Trong một lần đưa sản phẩm đi tham gia hội chợ hàng nông sản cấp tỉnh, trong khi chờ khai mạc, chủ một cơ sở sản xuất bánh tráng ở Đại Lộc tranh thủ dạo qua một số ngôi chợ lớn ở Tam Kỳ để tìm hiểu tình hình.
Tại các ngôi chợ lớn ở Tam Kỳ mà anh dạo qua, hầu như quầy hàng khô nào cũng có bán bánh tráng và hầu hết trong số đó được dán nhãn “Bánh tráng Đại Lộc”. Chỉ có điều, ngoài dòng chữ đó ra, các sản phẩm bánh tráng đó không có thêm thông tin nào khác như do cơ sở nào sản xuất, sản xuất ở đâu, thành phần, hạn dùng... Nhận thấy có điều không bình thường, anh đã hỏi chủ các quầy hàng khô có bán “Bánh tráng Đại Lộc” là nguồn hàng này được lấy ở đâu, do cơ sở nào sản xuất... thì ai cũng lắc đầu bảo không biết. Họ chỉ biết “Bánh tráng Đại Lộc” mà họ bày bán là do một số bạn hàng quen bỏ sỉ, được trích hoa hồng cao hơn và đặc biệt là bán rất chạy so với các sản phẩm cùng loại.
Từ câu chuyện của “Bánh tráng Đại Lộc”, chợt nhớ lại chuyện liên quan đến trái lòn bon Tiên Phước. Trong thời gian diễn ra lễ hội làng Lộc Yên (từ ngày 5 đến 7.9), nhiều người đã không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy ông Phùng Văn Huy - Phó Chủ tịch UBND huyện kiêm Trưởng ban tổ chức lễ hội, hễ rảnh ra một chút là lại rảo qua các điểm bán trái cây đặc sản trong làng, rồi tự tay mình kiểm tra từng thúng lòn bon. Ông cho biết lâu nay nghe nói một số nơi người ta mua lòn bon từ nơi khác về rồi “dán nhãn” lòn bon Tiên Phước để bán với giá cao nhưng vì không thuộc địa bàn mình quản lý nên rất khó để xác minh, xử lý. Còn ở đây, mình phải kiên quyết xử lý mới mong giữ được uy tín cho đặc sản lòn bon Tiên Phước.
Mấy câu chuyện kể ở trên thoạt nghe có vẻ... vặt vãnh, nhưng ngẫm lại thì không “nhỏ” tí nào. Bởi lẽ, để tạo nên thương hiệu cho một sản phẩm, nhiều khi phải mất 5 năm, 10 năm, thậm chí là cả đời người. Nhưng để đánh đổ một thương hiệu, nhiều khi chỉ cần một sản phẩm giả. Đối với các thương hiệu có sở hữu tập thể, nguy cơ xuất hiện sản phẩm giả càng cao hơn và khó chống đỡ hơn một khi trong cộng đồng chủ sở hữu ấy xuất hiện một người bất chấp hậu quả, muốn trục lợi, muốn lợi dụng thương hiệu chung vì lợi ích trước mắt của riêng mình (chưa kể nguy cơ còn đến từ những đối tượng nằm bên ngoài cộng đồng chủ sở hữu sản phẩm nữa). Tăng cường “điều nghiên thị trường” như 2 câu chuyện ở trên là kịp thời và cần thiết, nhưng dường như vẫn chưa đủ để có thể giúp bảo toàn, bảo vệ uy tín cho sản phẩm gốc. Đã đến lúc phải có những tính toán dài hơi và căn cơ hơn. Trong đó, cơ quan chức năng cần tính đến việc giúp người trong cuộc nâng cao ý thức tự bảo vệ thương hiệu của mình từ những việc nhỏ nhất; đồng thời kiên quyết xử lý những hành vi lợi dụng, làm giả thương hiệu, sản phẩm. Xa hơn, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu cho từng sản phẩm cụ thể, để không chỉ tạo ra “mẫu chuẩn” cho các cơ sở sản xuất và các chủ sở hữu (tập thể) mà còn giúp người tiêu dùng dễ nhận biết đâu là sản phẩm thật để họ tự tin hơn trong việc mua sắm, hạn chế việc vô tình “tiếp tay” cho hàng giả.