóm “thợ săn”, hiện làng An Bằng có hơn 20 hộ dân làm nghề “săn” mật ong rừng. Trong đó, nhiều hộ có đến 4 đời theo nghề.

Ở An Bằng, người ta vẫn kể cho nhau nghe những câu chuyện “săn” mật ong của ông Khế, ông Hương, ông Nghỉ, ông Bảy Phùng,… mà tài nghệ đã trở thành niềm tự hào của người làng An Bằng. Như ông Huỳnh Văn Nghỉ, xuất thân trong gia đình có đến bốn đời theo nghề “săn” mật ong rừng. Ông có khả năng lấy mật rất giỏi, bởi từ nhỏ đã theo cha vào rừng lấy mật và tập cách đối phó với bầy ong. Hay như ông Bảy Phùng, có được lòng can đảm đến… liều lĩnh khiến ai cũng phải “bái phục” khi một mình trèo lấy mật ở nhánh cây ngả ra vực thẳm sâu hàng trăm mét.

Ngày nay, người dân An Bằng ít có thời gian đi “săn” mật nên nghề này không được thịnh hành như trước. Mặc dầu vậy, hằng năm, khi đến mùa lấy mật cũng có hàng chục người thợ tìm đến các khu rừng để “săn” mật như một cách nhớ và gìn giữ nghề truyền thống của cha ông.

Phương Giang - Lăng A Cúi

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Săn" mật ong rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO